Tháo gỡ khó khăn trong phân loại rác thải tại nguồn

Từ ngày 1/1/2025, hộ gia đình, cá nhân không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt bị xử phạt từ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn tại thành phố Hà Nội còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều người dân chưa biết phân loại rác thải như thế nào, trong khi đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý rác thải lúng túng.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội thu gom rác thải trên phố Bà Triệu. (Ảnh LÊ MINH)
Công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội thu gom rác thải trên phố Bà Triệu. (Ảnh LÊ MINH)

Trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm triển khai nhiều chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường như xóa bếp than tổ ong, xây dựng trường học xanh, thí điểm đo khí thải xe máy… Từ ngày 1/7/2024, quận Hoàn Kiếm triển khai thí điểm mô hình "Quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải tại nguồn" trên toàn địa bàn.

Hoạt động được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và người dân tích cực tham gia. Từ đó việc thu gom rác thải tại nguồn, vận chuyển rác thải đạt được một số kết quả tích cực như rác thải được thu gom, vận chuyển kịp thời, không để tồn đọng rác trên địa bàn. Tình trạng rác thải vứt không đúng nơi, đúng giờ quy định được hạn chế.

Lượng rác tái chế mỗi ngày thu gom trung bình khoảng 2,95 tấn, tăng gần 35% so với khối lượng rác tái chế thu gom trước khi thực hiện phương án thí điểm, còn lượng rác sinh hoạt giảm từ gần 3% so với trước khi thực hiện phân loại rác. Đáng chú ý, nhận thức của các cấp, ngành và người dân về bảo vệ môi trường được nâng lên. Người dân dần thay đổi tư duy và hình thành thói quen phân loại rác thải tại nhà.

Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, Chi nhánh Hoàn Kiếm Nguyễn Trường Linh cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư trang bị các phương tiện xe máy, thiết bị phục vụ công tác quản lý rác thải tại nguồn, xây dựng hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển rác thải hiện đại, theo hướng cơ giới hóa. Bên cạnh đó, đơn vị xây dựng các giải pháp, phương án thu gom rác kết hợp tuyên truyền đến từng người dân trong việc phân loại rác tại nguồn; kiểm tra, giám sát chặt chẽ đơn vị, khách hàng, người dân chưa thực hiện phân loại theo quy định để kết hợp cùng chính quyền tuyên truyền, nhắc nhở.

Thời gian qua, năm quận gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm đã thí điểm phân loại rác thải tại nguồn và đạt những kết quả tích cực, dần hình thành thói quen phân loại rác.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, quá trình thí điểm phân loại rác tại nguồn đã đạt được một số kết quả nhất định, như thu gom được 160 tấn rác thải cồng kềnh, giảm khối lượng rác thải phải vận chuyển đi xử lý. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn, như vẫn còn tình trạng người dân bỏ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định, không cho vào túi kín gây mất vệ sinh môi trường. Tỷ lệ người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn chưa cao, vi phạm vẫn xảy ra, lực lượng chức năng phải tiếp tục nhắc nhở và tuyên truyền. Công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt chưa được thường xuyên, liên tục do lực lượng của các phường và các chủ đầu tư còn khá mỏng và thiếu trang thiết bị, phương tiện.

Còn theo đại diện Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, đơn vị đầu tiên thực hiện thu gom, xử lý rác thải phân loại rác tại nguồn, đơn vị đã đầu tư nhiều trang thiết bị, xe chở rác và nhà máy xử lý rác thải cồng kềnh để phục vụ việc phân loại rác thải, nhưng còn thiếu hướng dẫn, cơ chế cho các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Quy trình, định mức cho công tác phân loại rác tại nguồn đã có, nhưng chưa có hướng dẫn để tính toán đơn giá thu gom, vận chuyển cũng như xử lý các loại chất thải và chi phí để xử lý chất thải nguy hại.

Theo các chuyên gia về môi trường, để việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý rác thải, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; chế tài xử phạt nghiêm minh đối với hành vi vi phạm. Cùng với đó, thành phố cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển đến xử lý rác thải; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân về phân loại rác tại nguồn để xây dựng môi trường của Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp.