Ngổn ngang... phân loại rác

Từ 1/1/2025 việc phân rác tại nguồn là yêu cầu bắt buộc tại tất cả các địa phương. Nếu không thực hiện có thể bị xử phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Dù đã đến “hẹn” nhưng vấn đề đặt ra là ai sẽ giám sát, xử phạt và cần phải đáp ứng cơ sở hạ tầng cho việc phân loại, xử lý, hướng dẫn phân loại, thu gom đúng cách và xử lý rác thải sau thu gom… như thế nào?
0:00 / 0:00
0:00
Phân loại tại Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp để phát điện Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: HẢI NAM
Phân loại tại Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp để phát điện Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: HẢI NAM

Lúng túng vì chưa đồng bộ

21 giờ tối hằng ngày, điểm tập kết rác tự phát tại ngách 19, ngõ 46, đường Nguyễn Hoàng Tôn (quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn ngập rác. Cho dù, cứ 13 giờ, nhân viên vệ sinh môi trường đã đi thu gom đưa về điểm tập kết. Cư dân cho biết, công nhân xây dựng thuê nhà trọ gần đây sinh hoạt thất thường. Đến tối, họ mới về nhà trọ ăn uống và lúc đó các loại đồ ăn thừa, vỏ đồ uống, hộp đựng thức ăn mới vứt ra. Chị Nguyễn Thu Thủy, sinh sống tại số 11, ngách 19 cho hay: “Tôi đã được nghe tổ phụ nữ thông báo việc phân loại rác tại nguồn, nhưng chung quanh không thấy ai thực hiện nên gia đình chỉ mang rác ra điểm tập kết rồi thôi”.

Còn tại 23 phường của 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Nam Từ Liêm của Hà Nội là nơi được chọn thí điểm phân loại rác tại nguồn, tình hình cũng tương tự. Các thùng rác không được để trước nhà dân để tránh tập kết rác bừa bãi. Điều này cũng khuyến khích người dân phân loại rác tại nhà và đổ rác đúng giờ. Nhưng dù đã được tuyên truyền, vận động, nhiều người vẫn vứt rác ra đường. Chị Lê Thị Liên, sống ở ngõ Hòa Bình 2 (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tôi ở đầu ngõ chứng kiến người dân từ trong ngõ sâu, đi xe máy vứt túi rác vèo một cái rồi lại chạy vụt đi. Để bảo đảm môi trường kinh doanh sạch sẽ nên tôi thường xuyên phải dọn bãi rác đầu ngõ này. Dù đã được tổ dân phố phổ biến nhưng tôi thấy mọi việc vẫn vậy”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 9368 hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Theo đó, chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Cụ thể, nhóm 1 là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (gồm giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao-su, thiết bị điện và điện tử thải bỏ); nhóm 2 là chất thải thực phẩm (gồm thức ăn thừa, thực phẩm quá hạn sử dụng, chất thải từ quá trình sơ chế thực phẩm) và nhóm 3 là chất thải rắn sinh hoạt khác (gồm chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh và chất thải khác còn lại).

Tại nhiều địa phương việc thí điểm phân loại rác tại nguồn đã tiến hành từ khá lâu. Hà Nội từ năm 2007. Hay Đà Nẵng, Hà Tĩnh cũng cách đây 7-8 năm, thậm chí TP Hồ Chí Minh thí điểm từ năm 1999. Nhưng rõ ràng, đến thời điểm này, mọi thứ còn rất ngổn ngang. Theo ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, xử lý rác phải trải qua 6 công đoạn. Một là, phải phân rác tại nguồn. Hai là phải có điểm tập kết rác. Ba là vận chuyển từ điểm tập kết đến nơi trung chuyển. Thứ tư là trung chuyển. Thứ năm là vận chuyển từ nơi trung chuyển đến bãi rác. Thứ sáu là phải xử lý rác tại nơi tập kết. “Đến nay, chúng ta chưa có cái nhìn tổng thể về vấn đề xử lý rác. Chúng ta chưa phân được từng khâu để xử lý mà mới chỉ tập trung vào mỗi khâu phân loại tại nguồn. Như vậy, còn những khâu sau chưa đồng bộ thì chúng ta phân loại cũng chưa hiệu quả. Nếu phân loại không mang lại ý nghĩa thì người dân sẽ nản, chính quyền cũng hết kinh phí để thử nghiệm nên cũng bỏ. Vì vậy, tôi nghĩ, nếu thí điểm ở một tỉnh thì phải thí điểm từ khâu phân loại, đến khâu xử lý thì lúc đó mới nhân rộng ra toàn quốc”, ông Huân đề nghị.

Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nêu rõ: Xử phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Với hành vi không phân loại và lưu giữ riêng chất thải rắn công nghiệp sau phân loại, tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Nghị định này cũng có hiệu lực từ 1/1/2025. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, để thực thi, ai sẽ giám sát vi phạm này vì trên thực tế, việc đổ trộm rác không phải là hiếm.

