Ông Nguyễn Quang Sáng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình), cho biết, toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 3 trường cao đẳng).
Năm 2022, tổng số lao động qua đào tạo là khoảng 36 nghìn người, trong đó có 11 nghìn người tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp, còn lại là đạt trình độ sơ cấp dưới 3 tháng.
Được biết, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngành nghề cung ứng cho khu công nghiệp đạt khoảng 61%.
Các doanh nghiệp FDI đang đầu tư dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Khu Kinh tế Thái Bình) rất cần những lao động có tay nghề cao. |
Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, có chứng chỉ ở địa phương còn thấp, hiện mới đạt khoảng hơn 24,8% (trung bình cả nước là 25%), tương ứng với khoảng 229.147/923.980 người trong độ tuổi lao động.
Trong khi đó, do tác động của hậu đại dịch Covid-19, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề từ đầu năm 2021 đến nay không đạt như mong muốn. Tính đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 10.486 người tham gia học nghề (trong đó trình độ cao đẳng 558 người, trình độ trung cấp 1.560 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 8.350 người), mới đạt 28,6% kế hoạch năm.
Đáng lưu ý là trong số hơn 6.300 lao động trong khu vực doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng việc làm do các tác động của sau đại dịch và thiếu đơn hàng, thì lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, chiếm đại đa số.
Để khắc phục tình trạng này, tháng 5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đề án đã được tỉnh phê duyệt thì nhu cầu đào tạo lao động của các doanh nghiệp theo các cấp trình độ đến năm 2025 khoảng 78.800 lao động, đến năm 2030 là 82.100 lao động (trong đó trình độ cao đẳng chiếm gần 30%).
Vì vậy, nhu cầu về lao động có chất lượng cao trong những năm tới là thực sự cần thiết, đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực ngay từ bây giờ để giải bài toán về nguồn nhân lực.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngành nghề ở Thái Bình cung ứng cho khu công nghiệp đạt khoảng 61%. |
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến chế tạo gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số trên địa bàn, tỉnh Thái Bình đang tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để người học được hỗ trợ về học phí và có thể chủ động lựa chọn thời gian đào tạo.
Bên cạnh đó, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; tăng cường các hoạt động gắn kết giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp để nguồn lao động có kỹ năng và chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp.
Chia sẻ chung quanh việc đào tạo nghề hiện nay, ông Đặng Nguyên Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Thái Bình cho hay: Đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã giải quyết cơ bản những nút thắt trong lĩnh vực này, tạo cơ chế tốt và có tính bền vững.
Tuy nhiên, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân và những người trong độ tuổi lao động nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đào tạo nghề, từ đó phân luồng ngay từ sớm, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường hiện nay.