Được thiên nhiên ưu đãi khí hậu nhiệt đới gió mùa và đất đai màu mỡ, nên cây lê ở xã Giang Mai (huyện Tam Đường, Lai Châu) có cơ hội sinh trưởng, phát triển, dâng tặng cho con người nơi đây những trái lê chất lượng, thơm, ngọt, căng mọng với một vị ngọt thanh mát riêng biệt.
Hiện, toàn xã có diện tích cây lê là hơn 116 ha, trong đó diện tích thu hoạch 96ha, sản lượng ước đạt 780 tấn. Nông sản sạch từ lê giúp bà con nhân dân xã Giang Ma ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Hiện nay, cây lê được trồng nhiều ở 7 bản của xã Giang Ma là Bãi Bằng, Mào Phô, Giang Ma, Phìn Chả, Xin Chải, Sin Câu, Sử Thàng.
Ngọt ngào cành lê em hái…
Được đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2013, giống lê VH6 được trồng thử nghiệm từ năm 2013 tại các xã: Nùng Nàng, Giang Ma, Hồ Thầu của huyện Tam Đường đến nay đã bén rễ trên đất Tam Đường.
Ưu điểm nổi bật của giống lê VH6 là sinh trưởng khỏe, dễ trồng, dễ chăm sóc, cây trồng 4-5 năm cho thu hoạch, quả lê chín sớm vào cuối tháng 6, chín trước các giống lê địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 100ha lê, trong đó 40% diện tích đã cho thu hoạch.
Du khách trải nghiệm hái lê tại vườn. |
Dọc con đường liên xã Giang Ma dịp này tấp nập các đoàn tiểu thương thu mua nông sản sạch. Tam Đường là huyện giáp ranh với thị xã Sa Pa của tỉnh Lào Cai, giao thông đi lại thuận lợi, do vậy, vào dịp cuối tuần, khách du lịch từ Sa Pa qua phương tiện thông tin truyền thông, dần biết tiếng thơm từ trái lê, cũng đã tranh thủ dành thời gian ghé thăm các vườn lê, thưởng thức những trái lê sạch tại vườn, mua về làm quà biếu người thân, cũng như chụp ảnh kỷ niệm, rất đông vui, tấp nập.
Trải nghiệm này ngày càng được nhiều du khách trong tỉnh và ngoài tỉnh Lai Châu biết tới, không chỉ giúp quảng bá, cũng như tìm đầu ra cho nông sản sạch của địa phương mà còn góp phần phát triển du lịch Lai Châu gắn liền với bản sắc văn hóa.
Chị Thanh Hiếu, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ sự phấn khích khi vô tình "lạc" vào chốn này. Chị cho biết, chị cùng đoàn công tác đi từ trên thành phố Lai Châu trở về Hà Nội. Trên đường, dọc hai bên quốc lộ, bà con dân tộc H'Mông, Dao bày từng sạp lê căng mọng, bắt mắt nên đã dừng lại mua mỗi người trong đoàn 10kg về làm quà.
Tuy nhiên, khi đi qua địa phận xã Giang Ma, những cành lê trĩu quả, căng mọng, vươn ra khỏi hàng rào như mời gọi, khiến mọi người trong đoàn không tránh khỏi sự tò mò, háo hức, nên đã dừng xe ô tô để vào tham quan tận vườn.
Vườn lê thôn Giang Ma, địa điểm được lựa chọn là tham quan trong ngày hội. |
Vào thăm vườn lê nhà ông Giàng A Cháng, ở bản Giang Ma, xã Giang Ma, chị Thanh Hiếu được chủ vườn chia sẻ, vài năm trở lại đây, người dân xã Giang Ma chủ động phát triển thêm dịch vụ phục vụ khách du lịch vào tham quan, tự tay hái và thưởng thức những trái lê ngọt mát ngay tại vườn.
Sau khi tự tay hái và mua thêm 10kg lê về làm quà cho bạn bè, chị Hiếu cho biết, cảm giác tự mình ngắm nghía, chọn lựa, hái từng quả lê trên cành, tận hưởng không khí trong lành dịu mát giữa vùng thiên nhiên tươi đẹp, không có gì tuyệt vời hơn. Bên cạnh đó, bạn còn được sống trong sự đón tiếp đầy ấm áp, nồng nhiệt, chân thành của người dân bản địa.
Trong câu chuyện giữa vườn lê xen canh trồng đào ăn quả, ông Giàng A Cháng cho biết, hết mùa thu hoạch lê sẽ đến mùa thu hoạch đào. Việc trồng xen canh này giúp gia đình ông thu về khoảng 50 triệu đồng/năm. Năm nay, niềm vui lớn hơn không chỉ là vì được mùa lê, được bán với giá dao động từ 25 đến 40 nghìn đồng/kg, bà con trong xã vui mừng lắm, bởi được huyện Tam Đường chỉ đạo chính quyền xã tổ chức lễ hội hái lê lần đầu tiên.
Suốt hơn 1 tháng qua, đồng bào H'Mông, Dao vui mừng dọn dẹp, quét tước vườn sạch sẽ, đặt thêm những chiếc ghế ngồi, trang trí tiểu cảnh trong vườn trông sinh động nhất có thể, để chào đón du khách đến hái quả, chụp hình. Bởi bà con hiểu, càng có nhiều du khách đến tham quan, mua lê, họ sẽ ngày càng yên tâm đầu tư, phát triển diện tích trồng lê, mà không phải lo tìm đầu ra mỗi khi vào vụ thu hoạch.
