Tuyển sinh gần 2,3 triệu người trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

NDO - Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trong năm 2023, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ước đạt gần 2,3 triệu người, đạt kế hoạch đề ra. Kết quả này ghi nhận tín hiệu tích cực, thực hiện việc phân luồng tốt hơn, đặc biệt là tuyển sinh được nhiều học sinh, sinh viên đăng ký học các ngành, nghề trọng điểm mũi nhọn.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên giáo dục nghề nghiệp trình diễn tại Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2023. (Ảnh: Thủy Nguyên)
Sinh viên giáo dục nghề nghiệp trình diễn tại Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2023. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Đỗ Năng Khánh cho biết, trong năm 2023, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ước đạt 2.295.000 người, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó, số tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp là 530 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là khoảng 1,765 triệu người. Đây là kết quả có tín hiệu tích cực, thực hiện việc phân luồng tốt hơn, đặc biệt là tuyển sinh được nhiều học sinh, sinh viên đăng ký học các ngành, nghề trọng điểm mũi nhọn.

Thông tin trên được ông Khánh chia sẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp diễn ra chiều 16/1.

Trong năm 2023, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ước đạt 2.295.000 người, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó, số tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp là 530 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là khoảng 1,765 triệu người.

Về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hiện nay, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Con số cụ thể có: 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập là 684 cơ sở, chiếm 36,2%.

So với thời điểm ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương, cả nước đã giảm 181 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tương đương mức giảm 14%. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tham mưu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo quy hoạch.

Về hoạt động tăng cường các hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã không ngừng được đẩy mạnh, hỗ trợ tích cực cho toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp đổi mới, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, thu hút được nhiều đối tác tiềm năng mới quan tâm hợp tác với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Phần Lan,…

Đối với công tác chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp, triển khai Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2222/QĐ-TTg đã góp phần nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và yêu cầu sớm triển khai chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của người học và mọi người dân trong nền kinh tế số, xã hội số. Đến nay, các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, rất nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tiếp cận công nghệ thông tin trong đào tạo nghề; xây dựng, ban hành kế hoạch chuyển đổi số của nhà trường.

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo nghề tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, theo số liệu điều tra, thống kê về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023, chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam dựa trên kết quả đánh giá của doanh nghiệp đã có những bước thăng hạng nhảy vọt. So với năm 2022, chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam với điểm trung bình trọng số 4.82 trên thang điểm 7 đã tăng 8 bậc, vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao (5 bậc). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam nằm trong tốp 4, chỉ xếp sau Singapore và Indonesia.

Sự tăng tiến của chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam cũng có thể thấy rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố vào tháng 3/2023.

Theo đó, chất lượng đào tạo nghề Việt Nam trên thang điểm 6 đã đạt 4.4 điểm (năm 2018 chỉ đạt 3.8 điểm). Báo cáo PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện dựa trên kết quả điều tra đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tăng cường chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2024, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục bám sát công tác rà soát, đánh giá Luật Giáo dục nghề nghiệp; nghiên cứu các điều bổ sung để Luật này gắn liền với bối cảnh kinh tế thị trường giúp nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ giáo viên giảng dạy, phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành khung tham chiếu của Việt Nam đối với cấu phần giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp;…

Trong năm 2024, chỉ tiêu Quốc hội giao thực hiện trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%. Mục tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp của năm nay là khoảng 2,43 triệu người.