Những kết quả bước đầu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt ngày 18/1/2022. Qua một thời gian triển khai, các dự án thành phần của Chương trình đã đạt được một số kết quả.
0:00 / 0:00
0:00
Ruộng bậc thang mùa đổ ải ở Lào Cai. (Ảnh: Hùng Trần)
Ruộng bậc thang mùa đổ ải ở Lào Cai. (Ảnh: Hùng Trần)

Phân bổ vốn còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ

Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

Được thiết kế với 7 dự án và 9 tiểu dự án cụ thể, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng.

Qua một thời gian triển khai, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thông tin về kết quả thực hiện các dự án thành phần của Chương trình đến ngày 31/3/2023.

Trước hết là Dự án 1 “Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo”.

Ở Tiểu dự án 1 về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, trong năm 2022, vốn phân bổ là 5.529,505 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển là 5.348 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 181,505 tỷ đồng). Kết quả giải ngân là 1992,041 tỷ đồng (1.930,209 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 36,09%; 61,832 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 34,04%).

Ở Tiểu dự án 2 “Triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê duyệt bổ sung 2.000 tỷ đồng triển khai Đề án và ngân sách trung ương phân bổ 1.540 tỷ đồng (trong đó 1.400 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 140 tỷ đồng vốn sự nghiệp) để thực hiện trong năm 2023.

Tiếp theo là Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”.

Năm 2021, dự án này được bố trí 97,654 tỷ đồng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương (thực hiện tại trung ương là 11,5 tỷ đồng, tại địa phương là 86,154 tỷ đồng) để thực hiện trong năm 2022 do vốn bố trí vào cuối năm 2021.

Năm 2022 bố trí 787,566 tỷ đồng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương (thực hiện tại trung ương là 78,8 tỷ đồng, tại địa phương là 708,766 tỷ đồng). Kết quả giải ngân là 134,929 tỷ đồng, chiếm 15,24% so với vốn phân bổ của Tiểu dự án và của năm 2021 chuyển sang.

Tiếp đến là Dự án 3 “Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng”.

Ở Tiểu dự án 1 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, trong năm 2021, bố trí 106,353 tỷ đồng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện tại địa phương để thực hiện trong năm 2022 do nguồn kinh phí bố trí vào cuối năm 2021.

Năm 2022 bố trí 312,94 tỷ đồng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương (thực hiện tại trung ương là 6,3 tỷ đồng, tại địa phương là 306,64 tỷ đồng). Kết quả giải ngân là 55,778 tỷ đồng, chiếm 13,3% so với vốn phân bổ của Tiểu dự án và của năm 2021 chuyển sang.

Ở Tiểu dự án 2 “Cải thiện dinh dưỡng”, trong năm 2022 chưa được cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí triển khai. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt bổ sung kinh phí năm 2022 để thực hiện.

Tiếp đó là Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững

Ở Tiểu dự án 1 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn”, năm 2021 bố trí 331,3 tỷ đồng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương (thực hiện tại trung ương là 111 tỷ, tại địa phương là 220,3 tỷ đồng) để thực hiện trong năm 2022 do kinh phí bố trí vào cuối năm 2021.

Trong năm 2022, bố trí 1.338,9 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương để thực hiện tại trung ương là 147,3 tỷ đồng vốn sự nghiệp, tại địa phương là 1.191,6 tỷ đồng (trong đó 600 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 591,6 tỷ đồng vốn sự nghiệp).

Kết quả giải ngân là 114,187 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, chiếm 19,03% vốn đầu tư phân bổ của Tiểu dự án; 234,262 tỷ đồng vốn sự nghiệp, chiếm 21,89% vốn sự nghiệp phân bổ của Tiểu dự án và vốn năm 2021 chuyển sang.

Với Tiểu dự án 2 “Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, trong năm 2021 bố trí 7,8 tỷ đồng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện tại trung ương để thực hiện trong năm 2022 do vốn bố trí vào cuối năm 2021.

Năm 2022 bố trí 28,166 tỷ đồng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương (thực hiện tại trung ương là 6,9 tỷ đồng, tại địa phương là 21,266 tỷ đồng). Kết quả giải ngân là 15,888 tỷ đồng, chiếm 44,18% vốn phân bổ của Tiểu dự án và của năm 2021 chuyển sang.

Ở Tiểu dự án 3 “Hỗ trợ việc làm bền vững”, trong năm 2022 bố trí 192,823 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương (trong đó 52 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 140,823 tỷ đồng vốn sự nghiệp) để thực hiện tại trung ương là 11 tỷ đồng vốn sự nghiệp, tại địa phương là 181,823 tỷ đồng. Kết quả giải ngân là 10,267 tỷ vốn đầu tư phát triển, chiếm 19,74%; 35,131 tỷ đồng vốn sự nghiệp, chiếm 24,95% so với vốn Tiểu dự án.

