Doanh nghiệp "kiệt sức", cần hỗ trợ cụ thể, nhanh, trúng

Vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có báo cáo tình hình thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong quý I/2023, trong đó thể hiện nhiều khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong thiếu hụt đơn hàng, tiếp cận tín dụng, chuỗi cung ứng gián đoạn,... Ðiều này đang khiến rất nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc đứng trên bờ vực phá sản do không còn đủ sức chống chịu trước những tác động tiêu cực của thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân doanh nghiệp tư nhân Thành Phương (Hải Phòng) kiểm tra sản phẩm khuôn đúc. (Ảnh LÂM THANH)
Công nhân doanh nghiệp tư nhân Thành Phương (Hải Phòng) kiểm tra sản phẩm khuôn đúc. (Ảnh LÂM THANH)

Theo báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 95 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 3,7% so cùng kỳ; bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,6% so cùng kỳ; bình quân mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, các dấu hiệu đáng lo ngại cho "sức khỏe" của doanh nghiệp đã bắt đầu từ những tháng cuối năm 2022 và đặc biệt là những tháng đầu năm 2023. Bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với doanh nghiệp và với cả cơ quan quản lý Nhà nước.

Tính riêng quý I/2023, có tới hơn 60.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại hoạt động chỉ đạt 57 nghìn doanh nghiệp. Ðây là lần đầu trong nhiều năm qua, số doanh nghiệp dừng hoạt động, đóng cửa, giải thể vượt quá số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Ðáng lo ngại hơn là tình hình này có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới khi có nhiều doanh nghiệp đang bị đứt gãy chuỗi sản xuất, tổn thất lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước khi tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Do đó, việc hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn lúc này là nhiệm vụ cấp bách mà VCCI cần dốc toàn lực để thực hiện.

Báo cáo phân tích của VCCI đã chỉ ra nguyên nhân dẫn tới việc sản xuất ở một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm bởi chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, nhu cầu từ thị trường nước ngoài và trong nước đang ở mức thấp, dẫn tới số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh.

Giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quý I giảm 0,82%, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đồng thời, chỉ số sản xuất quý I của một số ngành trọng điểm cũng giảm so cùng kỳ. Bên cạnh đó, theo thống kê của Bộ Công thương, tính chung quý I, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa chỉ ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so cùng kỳ… Tình hình kém lạc quan nêu trên cũng được phản ánh qua đánh giá niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia khảo sát năm 2022 của VCCI khi chỉ có 35% số doanh nghiệp tư nhân và 33% số doanh nghiệp FDI có dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong vòng hai năm tới. Ðây là những con số ở mức thấp trong suốt 18 năm qua, cho thấy tình hình hoạt động kém lạc quan của các doanh nghiệp.

Giám đốc Công ty may mặc Nam Linh, Lê Tuấn Linh chia sẻ, chưa bao giờ doanh nghiệp cảm thấy gặp khó khăn, sức ép từ nhiều phía như hiện nay khi liên tục phải giãn, giảm giờ làm, thậm chí phải đóng cửa tạm thời do các bạn hàng truyền thống đều giảm mạnh đơn hàng khi nhu cầu thị trường giảm. Sức mua của thị trường trong nước èo uột, các đơn hàng xuất khẩu đi các nước khu vực EU, Anh, Mỹ ngày càng ít ỏi. "Có nhiều công ty là bạn hàng xuất khẩu truyền thống lâu năm ở EU đến nay đã tuyên bố phá sản, dẫn tới công ty thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu trầm trọng.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp khác là đơn vị cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công ty cũng đang cạn vốn, buộc phải thu hồi công nợ, khiến công ty hoạt động thoi thóp. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài 2-3 tháng nữa, chắc chắn hoạt động của công ty sẽ bị tê liệt, thậm chí có khả năng toàn bộ 250 công nhân phải nghỉ việc và đơn vị phải dừng hoạt động", anh Linh than thở.

Hiện nay, Nhà nước đã ban hành rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng yêu cầu đặt ra hiện nay là cần có những hành động cụ thể, quyết liệt và sớm triển khai các giải pháp đó một cách hiệu quả. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần nhanh chóng, thuận tiện, đúng và trúng đối tượng. Theo cộng đồng doanh nghiệp, việc tiếp tục giảm 2% mức thuế suất giá trị gia tăng (VAT) trong bối cảnh hiện nay là điều cực kỳ cần thiết khi sức mua của người dân giảm sút. Thuế VAT giảm sẽ giúp kích cầu mua sắm, giải phóng hàng tồn kho của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, với chính sách giữ nguyên nhóm nợ, giãn nợ khi được triển khai sẽ là tin vui cho những doanh nghiệp đang có các khoản vay nhưng gặp khó khăn về dòng tiền sẽ không bị chuyển nhóm nợ. Bởi khi đó, không chỉ doanh nghiệp mà cả các ngân hàng cũng gặp khó vì khi doanh nghiệp đã vướng nợ xấu ở một ngân hàng, tất cả dư nợ ở các ngân hàng khác của doanh nghiệp này cũng bị chuyển nhóm nợ theo. Các ngân hàng phải trích lập dự phòng, trong khi đó, doanh nghiệp sẽ càng khó khăn do không còn cơ hội vay vốn, quay trở lại kinh doanh khi tình hình tốt lên. Gia hạn nợ là điều kiện để hỗ trợ việc giải ngân tiếp theo cho các doanh nghiệp có nguồn tiền để chi trả lương cho người lao động, cầm cự trong giai đoạn khó khăn và chờ kinh tế phục hồi.

PGS, TS Trần Ðình Thiên khẳng định, mỗi doanh nghiệp có điểm nghẽn khác nhau, nhưng tựu trung lại có một số điểm chung về đứt gãy chuỗi giá trị khi các đơn hàng hiện nay đang giảm mạnh. Bên cạnh đó, nguồn vốn của doanh nghiệp cũng đã cạn, khiến doanh nghiệp đang đứng trước lựa chọn tiếp tục "bơm" vốn hay quá sợ lạm phát mà từ bỏ kinh doanh.

Mỗi doanh nghiệp có điểm nghẽn khác nhau, nhưng tựu trung lại có một số điểm chung về đứt gãy chuỗi giá trị khi các đơn hàng hiện nay đang giảm mạnh. Bên cạnh đó, nguồn vốn của doanh nghiệp cũng đã cạn, khiến doanh nghiệp đang đứng trước lựa chọn tiếp tục "bơm" vốn hay quá sợ lạm phát mà từ bỏ kinh doanh.

PGS, TS Trần Ðình Thiên

Do đó, để giải quyết các thách thức nêu trên, Chính phủ cần phối hợp các hiệp hội doanh nghiệp để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, tạo không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới phát triển một cách bền vững. Ðồng thời cần duy trì, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, bởi đây tiếp tục là những ưu tiên quan trọng để hỗ trợ và tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, điểm quan trọng là các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp cần được thực hiện sớm để nhanh chóng phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả cao ■