Vì sao Chợ Siêu Thị Đà Nẵng đứng trước nguy cơ dừng hoạt động?

NDO - Gần 500 tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại Chợ Siêu thị Đà Nẵng (số 46 Điện Biên Phủ-Thành phố Đà Nẵng) hiện đứng trước nhiều khó khăn khi giá tiền thuê mặt bằng tăng quá cao, trong khi hoạt động kinh doanh, buôn bán quá ế ẩm. Phía doanh nghiệp khai thác chợ này cho rằng, mức giá thuê mặt bằng hiện tại quá thấp, trong khi mức giá tiền thuê đất chu kỳ 2020-2024 quá cao, doanh nghiệp “khó cầm cự”, đứng bên bờ phá sản.
0:00 / 0:00
0:00
Hàng trăm tiểu thương Chợ Siêu Thị Đà Nẵng khóc ròng vì tiền thuê mặt bằng tiếp tục tăng. (Ảnh ANH ĐÀO)
Hàng trăm tiểu thương Chợ Siêu Thị Đà Nẵng khóc ròng vì tiền thuê mặt bằng tiếp tục tăng. (Ảnh ANH ĐÀO)

Hàng trăm tiểu thương gặp khó

Chợ Siêu thị Đà Nẵng do Công ty TNHH MTV chợ Siêu thị Đà Nẵng đầu tư, khai thác. Hiện nay có khoảng 500 tiểu thương đang thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ này.

Công ty TNHH MTV chợ Siêu thị Đà Nẵng vừa đề xuất thành phố Đà Nẵng phê duyệt mức giá cho thuê mới là 681 nghìn đồng/m2/tháng. Sở Tài chính Đà Nẵng đã thẩm định ở mức 393 nghìn đồng/m2/tháng. Với mức giá này, phía chủ đầu tư cho rằng không bảo đảm, doanh nghiệp kinh doanh sẽ lỗ, khả năng phải đóng cửa. Còn tiểu thương thì khóc ròng.

Theo phản ánh của tiểu thương, việc chủ đầu tư tăng thêm giá thuê mặt bằng và truy thu tiền thuê mặt khiến họ gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Chợ Siêu thị Đà Nẵng thông báo từ tháng 10/2023, giá thuê mặt bằng sẽ tăng 40% so trước đó. Ngoài ra, công ty sẽ truy thu 40% các tháng 6-9/2023 do trong khoảng thời gian này đang chờ phương án giá được phê duyệt và tạm thu theo giá thuê mặt bằng năm 2022, nếu tiểu thương không nộp tiền, sẽ tiến hành cắt điện.

Vì sao Chợ Siêu Thị Đà Nẵng đứng trước nguy cơ dừng hoạt động? ảnh 1

Một góc Chợ Siêu Thị Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Ghi nhận của phóng viên sáng 1/11 tại Chợ Siêu thị Đà Nẵng cho thấy, buổi sáng là thời gian được xem là nhộn nhịp nhất tại các chợ, thì không khí buôn bán tại Chợ Siêu thị Đà Nẵng quá vắng lặng. Nhiều tiểu thương cố gắng dọn hàng ra, lặng lẽ sắp xếp hàng hóa, rồi “ngóng khách”.

Cả khu vực buôn bán áo quần, giày dép, may mặc… trên tầng 2, không có bóng dáng một người khách hàng nào. Trong khi đó, nhiều ki-ốt ở đây đóng cửa. Các tiểu thương thở dài và không muốn nói đến chuyện kinh doanh, lo lắng chưa biết tình trạng khó khăn này còn kéo dài bao lâu và nếu chợ buộc phải đóng cửa hoạt động, thì họ sẽ đi đâu, về đâu?

Cố gắng dọn xong quầy hàng thật tươm tất, bà Nguyễn Thị Ninh, ki-ốt 1-2, buôn bán hàng tạp hóa, áo quần trẻ em tại tầng 2 Chợ Siêu thị, ngồi ngóng khách. Đã 3 ngày qua, bà không bán được một món hàng nào.

“Khổ quá, buôn bán ế ẩm, 3 ngày nay không bán được gì cả. Con tôi thuê 1 ki-ốt bán giày dép nhưng vỡ nợ và đã trả mặt bằng, giờ đi làm thuê, làm mướn. Đã khó khăn là vậy, nhưng giờ nghe tin giá thuê mặt bằng lại tăng nữa, rồi lại truy thu tiền thuê mặt bằng của năm ngoái. Tôi nóng ruột không biết làm sao, mà giờ họ đóng cửa, không hoạt động nữa thì toàn bộ vốn liếng tôi đổ dồn vào hàng hóa, đồ quần áo này không biết phải tính sao đây”, bà Nguyễn Thị Ninh thở dài.

Theo bà Ninh, mỗi tháng tiền thuê mặt bằng 1 triệu đồng, nhưng giờ tiền thuê mặt bằng lại tiếp tục tăng cao và quá cao so mặt bằng chung của các chợ truyền thống khác trên địa bàn Đà Nẵng, nên tiểu thương gặp vô vàn khó khăn.

Vì sao Chợ Siêu Thị Đà Nẵng đứng trước nguy cơ dừng hoạt động? ảnh 2

Kinh doanh buôn bán ở Chợ Siêu thị Đà Nẵng khó khăn. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Nhiều tiểu thương cho rằng, trước đây khi được di dời về kinh doanh buôn bán ở đây, lãnh đạo thành phố đã hứa với dân là sẽ ổn định việc kinh doanh, buôn bán cho bà con tiểu thương tại chợ này cũng như các chợ truyền thống khác trên địa bàn thành phố với mức giá thuê hợp lý giống như các chợ khác. Hiện tại các chợ khác đều không tăng giá. Tại sao mỗi Chợ Siêu thị Đà Nẵng lại tăng giá và tăng quá cao? Đã buôn bán thì các chợ đều như nhau, phải cạnh tranh công bằng!