Trong Nghị định 09 (năm 2019), Thủ tướng đã giao việc chịu trách nhiệm với rác thải trên địa bàn một tỉnh là Chủ tịch UBND tỉnh và thông qua UBND tỉnh có những văn bản dưới luật, dưới nghị định để hướng dẫn cho tỉnh mình thu gom như thế nào, các cơ quan sẽ thanh kiểm tra, xử phạt ra sao? Tuy nhiên, ông Huân cho biết: “Qua khảo sát, chúng tôi thấy, nhiều địa phương còn chưa ban hành đầy đủ những hướng dẫn đó. Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) đã ban hành rồi. Theo đó, các địa phương phải ban hành các hướng dẫn từ việc thu gom, vận chuyển, xử lý nhưng nhiều địa phương còn chưa ban hành đầy đủ. Nếu chưa ban hành các văn bản này thì không áp dụng chế tài xử phạt được.

Ngổn ngang... phân loại rác ảnh 1

Nhiều điểm chờ để cẩu rác lên các xe vận chuyển rác đã trở thành những nơi gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: HẢI ANH

Thiếu quy hoạch hạ tầng

Thông thường, đối với rác đã được phân loại để tái chế, UBND phường sẽ bố trí điểm tập kết để thu theo thời gian cố định, tuần hai lần để đưa đi xử lý. Với rác thải cồng kềnh gồm bàn ghế, đồ gỗ cũ hỏng, người dân tập kết vào khung từ 7 giờ đến 17 giờ thứ bảy hằng tuần tại các điểm tập kết theo quy định của các phường và được Công ty Môi trường đô thị vận chuyển để xử lý, tái chế. Bà Chu Thị Tuyết, Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty Môi trường và Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết: “Urenco sẽ vận hành máy nghiền, nghiền vụn rác thải và vận chuyển đến các lò hơi để tái sử dụng”.

Hiện nay ở nhiều địa phương, vướng mắc nhất ở các khâu thu gom, vận chuyển rác trong quá trình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn là thiếu các phương tiện thu gom, vận chuyển riêng biệt và thiếu các điểm trung chuyển tập kết rác. Nhiều điểm chờ để cẩu rác lên các xe vận chuyển rác đã trở thành những nơi gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Urenco nói: “Quy hoạch cho công tác thu gom vận chuyển rác hiện còn thiếu. Chính vì vậy, công tác thu gom vận chuyển rác của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”.

Vì thiếu quy hoạch nên dù kêu gọi rác phải được phân loại từ các hộ gia đình nhưng để người dân gom rác từ chung cư, nhà riêng, khu công cộng… cũng cần có không gian để rác đúng nơi quy định mà không vứt rác ra đường. Bà Hoàng Thị Hoa, dân cư ở ngõ 128 Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) chia sẻ: “Nhà tôi chỉ 30-40 m2, phần không gian bếp rất nhỏ. Thùng rác lại được đặt ở khu bếp. Do vậy, bếp chật, tôi cũng không có chỗ để phân loại rác”. Hay người dân ở chung cư, những khu tập thể cũ cũng chưa có giải pháp phân loại rác.

“Đối với người dân, đã phân loại được rác từ nguồn nhưng khi đến nơi tập kết, cơ quan môi trường cũng vẫn phải phân loại lại. Như vậy, rất cần quy hoạch các điểm tập kết để phân loại rác. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất tại các khu chung cư không dành cho điểm tập kết rác”, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết.

Đến khâu xử lý rác cũng vẫn chưa có giải pháp phù hợp. Vậy là rác lại trộn với nhau. Ông Huân cho biết: “Hiện công nghệ xử lý rác có nhiều nhưng trước tiên phụ thuộc từng địa phương về kinh phí đầu tư, áp dụng công nghệ xử lý chất thải. Thứ hai, lượng rác thải hằng ngày tại địa phương đó là bao nhiêu. Nếu muốn đốt rác thì phải từ 500 tấn/ngày trở lên. Tuy nhiên, nếu chỉ chăm chăm đến việc đốt rác cũng là thất bại vì rác của Việt Nam có đặc thù là độ ẩm cao và hàm lượng chất hữu cơ nhiều nên nhiệt trị thấp. Do vậy, chúng ta phải tìm công nghệ phù hợp. Hiện nay, trên thế giới, các nước phát triển đã đưa ra những công nghệ phù hợp với rác Việt Nam”.

Cuối cùng, làm sao thu hút được nguồn lực xã hội hay thế giới để đưa được những công nghệ xử lý rác thải phù hợp về. Theo các chuyên gia Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, hiện nay, trách nhiệm đầu tư đang dồn vào Nhà nước, Trung ương và địa phương. Đối với những tỉnh có ngân sách lớn, có thể trả 20-21 USD/tấn rác nhưng những tỉnh nghèo lại không có. Do vậy, việc xử lý rác thải cũng cần vận hành theo cơ chế thị trường.

“Vấn đề là người nào làm phát sinh nguồn rác thải thì người đó phải trả tiền. Nếu chúng ta cứ thu 20-21USD/tấn rác thải và chia đều cho mỗi người phát sinh 1 kg rác mỗi ngày thì chúng ta mới thu đủ nguồn lực. Còn nếu cứ dồn cho Nhà nước thì sẽ là gánh nặng”, một chuyên gia đề xuất.