Vận dụng cơ chế đặc thù, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Có thể nói, hầu hết các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hình thành với mục tiêu giải quyết nhu cầu rất lớn về nhà ở cho các đối tượng chính sách như người có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động với thời gian đầu tư ít nhất từ 3 đến 5 năm, trung bình khoảng từ 5 đến 7 năm; thậm chí, kéo dài hơn 10 năm.
0:00 / 0:00
0:00
Khu Nhà ở xã hội Imperial Palace (quận Bình Tân), đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng chính sách chưa có nhà ở.
Khu Nhà ở xã hội Imperial Palace (quận Bình Tân), đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng chính sách chưa có nhà ở.

Không chỉ vướng mắc về hồ sơ thủ tục pháp lý khiến thời gian thực hiện dự án bị kéo dài gấp nhiều lần so với quy định, mà việc xét duyệt mua nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách cũng hết sức nan giải, khiến việc sở hữu một căn nhà ở xã hội quả là gian nan...

Bài 2: “Cởi trói” để thúc đẩy nhà ở xã hội

Nhanh nhất phải mất từ 3 đến 5 năm

Theo Ủy ban nhân dân thành phố, qua rà soát, đối với 20 dự án đã hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 và hai dự án đã hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 (tính đến quý III/2023), hầu hết chủ đầu tư mất thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ 3 đến 5 năm, có 6 trong số 21 dự án chủ đầu tư mất thời gian thực hiện từ sáu đến 11 năm.

Nếu như dự án nhà lưu trú công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung 2 do Công ty Thiên Phát làm chủ đầu tư khá suôn sẻ ở giai đoạn 1 (đã đưa vào hoạt động năm 2014) thì giai đoạn 2 của dự án lại bị “đóng băng” gần hai năm qua, dù trước đó đã tổ chức động thổ. Tổng Giám đốc Công ty Thiên Phát Nguyễn Văn Lợi cho biết: “Sau gần hai năm động thổ, dự án vẫn “nằm im” và phải quay lại con số 0 về pháp lý.

Nguyên nhân vướng mắc là do phần đất xây dựng giai đoạn 2 của dự án được xác định là đất thương mại cho nên chủ đầu tư phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh thiết kế; trong khi trước đó, chủ đầu tư đã được duyệt thiết kế cơ sở, quy định phòng cháy, chữa cháy và tổ chức động thổ”. Điều này có nghĩa hàng loạt thủ tục phải làm lại từ đầu, tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí khiến dự án của Công ty Thiên Phát bị ảnh hưởng tiến độ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn dẫn chứng: Trên địa bàn huyện có bốn dự án nhà ở xã hội, với quy mô hàng chục héc-ta, đầu tư với thời gian rất lâu, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân, lao động và người có thu nhập thấp, nhưng đến nay chưa có một dự án nào hoàn thành. Vướng mắc lớn nhất theo ông Nguyễn, các dự án trải qua nhiều thời kỳ, thủ tục pháp lý thay đổi khác nhau, nhất là quy định chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà thầu; kể cả nhà đầu tư cũng thường xuyên thay đổi ý định đầu tư.

Do đó, thành phố cần có chỉ đạo quyết liệt hơn, sớm tháo gỡ các vướng mắc để các dự án nhà ở xã hội được khởi công, đáp ứng nhu cầu về nhà ở rất lớn cho địa phương và đối tượng chính sách. Cũng theo phản ánh của chính quyền các địa phương, trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài; chưa bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong một số đồ án quy hoạch xây dựng đô thị; các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp.

Loại hình nhà ở xã hội chưa đa dạng, các loại căn hộ có diện tích nhỏ từ 25 đến 30m², giá bán từ 300 đến 400 triệu đồng/căn và nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ngoài ra, giá bán nhà ở xã hội hiện nay khá cao, chưa phù hợp với khả năng của người thu nhập thấp; đối tượng cho vay của Quỹ Phát triển nhà ở thành phố chỉ giới hạn trong phạm vi đối với cán bộ, công chức, viên chức mà chưa mở rộng đến các đối tượng khác có khó khăn về nhà ở…

Cần bứt phá về cơ chế, rút ngắn thủ tục

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nhận định: Nếu quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại khó một, thì đối với dự án nhà ở xã hội lại khó gấp hai lần, đây là nguyên nhân khiến Thành phố Hồ Chí Minh tuy đạt 75% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội nhưng số lượng thực tế chỉ đạt 15.000 căn nhà (bình quân 3.000 căn/năm), chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn.

Thực tế là giai đoạn 2021-2023, thành phố chỉ hoàn thành đưa vào sử dụng hai dự án nhà ở xã hội với 623 căn hộ (chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020) và đã khởi công bảy dự án nhà ở xã hội với 4.996 căn hộ nhưng đều bị “vướng mắc về pháp lý” cho nên gần như chưa thể triển khai thi công. Ông Châu mong muốn, các bộ, ngành Trung ương cùng chính quyền thành phố cần phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cũng như hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Hiệp hội Bất động sản thành phố đề nghị Chính phủ xem xét cho phép chủ đầu tư được thế chấp bằng chính dự án nhà ở xã hội đó, chí ít là đối với trường hợp chủ đầu tư đã tự thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; như vậy mới khuyến khích và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, Hiệp hội đề nghị thành phố triển khai “đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất” đối với dự án nhà ở xã hội theo quy định của Luật Đấu thầu 2023, để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, khắc phục tình trạng “lãng phí” nguồn lực đất đai.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bùi Xuân Cường, Ủy ban nhân dân thành phố đưa ra nhiều giải pháp thực hiện đầu tư phát triển nhà ở xã hội đến năm 2025 như: ban hành quy trình, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Đồng thời, lập, phê duyệt, công bố công khai danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia. Thành phố cũng đề xuất các bộ, ngành Trung ương cho phép chủ động trong việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại ở vị trí khác, ngoài phạm vi dự án phù hợp chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở; bổ sung hình thức sử dụng đất khác đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…

Từ năm 2018 đến cuối năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã cho người thu nhập thấp vay tiền mua nhà ở xã hội với 303 lượt khách hàng vay vốn, với tổng số vốn vay 146 tỷ đồng. Đối với Quỹ Phát triển nhà ở, giai đoạn 2016-2020 đã giải ngân cho 2.542 đối tượng có thu nhập thấp, thật sự khó khăn về nhà ở vay tiền để tạo lập nhà ở, với tổng số tiền giải ngân đạt 1.518 tỷ đồng.

(*) Xem Báo Nhân Dân, Trang Thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 22/3/2024.