Tư duy mới trong đào tạo lực lượng sản xuất mới

Việt Nam đã bước đầu xây dựng được đội ngũ lao động với tư duy số và kỹ năng số. Dự báo, đến năm 2030, nước ta cần 2,5 triệu lao động phục vụ chuyển đổi số. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu cấp bách trong thực tế về đổi mới giáo dục, đào tạo nghề. Bắt tay với doanh nghiệp là xu hướng tất yếu, giúp kết nối cung-cầu cho thị trường lao động.
Trường cao đẳng THACO tập trung vào kỹ năng thực hành, giúp sinh viên có thể sớm thạo nghề. Nguồn: THACO
Trường cao đẳng THACO tập trung vào kỹ năng thực hành, giúp sinh viên có thể sớm thạo nghề. Nguồn: THACO

Thiếu mô hình hợp tác bền vững

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước có 168 trường đại học, 520 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, chỉ khoảng 30% số sinh viên ra trường đáp ứng kỹ năng và chuyên môn của nhà tuyển dụng. Ông Thái Hoàng Danh, Giám đốc Sản xuất phần mềm Công ty cổ phần Tư vấn và Phát triển phần mềm Larion cho rằng, trung bình mỗi năm khoảng 16 nghìn sinh viên ngành công nghệ thông tin tốt nghiệp.

Nhưng để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, hầu hết phải đào tạo lại ít nhất từ ba đến sáu tháng. Năm 2024, hơn 70% số công ty công nghệ thông tin Việt Nam có kế hoạch tuyển dụng mở rộng sản xuất. Dự kiến số lượng nhân sự mà các công ty còn thiếu để bảo đảm sự phát triển và cạnh tranh trên thị trường lên tới 170 nghìn người. Sự bùng nổ của các công nghệ như: AI, Blockchain, Metaverse, Big Data… mang đến những thách thức rất lớn đối với các nhà tuyển dụng cũng như lực lượng lao động tham gia vào ngành công nghệ thông tin.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu. Trong hành trình đó, nhân lực số đóng vai trò cốt lõi, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Việt Nam đang thiếu nguồn lao động chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số. Bởi thế, trong đào tạo nghề phải luôn hướng đến các mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo. Những năm qua đã có nhiều hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, nhưng mô hình hợp tác mang tính bền vững còn ít.

TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp)

Khuyến khích sự hợp tác hỗ trợ giữa các bên

Với mục tiêu tăng cường nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số tại nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, khuyến khích, hỗ trợ các hình thức hợp tác giữa nhà trường, viện nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực chuyển đổi số, xây dựng chương trình phối hợp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để hỗ trợ sinh viên thực tập, làm việc tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu. Bởi vậy, chất lượng đào tạo luôn là yếu tố cần đặt lên hàng đầu đối với các cơ sở đào tạo. Đặc biệt, các cơ sở đại học cần chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp cũng như sự thay đổi nhanh chóng của các công nghệ mới.

Ở góc độ của doanh nghiệp, ngày càng có nhiều tập đoàn, công ty chủ động trong đào tạo nguồn nhân lực cho mình để bảo đảm cao nhất chất lượng nguồn nhân lực đầu vào. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đã hợp tác với hơn 45 trường đại học, cơ sở đào tạo trong cả nước để phối hợp đào tạo, tiếp nhận thực tập, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tài trợ giáo dục và trang thiết bị học tập.

Từ năm 2010, Thaco thành lập trường cao đẳng nghề với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Với mục tiêu “sinh viên ra trường có việc làm và làm được việc”, nhà trường xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo bám sát thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp với giờ học thực hành chiếm 70%.

Tư duy mới trong đào tạo lực lượng sản xuất mới ảnh 1

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm khoa học và công nghệ. Ảnh: Trần Hải

Tương tự, Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng cũng nỗ lực phối hợp nhiều trường đại học, cao đẳng nghề trong đào tạo, tuyển dụng nhân sự. Trưởng phòng tuyển dụng Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng Nguyễn Thành Hiếu, chia sẻ, tầm quan trọng của việc phối hợp giữa nhà trường-doanh nghiệp là tạo cho người lao động những hiểu biết về phương thức làm việc hiện đại, có kỷ luật tốt hơn trong lao động, sản xuất, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Bởi theo các nhà phân tích, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể, toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.

Về phía các cơ sở đào tạo, sự chủ động hợp tác cũng mở ra nhiều hứa hẹn. Tính đến nay, Trường đại học Điện lực đã hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp trong nước và ngoài nước thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau để đổi mới, nâng cao chất lượng đầu ra. Từ đó, nhà trường và doanh nghiệp đi đến một sự thống nhất cao, sản phẩm đầu ra của nhà trường chính là sản phẩm đầu vào cho doanh nghiệp.

Nếu sản phẩm đào tạo của nhà trường tốt thì doanh nghiệp cũng sẽ tiếp nhận nguồn nhân lực tốt. Việc tham gia xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo được phối hợp chặt chẽ hơn, nhằm thiết kế nội dung kiến thức giảng dạy gắn liền yêu cầu thực tiễn của xã hội. Nhà trường cũng đã lập Ban điều hành mạng lưới doanh nghiệp và Ban điều hành mạng lưới cựu sinh viên, với mục tiêu mở rộng hợp tác và lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Nhạy bén trước thời cuộc, Trường cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội là đơn vị tích cực đổi mới phương thức, chương trình đào tạo. Mỗi năm nhà trường có 1.500 đến 1.700 học viên tốt nghiệp, với 85% số học viên có việc làm sau khi ra trường. Có được kết quả đó là nhờ nhà trường rà soát, thay đổi chương trình đào tạo phù hợp yêu cầu thực tế. Thêm nữa, nhà trường luôn “dựng ăng-ten” chào đón các doanh nghiệp liên kết.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang được triển khai quyết liệt. Việc phát triển nhân lực số là yếu tố then chốt trong chuyển đổi số. Các mục tiêu sẽ đạt hiệu quả cao khi có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, trong đó là những cơ chế khuyến khích cho sự phối hợp nhịp nhàng, khăng khít hơn giữa nhà trường và doanh nghiệp, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.