Theo đó, từ bốn tháng qua, năm quận của Hà Nội bao gồm Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình và Nam Từ Liêm đã đồng loạt được chọn để thí điểm phân loại rác tại nguồn. Tại quận Đống Đa, việc triển khai phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn căn cứ vào tính chất và nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, điều kiện đầu tư trang thiết bị, loại hình công nghệ xử lý chất thải sau phân loại… và hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 2/11/2023 tại địa phương, Ủy ban nhân dân quận quyết định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành bốn nhóm: Chất thải rắn có thể tái sử dụng, tái chế, chất thải cồng kềnh, chất thải nguy hại và chất thải rắn còn lại.
Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - chi nhánh Đống Đa thu gom trực tiếp bằng phương tiện thu gom, vận chuyển đối với các phường, tuyến phố bảo đảm hạ tầng tiến tới xoá dần điểm chân rác. Toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn quận sau khi phân loại, được thu gom và vận chuyển về Khu xử lý rác của thành phố ngay trong ngày; ngăn chặn, xử lý kịp thời việc hình thành các điểm tập kết rác tự phát trên địa bàn quận.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều nơi, rác thải còn được đổ thải thành đống ngổn ngang ven đường. Ngoài rác thải rắn sinh hoạt thông thường, còn có các loại rác thải từ đồ gia dụng cũ hỏng như bàn ghế, hộp xốp, bồn cầu, hay chăn, nệm, chiếu cùng một số loại rác thải nguy hại khác. Thực trạng này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, mà còn gây ảnh hưởng đến việc đi lại hàng ngày của người dân. Tại nhiều khu vực, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống thùng rác công cộng vẫn chưa được phân loại rõ ràng.
Khảo sát nhiều tòa chung cư ở Hà Nội, thùng đựng rác vẫn chỉ là những thùng lớn dùng chung, không có dấu hiệu thay đổi. Chị Nguyễn Hồng Minh, cư dân sống tại một khu chung cư ở phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào về việc phân loại rác. Thùng rác vẫn như cũ, không có ngăn chia hay ký hiệu gì”. Không chỉ về cơ sở vật chất, công tác truyền thông và hướng dẫn người dân cũng chưa được triển khai hiệu quả. Anh Thế Minh, sống tại một khu chung cư ở quận Hoàng Mai bày tỏ: “Tôi nghe nói sẽ bị phạt nếu không phân loại rác, nhưng chưa ai hướng dẫn chúng tôi cách thực hiện. Chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu”.
Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2025; tuy nhiên, đến thời điểm này, không ít địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai, do thiếu hướng dẫn cụ thể và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là thiếu thốn về cơ sở hạ tầng. Nhiều địa phương chưa được trang bị đủ thùng rác chuyên dụng, hệ thống thu gom và xử lý rác thải tái chế chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, dẫn đến việc triển khai chậm trễ.
Mặc dù đã có nhiều hội thảo, chuyên đề, văn bản hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn, nhưng đến nay người dân vẫn chưa nắm được chủ trương, cách thức thực hiện, nhiều người dân chỉ biết là bị phạt nhưng không biết mức phạt cụ thể ra sao. Thêm vào đó, một nguyên nhân không nhỏ khiến chủ trương phân loại rác tại nguồn vẫn chưa thể đi vào đời sống, đó là do thói quen sinh hoạt của người dân. Việc thay đổi thói quen sử dụng một thùng rác duy nhất trong nhiều năm không phải là điều dễ dàng.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - chi nhánh Đống Đa cho rằng, trong thời gian đầu thực hiện quy định xử phạt nếu không phân loại rác sẽ khiến người dân khá bối rối và lo lắng. Bởi việc bỏ chung các loại rác đã trở thành thói quen, muốn thay đổi cần có sự tuyên truyền, vận động, cho nên cần có các tờ rơi phát về tổ dân phố.
Trên cơ sở đó, nhân viên môi trường, tổ dân phố cần thông báo tới từng hộ gia đình để nắm bắt quy trình phân loại rác. Nếu không có hướng dẫn, rất nhiều người sẽ không nhận biết được đâu là rác hữu cơ, rác vô cơ, rác có thể tái chế và từng loại rác thì bỏ vào đâu... dẫn đến quy định sẽ khó đi vào cuộc sống.
Theo thống kê, mỗi ngày, Việt Nam phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 15% được tái chế. Điều này đặt ra những yêu cầu cấp bách về triển khai phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, để chủ trương này sớm đi vào cuộc sống, theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, điều quan trọng là phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm việc phân loại rác tại nguồn.
Các bộ, ngành chức năng và chính quyền cơ sở cần xây dựng cơ chế triển khai phù hợp, hiệu quả và kiên quyết xử phạt đối với những trường hợp vi phạm để tạo sức răn đe. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc đầu tư, huy động các nguồn lực tạo ra sự đồng bộ về hệ thống hạ tầng thu gom, xử lý rác thải. Sớm ban hành quy trình, định mức kinh tế duy trì vệ sinh môi trường và thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt sau phân loại, làm cơ sở triển khai; cần có hướng dẫn cụ thể đối với việc lưu trữ, thu gom, vận chuyển và việc áp dụng đơn giá xử lý đối với chất thải rắn sinh hoạt nguy hại phát sinh từ các hộ gia đình, cá nhân sau phân loại, góp phần gìn giữ môi trường văn minh, sạch đẹp.