Các tiểu thương dẫn chứng, tiền thuê mặt bằng thì hiện tại đã gấp đôi so các chợ truyền thống khác trên thành phố, mà giờ tăng lên 40% nữa thì hỏi làm sao dân có thể đáp ứng được. Cụ thể, 1 quầy bán rau, giá 360 nghìn đồng/tháng, đã gấp đôi so giá tại các chợ khác, mà giờ tiếp tục tăng lên nữa thì khó khăn lại chồng chất khó khăn.

“Bây giờ Ban quản lý chợ họ nếu không giải quyết được vấn đề thì đến 1/12 này sẽ dừng hoạt động, nếu thế thì cuộc sống của 500 tiểu thương ở đây phải làm sao? Cái này thành phố phải giải quyết, do tiền thuê đất của công ty tăng nên họ phải tăng tiền thuê mặt bằng của tiểu thương. Với mức giá đó, tiểu thương không thể kinh doanh. Đề nghị lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng cần có giải pháp xử lý khó khăn, hỗ trợ tiểu thương, bà Bùi Thị Hồng Nhung, bán hàng rau tại lô 121, kiến nghị.

Chưa phê duyệt phương án giá thuê mặt bằng

Theo văn bản số 49/CV.CHOST ngày 26/10/2023 của Công ty TNHH MTV Chợ Siêu thị Đà Nẵng gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng và các ngành chức năng, thì vì thành phố chưa phê duyệt phương án giá tiền thuê mặt bằng, cùng việc áp giá tiền thuê đất chu kỳ 2020-2024 tăng đột biến, nên doanh nghiệp buộc phải tăng tiền thuê mặt bằng.

Lý giải về điều này, ông Trần Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chợ Siêu thị Đà Nẵng cho biết, phương án giá thuê mặt bằng đã được công ty xây dựng từ năm 2018, qua nhiều lần điều chỉnh, hoàn thiện đến nay vẫn chưa được thành phố phê duyệt.

Vì sao Chợ Siêu Thị Đà Nẵng đứng trước nguy cơ dừng hoạt động? ảnh 3

Hiện có khoảng 500 tiểu thương đang thuê mặt bằng kinh doanh tại Chợ Siêu Thị Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)

So với mức giá tiền thuê mặt bằng mới nhất là mức giá 681 nghìn đồng/m2/tháng, thì mức giá 393 nghìn đồng/m2/tháng mà Sở Tài chính Đà Nẵng thẩm định khiến công ty quá bất ngờ. Vì mức giá này thấp hơn 43% so phương án giá công ty xây dựng, đặc biệt thấp hơn nhiều so các chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách như ở các địa phương khác.

Với mức giá 393 nghìn đồng/m2/tháng áp dụng từ ngày 1/1/2023 thì công ty chỉ bù đắp được 52% tiền thuê đất. Thậm chí nếu thành phố phê duyệt mức giá 681 nghìn đồng/m2/tháng như công ty đề xuất thì cũng chỉ bù đắp được 80% tiền thuê đất hiện hành.

Trong khi đó, việc giá tiền thuê đất của doanh nghiệp tăng đột biến, buộc doanh nghiệp phải tăng giá tiền thuê mặt bằng.

Theo ông Hoàng, trong chu kỳ 2020-2024, tiền thuê đất doanh nghiệp phải trả đã tăng từ 582 triệu đồng/năm lên 2,12 tỷ đồng/năm, tức tăng 360%. Theo đó, từ năm 2020-2022 công ty bị truy thu thuế hơn 4,5 tỷ đồng và đã nhận được thông báo của Cục Thuế Đà Nẵng về việc cưỡng chế nợ thuế.

Theo ông Lê Trí Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Chợ Siêu thị Đà Nẵng, từ năm 2014-2019 Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương rất đúng đắn trong việc hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho bà con tiểu thương thông qua hỗ trợ tiền thuê đất. Cụ thể, tổng mức hỗ trợ (trực tiếp và gián tiếp) của thành phố Đà Nẵng về tiền thuê đất hằng năm là 1,1 tỷ đồng.

Hiện, doanh nghiệp chỉ tạm chấp nhận với giá tối đa dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ do Sở tài chính thẩm định là 393 ngàn đồng/m2/tháng (không bao gồm tiền điện, tiền nước, tiền trông coi hàng hóa, tiền vệ sinh) với điều kiện thành phố hỗ trợ tiền thuê đất khoảng 1,1 tỷ đồng/năm như giai đoạn 2014-2019.

“Trường hợp nếu không được hỗ trợ tiền thuê đất mà vẫn duy trì mức giá phê duyệt 393 nghìn đồng/m2/tháng thì công ty không đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động vì khả năng sẽ bị nợ quá hạn các khoản như bảo hiểm xã hội, bị cưỡng chế thuế… và dự kiến tạm ngừng hoạt động kể từ 1/12/2023”, ông Thọ cho biết.

Dự kiến ngày 2/11, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ có cuộc họp với các đơn vị liên quan để tìm phương án giải quyết phù hợp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo điều kiện cho tiểu thương Chợ Siêu thị Đà Nẵng tiếp tục ổn định, kinh doanh buôn bán, bảo đảm an sinh xã hội.