Sẵn sàng cho ngày hội
Dù trong những ngày cuối tuần nhưng cán bộ lãnh đạo xã Giang Ma vẫn cùng các công chức xã có mặt tại trụ sở, tổ chức các đoàn đi xuống bản, đến nhà dân, tất bật chuẩn bị các công việc được phân công.
Phó Chủ tịch xã Giang Ma Ma A Tủa thông tin, từ chỉ đạo của tỉnh, của huyện, ngày 16/5/2024, UBND xã Giang Ma đã có văn bản chỉ đạo về việc thành lập Ban tổ chức Ngày hội hái lê xã Giang Ma lần thứ nhất, năm 2024.
Người dân xã Giang Ma hái lê mang bán cho du khách mang về làm quà. |
Nhìn cách Phó Chủ tịch xã tự hào giới thiệu về sản phẩm địa phương, nhưng thẳm sâu trong mắt vị lãnh đạo xã không nguôi trăn trở, qua phản ánh của bà con, nhiều du khách đi ngang qua địa bàn có ghé mua lê tại các sạp hàng không giấu nổi sự "nghi ngờ" về xuất xứ của quả lê Giang Ma. Bên cạnh đó, các thương lái thu mua, đem về xuôi bán, cũng nhận được sự hoài nghi đây là lê có xuất xứ từ Trung Quốc.
Anh Ma A Tủa chia sẻ, chính quyền địa phương hy vọng sau ngày hội lê tới đây, thương hiệu Lê Giang Ma sẽ được người dân cả nước biết đến, tin yêu, tin tưởng, tin dùng sản phẩm của dân mình. Đây là động lực rất lớn đối với chính quyền cũng như bà con trong vùng.
Để có thể tổ chức thành công lễ hội, Công an tỉnh Lai Châu sớm quan tâm, chỉ đạo Công an huyện Tam Đường xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự thời gian trước, trong và sau lễ hội.
Thượng tá Giàng A Tằng, Trưởng Công an huyện Tam Đường cho biết, lực lượng Công an huyện đã triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Ngày hội lê xã Giang Ma. Đồng thời, chỉ đạo Công an xã Giang Ma và các đội nghiệp vụ liên quan triển khai công tác bảo vệ an toàn tài sản, trang thiết bị phục vụ tổ chức ngày hội.
Cùng với đó, bảo đảm an ninh đối với các đoàn đại biểu, đoàn khách đến dự ngày hội, tham quan, trải nghiệm các vườn lê. Đặc biệt, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường ra vào khu vực, địa điểm tổ chức ngày hội.
Đại úy Mua A Di, Phó Trưởng Công an xã Giang Ma cùng đoàn công tác trực tiếp đến các nhà dân, đến từng vườn lê được chọn làm điểm tham quan nắm tình hình, triển khai công việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Đại úy Di cho biết đã quán triệt lực lượng Công an xã, công an viên các bản nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, kiểm soát địa bàn.
Hiện, ban tổ chức đã lựa chọn các vườn lê tại các bản Giang Ma, Xin Chải và Sử Thàng là địa điểm du khách tham quan lễ hội dừng chân, trải nghiệm. Ngày hội hứa hẹn hấp dẫn du khách với các phần thi: thu hoạch lê nhanh, đẹp, đúng kỹ thuật; thi giới thiệu và trưng bày mâm quả; thi gọt lê nghệ thuật…
Du khách sẽ được tham quan gian trưng sản phẩm, gồm: gian trưng bày quả lê và các loại rau, củ, quả, dược liệu... theo mùa của xã Giang Ma; gian trình diễn di sản văn hóa dân tộc H'Mông; gian bán, trưng bày, giới thiệu đồ lưu niệm, trang phục, nhạc cụ, nông cụ sản xuất của dân tộc H'Mông, dân tộc Dao; gian quảng bá, giới thiệu xúc tiến các hoạt động du lịch của huyện, xã; gian trưng bày sản phẩm lê và rau, củ, quả của xã Nùng Nàng và các xã lân cận…
Lê Giang Ma có vị ngọt, thanh mát. |
Đặc biệt, trong khuôn khổ Ngày hội, ban tổ chức sẽ tổ chức các hoạt động, thi đấu các môn thể thao dân tộc như: thi giã bánh giày; thi kéo co; giao lưu các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ; giao lưu trò chơi rồng ấp trứng, đi cầu thăng bằng, ném pao, đánh cầu lông gà; giao lưu văn nghệ...
Thú vị hơn, ban tổ chức sẽ chấm điểm, chọn ra 3 nhà vườn tiêu biểu có sản lượng, năng suất, thu nhập cao, vườn đẹp và 1 cá nhân đóng góp trong việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy phát triển sản phẩm lê Giang Ma để vinh danh tại ngày hội.
Với chủ đề “Vị ngọt quả lê Giang Ma”, Ngày hội hái lê xã Giang Ma lần thứ I năm 2024 sẽ được tổ chức tại Sân vận động xã Giang Ma, huyện Tam Đường vào ngày 22/6/2024.
Ban tổ chức kỳ vọng ngày hội sẽ thu hút các nhà đầu tư, tạo cơ hội hợp tác giữa những người trồng lê với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ quả lê. Góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động và tăng thu nhập cho nông dân trồng lê trên địa bàn.
Từng bước làm thay đổi tư duy, cách làm của các hộ trồng lê, chuyển đổi nhận thức của bà con trong việc chung tay cùng các cấp chính quyền xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến với địa phương.