Với đặc thù đối tượng tuyển sinh là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên học sinh khi bước vào Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng giao tiếp, nơi ăn, chốn ở.
Ðể thực hiện tốt hoạt động dạy, học, các cán bộ, giáo viên của trường luôn dành thời gian để tìm hiểu phong tục, tập quán và đời sống văn hóa của từng vùng dân tộc, từ đó nắm bắt tâm tư, khả năng thu nhận kiến thức của các em để có phương pháp giảng dạy phù hợp. Nhà trường cũng tạo điều kiện thuận lợi về nơi ăn, ở để các em yên tâm học tập, rèn luyện; tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, tạo sân chơi lành mạnh bổ ích cho các em.
Thầy giáo Phạm Hồng Việt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường luôn triển khai nhiều phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng tập thể, cá nhân hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh vùng dân tộc thiểu số. Ðặc biệt, qua cuộc vận động như "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh.
Kết quả, năm học 2021-2022, gần 100% học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, có 21 học sinh đỗ vào các trường đại học, trong đó có nhiều em đạt số điểm khá cao. Nhiều học sinh của trường sau thời gian đào tạo, bồi dưỡng nay trở thành cán bộ chủ chốt ở các xã vùng sâu, nơi khó khăn. "Các giáo viên đều gương mẫu nhiệt tình với công việc, hết lòng vì học sinh. Phần lớn học sinh trong trường đều phát huy tinh thần chủ động, tích cực trong mọi phong trào, hoạt động tập thể, có ý thức học tập, rèn luyện tốt. Nhiều học sinh của trường đã tích cực phấn đấu, rèn luyện để sớm được đứng vào hàng ngũ của Ðảng. Năm học vừa qua, trường có hai học sinh xuất sắc được kết nạp Ðảng", thầy Việt cho biết thêm.
Ðể nâng cao chất lượng giáo dục, trường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, đẩy mạnh việc dự giờ, thao giảng, động viên giáo viên nêu cao tinh thần tự nghiên cứu để đổi mới, sáng tạo trong dạy học; chú trọng phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tổ chức tốt các tiết học hướng nghiệp nhằm giúp các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Cùng với việc trang bị kiến thức, nhà trường còn quan tâm đến việc quản lý, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm các điều kiện nuôi dưỡng học sinh nội trú, cũng như tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa phù hợp. Em Hồ Thị Biên, học sinh lớp 10, người Khùa chia sẻ: "Mỗi lần quê em có lễ hội, trường tạo điều kiện cho em được nghỉ hai ngày để về bản tham gia các môn thể thao truyền thống. Nhờ đó, em luôn thuần thục các môn thể thao của dân tộc mình. Hết lễ hội, em mang theo niềm vui trở lại trường học tập".
Theo các thầy, cô giáo, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh về gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục kỹ năng và lối sống đã tạo nên nhiều thay đổi đáng mừng trong nhận thức, hành động của học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các em biết lựa chọn, học hỏi những nét đẹp văn hóa từ bạn cùng lớp, cùng trường, biết đấu tranh xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội. Những năm gần đây, trường không có học sinh bỏ học giữa chừng để lập gia đình. Các em cũng trở thành những tuyên truyền viên đưa văn hóa mới về bản làng.
Thầy giáo Phạm Hồng Việt cho biết, thời gian tới, nhà trường tiếp tục triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng việc nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chương trình đổi mới giáo dục phổ thông nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Trước mắt, trường tập trung bồi dưỡng kiến thức, tổ chức ôn thi tốt để học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới