Vì môi trường xanh, sạch, trong lành

Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 45/2022/NĐ- CP, ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã nêu rất rõ mức xử phạt đối với các hộ gia đình và cá nhân ở đô thị khi không tuân thủ các quy định về phân loại và đựng chất thải rắn sinh hoạt.
0:00 / 0:00
0:00
Ðại diện UBND phường Tân Thới Nhất (Quận 12) tặng thùng rác cho người dân. (Ảnh CTV)
Ðại diện UBND phường Tân Thới Nhất (Quận 12) tặng thùng rác cho người dân. (Ảnh CTV)

Tuy nhiên, tại một đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, công tác này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 26, Nghị định số 45, các hộ gia đình khi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại mỗi ngày phát sinh hơn 10 nghìn tấn rác sinh hoạt, trong đó tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt không thu hồi năng lượng, compost, tái chế đạt 33%, còn lại 67% khối lượng rác sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Với mức đô thị hóa, dân số tăng nhanh như hiện nay, lượng rác thải dự kiến phát sinh sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Còn tại Điều 5, Thông tư số 35/2024/ TT-BTNMT, ngày 19/12/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ban hành quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng quy định “Hỗ trợ, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân bỏ chất thải rắn sinh hoạt vào đúng vị trí trên phương tiện thu gom; có thể từ chối tiếp nhận chất thải không phân loại, không sử dụng bao bì, thùng chứa theo quy định của chính quyền địa phương hoặc giao chất thải không đúng chủng loại theo lịch trình đã công bố; vệ sinh vị trí thu gom trước khi di chuyển đến vị trí thu gom tiếp theo;…”.

Đáng chú ý, Thông tư này quy định người thu gom rác có thể từ chối nếu việc thu gom, phân loại không được các hộ gia đình thực hiện đúng quy cách. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình,… các quy định nêu trên, tuy nhiên, công tác triển khai vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Khảo sát thực tế cho thấy, tại nhiều khu phố, địa phương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, công tác này vẫn chưa được triển khai hiệu quả.

Tại khu phố 3, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, quá trình xử lý rác thải, tất cả các hộ dân đều gói vào trong một bịch ni-lông và đưa thẳng vào thùng rác. Tới kỳ, xe thu gom rác đến, nhân viên gom rác cũng để trộn chung tất cả các loại rác với nhau (trừ những loại rác có thể tận dụng để bán phế liệu).

Thực tế này đã diễn ra nhiều năm cho dù thỉnh thoảng trưởng khu phố có gửi một số thông tin nhằm tuyên truyền người dân tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường, phân loại rác thải theo quy định.

Một số lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường cho biết, việc phân loại rác tại nguồn hiện nay chưa đồng bộ, có trường hợp người dân phân loại, nhưng khi thu gom, nhân viên không thực hiện việc phân loại, chỉ gom đầy xe và chở về bãi tập kết, sau đó chuyên chở đến bãi xử lý rác thải tập trung của thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại mỗi ngày phát sinh hơn 10 nghìn tấn rác sinh hoạt, trong đó tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt không thu hồi năng lượng, compost, tái chế đạt 33%, còn lại 67% khối lượng rác sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Với mức đô thị hóa, dân số tăng nhanh như hiện nay, lượng rác thải dự kiến phát sinh sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Với một đô thị lớn, các phát sinh từ nguồn rác thải rất dễ dẫn đến các nguy cơ về ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Do đó, việc phân loại và tái chế là công tác quan trọng cần sớm triển khai để giảm nguồn chất thải. Vì vậy, việc phân loại rác tại nguồn cần sớm được thực hiện dứt điểm vì lượng rác thải sinh hoạt chiếm phần lớn trong các nguồn rác thải và dự kiến tăng nhanh trong thời gian tới.

Đồng thời, thành phố cần phát triển được hệ thống thu gom, phân loại tái chế, và thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân một cách cụ thể. Công tác này cũng phải đồng bộ với các đơn vị thu gom để đạt hiệu quả cao nhất.

Từ lâu, thành phố cũng đã tiếp cận nhiều phương pháp xử lý rác thải hiện đại để biến rác thải thành một nguồn tài nguyên. Công tác này cần được triển khai quyết liệt hơn nữa để góp phần tạo nên nền kinh tế tuần hoàn từ việc sử dụng nguồn tài nguyên là rác thải.

Ngoài ra, thành phố cần quy hoạch hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị một cách hiệu quả để bài toán về chất thải rắn sớm được giải quyết.