Về quê hương khởi nghiệp

Từ những kiến thức, sự trải nghiệm ở trường đại học nhưng nhiều bạn trẻ không theo chuyên ngành mình học mà đã chọn con đường về quê hương khởi nghiệp để làm chủ bản thân, thực hiện ước mơ đưa sản vật địa phương đi xa.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Phan Minh Tiến (bên phải) giới thiệu đến du khách sản phẩm đường làm từ mật dừa nước.
Anh Phan Minh Tiến (bên phải) giới thiệu đến du khách sản phẩm đường làm từ mật dừa nước.

Mỗi lần có cơ hội gặp anh Phan Minh Tiến-nhà sáng lập thương hiệu “mật dừa nước ông Sáu” ở các phiên chợ xanh, triển lãm hàng Việt..., tôi lại có dịp được thưởng thức thêm những sản phẩm mới từ mật dừa nước. Lần này, giám đốc trẻ khoe những chiếc bánh Trung thu mới tinh, xinh xắn do anh kết hợp với một thương hiệu bánh Trung thu truyền thống lớn để cung cấp đường dừa nước sử dụng cho việc sản xuất bánh Trung thu.

“Về quy trình, chiếc bánh Trung thu này được sản xuất không khác biệt so với trước, chỉ khác ở chỗ, thay vì dùng đường tinh luyện để sản xuất thì nay là đường dừa nước. Sản phẩm ra mắt được nhiều người yêu thích do sử dụng đường tự nhiên từ dừa nước, phù hợp với người ăn kiêng, vị lại ngon cho nên chúng tôi đặt thêm để bán nhưng mục đích chính cũng chỉ để là giới thiệu sản phẩm cũng như khả năng ứng dụng mật dừa nước trong chế biến thực phẩm”, chàng trai trẻ hào hứng nói. Phan Minh Tiến mới ngoài 30 tuổi, quê huyện Cần Giờ, vốn là kỹ sư ngành công nghệ hóa Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

Gắn bó với cây dừa nước từ nhỏ, anh luôn trăn trở làm sao để chính cây dừa nước ở quê mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình và người dân. Nghĩ là làm, anh bỏ công việc ổn định ở một công ty lớn trong thành phố để trở về quê Cần Giờ khởi nghiệp. Công việc của chàng kỹ sư là lội nước mát-xa cây dừa nước để lấy mật. “Chúng tôi đã nghiên cứu ra kỹ thuật chăm sóc phần cuống nối buồng dừa và thân cây dừa nước để thu về từng giọt mật.

Mỗi cuống chảy ra trung bình một lít mật mỗi ngày và liên tục trong 30 ngày”, anh Tiến chia sẻ. Ngoài mật dừa tinh chất, anh còn sản xuất thêm mật dừa cô đặc và đường mật dừa nước, đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP).

Các sản phẩm của “mật dừa nước ông Sáu” được phân phối khắp cả nước. Hiện, anh Tiến còn liên kết với nông dân huyện Cần Giờ để mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 5ha. Người dân trong vùng có thêm thu nhập từ loài cây vốn bị cho là có giá trị kinh tế thấp.

Gặp lại Lê Ngọc Thảo (31 tuổi) tại Hội chợ triển lãm quốc tế thủy, hải sản Việt Nam-Vietfish 2022 được mở lại sau thời gian dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn nụ cười tươi rói, cô gái trẻ tất bật giới thiệu đặc sản mắm tôm chà của xứ Gò Công (Tiền Giang) đến quan khách trong và ngoài nước.

Nhiều vị khách tỏ ra thích thú xen lẫn ngạc nhiên khi thưởng thức món ăn “tiến vua” vang bóng một thời. Từng tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Quản trị du lịch, ra trường, Thảo có công việc đúng ngành với những chuyến công tác nước ngoài liên miên, đến nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng đi càng nhiều, cô càng đặt ra câu hỏi “đặc sản vùng miền mang tính bản địa của Việt Nam là gì?”.

