Ưu tiên nguồn lực kiên cố hóa trường, lớp học ở vùng đặc biệt khó khăn

NDO - Ưu tiên nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học ở vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học; tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi… là một trong những nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục dân tộc. 
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở xã Thanh Lòa (Cao Lộc, Lạng Sơn).
Giờ học của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở xã Thanh Lòa (Cao Lộc, Lạng Sơn).

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục dân tộc. Theo đó, trong năm học này, ngành giáo dục cũng như các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Nhà nước về đổi mới và phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, ưu tiên nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa trường lớp học ở vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học, cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Tập trung triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 phù hợp vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường dự bị đại học.

Bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số; quan tâm giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh; đổi mới và tăng cường công tác quản lý giáo dục.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới, tổ chức lại các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú phù hợp quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, việc sắp xếp phải bảo đảm nguyên tắc có lộ trình cụ thể, hợp lý, thuận lợi cho việc học tập của học sinh, gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.

Thực hiện các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học, bậc học từ mầm non đến phổ thông đi học đúng độ tuổi; tăng tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số 5 tuổi đi học mẫu giáo, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học; duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục các cấp học nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Khuyến khích triển khai mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp cho học sinh trong các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học phổ thông…

Huy động các nguồn lực tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường theo hướng lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn.

Phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để đào tạo và công nhận kỹ năng nghề cho học sinh. Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giáo dục hướng nghiệp-dạy nghề truyền thống phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.