UNDP: Các cuộc khủng hoảng trong 3 năm qua đẩy 165 triệu người vào diện nghèo

Đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và cuộc xung đột ở Ukraine đã đẩy 165 triệu người trên thế giới vào diện nghèo tính từ năm 2020. Đây là kết quả báo cáo mới được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố cùng lời kêu gọi giãn nợ cho các nước đang phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên y tế tại trung tâm xét nghiệm Covid-19 tại Argentina, ngày 6/1/2022. (Ảnh: Reuters)
Nhân viên y tế tại trung tâm xét nghiệm Covid-19 tại Argentina, ngày 6/1/2022. (Ảnh: Reuters)

Theo báo cáo, vì những cú sốc này, 75 triệu người dân trên thế giới sẽ rơi vào cảnh nghèo cùng cực, được định nghĩa là sống với mức thu nhập chưa đến 2,15 USD/ngày trong giai đoạn từ 2020 đến cuối 2023. Trong khi đó, sẽ có thêm 90 triệu người bị đẩy xuống ngưỡng nghèo với mức thu nhập dưới 3,65 USD/ngày.

Báo cáo nêu rõ, những người nghèo nhất lại là những người chịu tác động tồi tệ nhất và thu nhập năm 2023 của những người này có thể còn thấp hơn mức ghi nhận trước đại dịch Covid-19.

Giám đốc UNDP Achim Steiner cho biết, nhiều người ở những nước đã đầu tư cho những mạng lưới an toàn trong 3 năm qua đã tránh được cảnh nghèo khổ. Còn ở những nước nợ nần chồng chất, mức nợ công cao cũng kéo theo chi tiêu cho an sinh xã hội không phù hợp và tỷ lệ người nghèo cũng tăng một cách đáng báo động.

Báo cáo kêu gọi giãn nợ cho các nước đang gặp khó khăn về kinh tế để những nước này có thể dành khoản tiền chuẩn bị cho việc trả nợ cho việc chi tiêu an sinh xã hội và ứng phó với những ảnh hưởng của các cú sốc kinh tế vĩ mô.

Báo cáo nêu rõ, giải pháp nằm trong tầm tay của hệ thống đa phương. Theo báo cáo khác được Liên hợp quốc công bố ngày 12/7, khoảng 3,3 tỷ người tức là gần 50% dân số thế giới sống tại các quốc gia chi nhiều cho thanh toán lãi nợ công hơn cho giáo dục và y tế.

Trong khi đó, các nước đang phát triển, dù có mức nợ công thấp, vẫn phải trả lãi nhiều hơn, một phần vì lãi suất cao. Đầu tuần này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã thúc đẩy cải cách các thể chế tài chính quốc tế, cho rằng hệ thống tài chính toàn cầu hiện đã lỗi thời.