Năm 2020, dịch Covid-19 là cơ hội để Thảo ở quê nhà và tìm ra hướng đi mới cho công việc của mình. Đúng lúc gia đình đang bắt tay làm mẻ mắm mới, bỗng mùi mắm dân dã năm xưa dậy hương, như thôi miên cô. Những kỷ niệm về mắm, hình ảnh ông bà ngoại, người mẹ sớm hôm tảo tần đãi chọn, chà từng mớ tôm đất để cho ra đời món mắm tôm chà thôi thúc cô. Vậy là, Thảo dấn thân vào con đường khởi nghiệp cùng mắm từ đó với thương hiệu Khổng Tước Nguyên.

Hiện, Thảo đã cho ra đời hơn 10 sản phẩm như mắm tôm chà, mắm tôm chua đu đủ, mắm tôm chua, mắm cá cơm... Các dòng sản phẩm này đều được Thảo đăng ký chất lượng, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng để người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng về chất lượng sản phẩm. Một số sản phẩm mắm cũng đã được xuất ngoại. Cô còn sử dụng nguồn lao động là phụ nữ nông thôn tại địa phương cho việc sơ chế nguyên liệu đầu vào.

Không những vậy, Thảo tạo mối liên kết cộng đồng, phục sinh món nghề truyền thống ở Gò Công bằng việc kết nối người dân bản địa vào sinh hoạt truyền thống. “Ước vọng của tôi là tìm lời giải cho bài toán sinh kế của bản thân và cộng đồng cùng mục tiêu giữ gìn, phục hưng giá trị nghề truyền thống tại địa phương, và tôi đang trên đường biến khát vọng thành hiện thực”, Thảo chia sẻ.

Gác tấm bằng đại học ngành môi trường, anh Nguyễn Mạnh Hùng (36 tuổi, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) quyết định tìm hiểu mô hình nuôi thỏ sạch, mở ra sinh kế cho nhiều thanh niên, nông dân ở địa phương và nhiều vùng lân cận.

Kể về cơ duyên, anh Hùng cho biết: Từ khi còn là sinh viên, anh đã rất yêu thích ngành nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Mạnh Hùng có việc làm ổn định, đúng ngành nghề; thế nhưng, khát vọng khởi nghiệp từ nông nghiệp như luôn thôi thúc anh phải thay đổi, phải tìm hướng đi mới.

Năm 2017, trong khi đi tìm mô hình chăn nuôi, anh Hùng nhận thấy thỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vậy là anh tận dụng vườn nhà, mở trại nuôi thỏ sạch thử nghiệm. Trong quá trình tìm thị trường tiêu thụ, anh phát hiện thực tế có một phân khúc người tiêu dùng rất thích thịt thỏ.

Vừa làm vừa học kinh doanh, vừa tìm kiếm đầu ra, Hùng quyết làm khác với các hộ chăn nuôi thuần túy. “Trên địa bàn đã có một số hộ nuôi thỏ nhưng chỉ xác định là nghề làm thêm chứ không phát triển thành ngành chủ lực. Họ không đầu tư nhiều về chất lượng, không có thương hiệu, bán bấp bênh. Vì vậy, tôi bắt đầu nghiên cứu làm mô hình thỏ sạch và phải làm theo hướng kinh tế nông nghiệp để đem đến giá trị cao cho sản phẩm chăn nuôi”, anh Hùng khẳng định.

Không giữ bí quyết làm giàu cho riêng mình, anh Hùng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ thanh niên, người dân muốn chuyển nghề; đồng thời còn thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con nuôi thỏ.

Là người nhiều năm gắn bó, hỗ trợ cho các bạn trẻ khởi nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, ông Nguyễn Lâm Viên nhìn nhận, nhiều bạn trẻ chọn khởi nghiệp nông nghiệp đa số đều đi đúng hướng.

Dẫu vậy, tư duy mới vẫn là điều quan trọng nhất để doanh nghiệp vững tin hơn trên con đường mình đi. “Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ bản chúng ta đều là các thành phần “yếu thế”, nhưng chúng ta vẫn làm, làm vì tình yêu với sản phẩm, với quê hương, với những gì hằng ngày gắn bó. Đó là nguồn sức mạnh dẫn dắt các bạn trong hành trình khởi nghiệp”, ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ.