Đà Nẵng: Doanh nghiệp lo ngại về hạ tầng khu công nghiệp

NDO - Chiều 11/10, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có buổi đối thoại, gặp gỡ với cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Đà Nẵng đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp chiều ngày 11/10. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Thành phố Đà Nẵng đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp chiều ngày 11/10. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Lo ngại về hạ tầng tại các Khu công nghiệp

Cụm công nghiệp Cẩm Lệ không có đường giao thông ra vào, chưa thể vận hành khai thác, chưa thể bố trí mặt bằng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng chưa thật sự bảo đảm bảo an toàn khiến doanh nghiệp lo ngại.

Ông Niwa Ryo (Nhật Bản), Giám đốc nhà máy Công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam bày tỏ lo lắng về cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang).

Ông Ryo cho biết, trận mưa lịch sử giữa tháng 10/2022 tại Đà Nẵng đã gây sạt lở và đất từ taluy bên ngoài tràn vào nhà máy của công ty, gây thiệt hại rất lớn. Sau khi kiến nghị lên Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, đơn vị này đã đào rãnh thoát nước tạm thời. Tuy nhiên đến trận mưa ngày 25/9 vừa qua, bùn đất và nước tiếp tục tràn vào nhà máy.

"Điều này khiến chúng tôi không an tâm về cơ sở hạ tầng tại Khu Công nghệ cao", ông Ryo nói, cho biết những đối sách của Ban Quản lý khu Công nghệ cao chỉ là tức thời. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng về quy hoạch hạ tầng tại khu công nghệ này và thành phố cần giải quyết triệt để.

Đà Nẵng: Doanh nghiệp lo ngại về hạ tầng khu công nghiệp ảnh 1

Hạ tầng kỹ thuật tại Cụm công nghiệp Cẩm Lệ chưa bảo đảm. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Trả lời vấn đề này, ông Trần Văn Tỵ, Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, ngày 14/10/2022, Đà Nẵng có trận mưa lịch sử, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng nằm ngay sát sườn đồi vùng núi phía bắc thành phố. Khi lượng mưa lớn tập trung và ảnh hưởng đến Công ty Niwa Foundry Việt Nam, đơn vị đã sử dụng nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng của năm 2023 để nạo vét, khơi thông dòng chảy, đặc biệt lưu ý những điểm ngập lụt của năm 2022-2023.

"Lãnh đạo thành phố cũng đã chỉ đạo và hy vọng thời gian tới không còn xảy ra tình trạng tương tự", ông Tỵ nói.

Đà Nẵng: Doanh nghiệp lo ngại về hạ tầng khu công nghiệp ảnh 2

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại buổi đối thoại. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chất vấn lại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cho rằng: Doanh nghiệp đã phản ánh giải pháp của ban chỉ là tạm thời, như vậy giải pháp của ban có căn cơ không khi đợt mưa vừa qua lại tiếp tục gây ngập. Ban cho thuê hạ tầng thì phải có trách nhiệm xử lý, chứ không thể cứ chờ có thông tin mới xử lý. Yêu cầu tổng rà soát, có phương án nạo vét, kiểm tra nếu đồi núi có dòng chảy thẳng vào công ty thì phải có giải pháp căn cơ, báo cáo lãnh đạo thành phố trong tuần sau.

Tính đến ngày 30/9, thành phố Đà Nẵng đã cấp mới và điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 41.860,5 tỷ đồng; thu hút 172,462 triệu USD vốn đầu tư FDI. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng năm 2023 ước tăng 2,8% so cùng kỳ 2022.

Vì sao giá thuê đất tăng?

Liên quan đến kiến nghị của các doanh nghiệp về tiền thuê đất tăng đột biến, ông Trần Quốc Hùng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, cho biết bảng giá đất bình ổn 5 năm/lần.

Năm 2019, thị trường biến động lớn nhưng các doanh nghiệp có chu kỳ năm 2017- 2021 vẫn được hưởng giá thuê đất năm 2017. Năm 2022 mới chịu giá thuê đất của năm 2019.

Theo ông Hùng, thời gian qua, thành phố cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Cụ thể, tỷ lệ giá thuê đất thương mại dịch vụ so với đất ở năm 2019 bằng 85% nhưng năm 2022 đã giảm xuống 70%. Đồng thời, thành phố cũng điều chỉnh hệ số phân vệt để giảm giá thuê đất. Bên cạnh đó, thành phố đã điều chỉnh hệ số giá đất năm 2022 so năm 2019 là giảm 10%.

“Đặc biệt mức % thu tiền thuê đất, trước đây quy định 1,7%- 2%, đến năm 2021 thành phố quyết định điều chỉnh xuống còn 1%. Với điều chỉnh này, tiền thuê đất của doanh nghiệp giảm từ 40-50%”, ông Hùng nói và thừa nhận thực tế tiền thuê đất của doanh nghiệp đã tăng rất nhiều so với trước đây.

Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt đối với những kiến nghị, vướng mắc liên quan đến giá tiền thuê đất, hạ tầng kỹ thuật tại các Khu công nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, nhấn mạnh: Lãnh đạo thành phố đang tập trung giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, trong đó, có nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp. Đến nay, có hơn 1.000 doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang bị đứng lại sau khi có các quyết định kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến đất đai, quyền sử dụng đất.

“Thành phố sẽ có buổi đối thoại riêng với các doanh nghiệp du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng để gỡ vướng các vấn đề cụ thể liên quan đến việc giá thuê đất tăng cao”, ông Chinh cho biết.

Làm rõ thêm về giá thuê đất tăng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, cho biết: Bảng giá đất đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, ban hành năm 2019 cho giai đoạn 2020-2024 là xây dựng tại thời điểm 2019 khi có những biến động rất lớn, lúc đó chúng ta đang trên đà phát triển. Không ai nghĩ ra được đầu năm 2020 lại có dịch Covid-19.

Đà Nẵng: Doanh nghiệp lo ngại về hạ tầng khu công nghiệp ảnh 4

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh kiểm tra thực tế tại các dự án du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng sáng ngày 11/10. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Sau 3 năm khó khăn do đại dịch Covid-19, kinh tế chưa tăng trưởng trở lại, bảng giá đất không còn phù hợp, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính phê duyệt quy hoạch đã rà soát bảng giá đất. Nếu có biến động giảm thì báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh để sát với thị trường. Tỷ lệ tính tiền thuê đất từ 2% thành phố đã hạ xuống 1% và khung giá đất thương mại dịch vụ so với giá đất ở là 90%, thành phố đã chuyển xuống 70% đối với thương mại dịch vụ và 60% đối với đất sản xuất kinh doanh.

“Thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ các vướng mắc khó khăn nêu trên” ông Minh thông tin thêm.