Riêng Dự án 5 “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo” chưa được cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí triển khai trong năm 2022. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt bổ sung kinh phí năm 2022 để thực hiện.

Cùng với đó là Dự án 6 “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin”

Ở Tiểu dự án 1 “Giảm nghèo về thông tin”, năm 2022, ngân sách trung ương bố trí 97,143 tỷ đồng vốn sự nghiệp; trong đó, thực hiện tại trung ương là 37 tỷ đồng, tại địa phương là 60,143 tỷ đồng. Kết quả giải ngân là 34,212 tỷ đồng, chiếm 35,22% vốn phân bổ của Tiểu dự án.

Ở Tiểu dự án 2 “Truyền thông về giảm nghèo đa chiều”, năm 2022, ngân sách trung ương bố trí 38,857 tỷ đồng vốn sự nghiệp; trong đó, thực hiện tại trung ương là 13,6 tỷ đồng, tại địa phương là 25,257 tỷ đồng. Kết quả giải ngân là 17,818 tỷ đồng, chiếm 45,86% vốn phân bổ của Tiểu dự án.

Cuối cùng là Dự án 7 “Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình”.

Ở Tiểu dự án 1 “Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình”, năm 2022, ngân sách trung ương bố trí 192,13 tỷ đồng vốn sự nghiệp (tại trung ương 28,8 tỷ đồng, địa phương 163,33 tỷ đồng). Kết quả giải ngân là 84,491 tỷ đồng, chiếm 43,98% vốn phân bổ của Tiểu dự án.

Ở Tiểu dự án 2 “Giám sát, đánh giá”, năm 2022, ngân sách trung ương bố trí 101,97 tỷ đồng vốn sự nghiệp (tại trung ương 15,3 tỷ đồng, địa phương 86,67 tỷ đồng). Kết quả giải ngân là 35,288 tỷ đồng, chiếm 34,61% vốn phân bổ của Tiểu dự án.

Từ kết quả thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình dự kiến 6 tháng đầu năm 2023 và năm 2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, giảm 1,1% so với năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm từ 5-6%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Cơ quan này cũng đánh giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ khẩn trương thực hiện thủ tục phê duyệt Chương trình. Hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đã được ban hành đầy đủ. Ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (vốn đầu tư) và năm 2021, 2022, 2023 thực hiện Chương trình đã được phân bổ để thực hiện.

Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đã nỗ lực, quyết liệt triển khai thực hiện Chương trình.

Tỷ lệ nghèo đa chiều đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương.

Tuy nhiên, cơ quan này vẫn nêu ra một số hạn chế, tồn tại trong công tác triển khai.

Thứ nhất, do tác động của đại dịch Covid-19 nên việc ban hành chuẩn nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 chậm một năm so với dự kiến. Biến động về hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương có sự thay đổi đáng kể do người dân di cư từ các thành phố lớn và khu công nghiệp trở về quê hương. Việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài bị ảnh hưởng do một số nước tiếp nhận lao động còn hạn chế, doanh nghiệp trong nước tăng nhu cầu tuyển dụng.

Thứ hai, việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, hoạt động về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình và về giáo dục nghề nghiệp còn chậm. Một số địa phương chưa hoàn thành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình theo quy định, đề xuất danh mục một số dự án đầu tư còn dàn trải, manh mún, chưa đúng mục tiêu của Chương trình.

Thứ ba, một số văn bản hướng dẫn sau khi ban hành còn vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình tại địa phương.

Thứ tư, việc phân bổ vốn còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ.

Thứ năm, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 không phản ánh đúng thực trạng khách quan tình trạng nghèo của các hộ gia đình ở các vùng, miền tại thời điểm năm 2021 dẫn tới khó đánh giá được mục tiêu giảm nghèo thực hiện năm 2022 so với năm 2021.

Thứ sáu, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững

Từ thực tế này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề nghị thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong thời gian tới.

Trước hết, quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững.

Đẩy mạnh tập trung chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình.

Thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình, ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình.

Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý các vi phạm liên quan đến việc thực hiện Chương trình.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác giám sát thực hiện Chương trình để kịp thời phát hiện, đề nghị điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp.

Chính phủ tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị về chính sách, pháp luật trong tổ chức thực hiện Chương trình để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ. Xây dựng chuẩn dữ liệu liên thông với Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành và địa phương tháo gỡ vướng mắc tại Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần khẩn trương, quyết liệt hoàn thành ban hành các văn bản hướng dẫn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện các dự án thuộc Chương trình hiệu quả và đúng quy định.