Tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng người tị nạn

Xung đột, bất ổn chính trị, nghèo đói và biến đổi khí hậu là những nguyên nhân khiến hàng trăm triệu người trên thế giới buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Chấm dứt bạo lực và hỗ trợ người dân xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn tại chính quê hương của mình là giải pháp cốt lõi để giải quyết tận gốc thực trạng đáng buồn này.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người dân Sudan phải rời bỏ nhà cửa do xung đột. (Ảnh AP)
Nhiều người dân Sudan phải rời bỏ nhà cửa do xung đột. (Ảnh AP)

Năm 2016, Salam Kanhoush chạy trốn cuộc nội chiến tại Syria để đến xây dựng cuộc sống mới ở Sudan, quốc gia châu Phi nằm cách quê hương anh 2.000km về phía nam.

Chưa đầy 10 năm sau, Salam Kanhoush lại một lần nữa phải di dời, do giao tranh bùng phát ở thủ đô Khartoum của Sudan.

Trả lời phỏng vấn AFP, Salam Kanhoush chia sẻ, rời Khartoum và bỏ lại những thứ đã gây dựng trong nhiều năm qua là một quyết định rất khó khăn.

Rơi vào hoàn cảnh tương tự, Mohammed Qassim rời Afghanistan vào năm 2016 để đến Sudan học về truyền thông đại chúng.

Tuy nhiên, khi đang chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp, anh lại buộc phải chạy trốn khỏi xung đột ở Sudan.

Việc lực lượng Taliban tiếp quản Kabul cũng chấm dứt hy vọng được trở lại Afghanistan của Mohammed Qassim.

Liên tiếp chứng kiến xung đột tàn phá những nơi mình từng gắn bó, Mohammed Qassim cho biết mong muốn lớn nhất hiện nay của anh là được xây dựng cuộc sống ở một nơi không có chiến tranh.

Salam Kanhoush và Mohammed Qassim chỉ là hai trong hàng trăm triệu người trên thế giới buộc phải ra nước ngoài hoặc sơ tán ở trong nước để tìm kiếm một cuộc sống an toàn hơn.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) vừa công bố báo cáo cho thấy, số người rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn đã tăng lên mức kỷ lục, trong đó các cuộc xung đột ở Ukraine và Sudan đã khiến hàng triệu người phải tha hương.

Theo UNHCR, cuối năm 2022, số người di dời do chiến tranh, bạo lực, đàn áp, vi phạm nhân quyền, biến đổi khí hậu… là 108,4 triệu người, tăng 19,1 triệu người so với mức của một năm trước đó.

Đây cũng là mức tăng lớn nhất từng được ghi nhận. Đáng lo ngại, xu hướng này không có dấu hiệu chậm lại trong năm 2023, khi xung đột nổ ra ở Sudan đã kéo theo những dòng người di cư mới, đưa tổng số người trên thế giới buộc phải rời bỏ quê nhà chạm mốc khoảng 110 triệu người vào tháng 5/2023.

Báo cáo cho thấy, hiện nay, cứ 74 người thì có một người phải di dời. Người phát ngôn của UNHCR Chris Melzer nhấn mạnh, tình trạng này là một thảm họa đối với nhân loại.

Cuộc khủng hoảng nêu trên đã đặt ra câu hỏi lớn về việc tiếp nhận và ổn định cuộc sống cho người tị nạn.

Báo cáo của UNHCR nêu rõ, thay vì những quốc gia giàu có, các nước thu nhập trung bình và thấp ở châu Á và châu Phi là nơi tiếp nhận nhiều nhất.

Theo đó, 46 quốc gia kém phát triển nhất, chiếm chưa đến 1,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, đã mở cửa đón tới hơn 20% tổng số người tị nạn trên thế giới.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nước có nhiều người tị nạn nhất với 3,8 triệu người, chủ yếu là người Syria chạy trốn nội chiến; tiếp theo là Iran với 3,4 triệu người, chủ yếu đến từ Afghanistan.

Ngoài ra, 5,7 triệu người Ukraine sống rải rác khắp các quốc gia ở châu Âu và các nước khác.

Nhấn mạnh phần lớn người tị nạn có xu hướng chạy sang các nước láng giềng, nơi cũng có mức thu nhập trung bình hoặc điều kiện sống nghèo nàn, người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay san sẻ gánh nặng.

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân gốc rễ khiến hàng trăm triệu người phải rời bỏ quê hương là tình trạng nghèo đói và xung đột kéo dài dai dẳng tại nhiều nước. Vì vậy, chấm dứt bạo lực, ổn định cuộc sống cho người dân là giải pháp để ngăn chặn các dòng người tị nạn ồ ạt.

Theo UNHCR, năm 2022, hơn 339.000 người tị nạn ở 38 quốc gia đã hồi hương an toàn, trong khi 5,7 triệu người di cư trong nước cũng trở về nhà. UNHCR kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết cùng nhau dập tắt các điểm nóng xung đột để những người tị nạn có thể trở về nhà.