Theo đó, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra tình trạng một số học sinh bỏ học để xuống các thành phố lớn làm công nhân. Việc học sinh bỏ học giữa chừng, tham gia lao động sớm, trái quy định làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần, cản trở việc tiếp cận giáo dục của trẻ em; tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội và chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Thống kê của ngành giáo dục cho thấy, năm học 2021-2022, tỉnh Đắk Nông có khoảng 629 học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ khoảng 0,44%. Tình trạng học sinh bỏ học xuất phát từ nhiều nguyên nhân, diễn ra phổ biến ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số...
Để khắc phục tình trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến đến học sinh tác hại của việc bỏ học tham gia lao động trái pháp luật, theo dõi nắm bắt tinh thần các em học tập sa sút có nguy cơ bỏ học để kịp thời hỗ trợ; tăng cường các hoạt động giáo dục, hướng nghiệp, tư vấn thị trường lao động, đánh giá năng lực bản thân lựa chọn nghề phù hợp.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đẩy mạnh thực hiện các giải pháp liên ngành hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình, chính sách giảm nghèo, tăng cường thanh tra, giám sát chấp hành các quy định pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bỏ học lao động trái quy định.
Các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số về các chính sách, pháp luật liên quan đến việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em và lao động trẻ em; cảnh giác với những đối tượng môi giới lừa đảo, dụ dỗ học sinh bỏ học tham gia lao động trái quy định pháp luật.