Ngày 6/9, tại huyện A Lưới, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024.
Tham dự lễ công bố có Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Nguyễn Lê Bình và đại diện các bộ, ban, ngành của Trung ương.
Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế, có đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch , Ủy ban nhân dân tỉnh và Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh.
Huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025, đồng thời là một trong 22 huyện nghèo toàn quốc được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, để đạt được kết quả ngày hôm nay, huyện đã nhận được sự quan tâm của Trung ương, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cùng sự hỗ trợ từ các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Huyện A Lưới đã tập trung mọi nguồn lực từ Trung ương đến địa phương và huy động nhiều nguồn lực khác để đầu tư, triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn với mục tiêu lựa chọn hỗ trợ đầu tư các dự án trọng tâm, trọng điểm phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa nhằm tạo sự đột phá, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 49,98% vào cuối năm 2021, đã giảm xuống còn 24,3% vào cuối năm 2023 và dự kiến giảm còn 14,34% vào cuối năm 2024. Cơ sở hạ tầng đã được cải thiện rõ rệt, đường giao thông liên xã được đầu tư, các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng. Thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt.
Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2021 là 27,5 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2023 được nâng lên 35,22 triệu đồng/người/năm. Dự kiến đến cuối năm 2024 là trên 40 triệu đồng/người/năm và đến năm 2025 đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá, A Lưới được công nhận thoát nghèo là một mốc son đáng tự hào trong hành trình phát triển của huyện và cũng là niềm vui chung của toàn tỉnh. Đây không chỉ là thành quả của những nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân huyện A Lưới, mà còn là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những cố gắng của toàn tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, A Lưới vẫn còn những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội, tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con dân tộc thiểu số.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, để kinh tế-xã hội và đời sống của người dân được nâng cao, huyện A Lưới thoát nghèo bền vững, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện A Lưới cần phải tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục xây dựng và phát triển địa phương với chất lượng cao hơn, bền vững hơn. Bám sát định hướng phát triển của tỉnh, tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình, đề án đề ra, khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Lãnh đạo tỉnh trao quà cho các hộ gia đình khó khăn huyện A Lưới. |
“Bên cạnh đó, cần duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đưa huyện A Lưới ngày càng phát triển góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị”, ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
* Cùng ngày, Ủy ban nhân dân huyện A Lưới đã tổ chức lễ khánh thành Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới.
Làng văn hóa được xây dựng tại khu bảo tồn sim thuộc xã Hồng Thượng (huyện A Lưới), có quy mô diện tích 5ha, tổng kinh phí đầu tư gần 21 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025.
Dự án bao gồm khối nhà sinh hoạt cộng đồng chung, nhà ở truyền thống cho người Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô và các hạng mục phụ trợ khác như sân, vườn, đường giao thông, điện, nước, trang trí cảnh quan…
Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới là nơi tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, tái hiện nét đẹp, cảnh sinh hoạt trong đời sống của đồng bào các dân tộc… Qua đó, tạo điểm nhấn kết nối du lịch, thu hút du khách đến tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại huyện A Lưới.
Dưới đây là một số hình ảnh tại lễ khánh thành Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện A Lưới thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. |
Các đại biểu đến dự lễ khánh thành Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. |
Các đại biểu tham quan không gian các làng nghề truyền thống. |
Đồng bào các dân tộc huyện A Lưới cùng các em học sinh trên địa bàn tham dự tại lễ khánh thành Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện. |
Đồng bào các dân tộc đến lễ khánh thành Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. |
Biểu diễn nhiều tiết mục văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc A Lưới. |
Tại lễ khánh thành Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới |