Sơ chế dừa tươi xuất khẩu tại Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)
Sơ chế dừa tươi xuất khẩu tại Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Trồng dừa phát thải carbon thấp, hướng đến bền vững

Năm 2024, Chính phủ chính thức đưa cây dừa trở thành cây công nghiệp chủ lực quốc gia, cây dừa đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đang phát triển trồng dừa phát thải carbon thấp, phát triển xanh, bền vững và hướng đến Net Zero để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tiềm năng lớn tham gia thị trường tín chỉ carbon

Hiện nay, diện tích dừa cả nước khoảng 196.767 ha, tập trung tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền trung. Các tỉnh có diện tích trồng dừa lớn là: Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Định… Riêng tỉnh Bến Tre có vườn lớn nhất cả nước với hơn 79 nghìn ha, trong đó có khoảng 20 nghìn ha dừa hữu cơ sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết: “Toàn tỉnh đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung. Trong đó, 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và 1 vùng sản xuất dừa uống nước. Đến nay, toàn tỉnh 32 tổ hợp tác và 28 hợp tác xã tham gia liên kết, tổ chức sản xuất với sự đồng hành của 9 doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản phẩm dừa. Từ những mô hình liên kết gắn với doanh nghiệp này mà hằng trăm cơ sở sơ chế dừa được hình thành, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương”.

Theo các nhà nghiên cứu, với diện tích dừa trên 79.000 ha, Bến Tre có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 đến 5,8 triệu tấn CO2. Ngành nông nghiệp rất có tiềm năng tham gia thị trường tín chỉ carbon, cũng như hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu.

Trồng dừa phát thải carbon thấp, hướng đến bền vững ảnh 1

Cây dừa có tiềm năng lớn tham gia thị trường tín chỉ carbon. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

PGS-TS Trần Trung Tính, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: Dừa là loài cây có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong các điều kiện đất nhiễm mặn, thậm chí trong điều kiện khô hạn. Khả năng này giúp cây dừa trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực trong việc cải thiện và bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp.

Cây dừa hiện không chỉ là một nguồn thu nhập chính cho người dân đồng bằng sông Cửu Long mà còn là biểu tượng cho sự bền vững và khả năng thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu.

Với sự quan tâm và đầu tư đúng mức, cây dừa sẽ trở thành một trong những nhân tố chủ lực trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần vào mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính và xây dựng nền kinh tế carbon thấp.

Dừa là loài cây có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong các điều kiện đất nhiễm mặn, thậm chí trong điều kiện khô hạn. Khả năng này giúp cây dừa trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực trong việc cải thiện và bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp.

PGS-TS Trần Trung Tính, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ

Trồng dừa phát thải carbon thấp, hướng đến bền vững ảnh 3

Mua bán dừa nguyên liệu là nghề truyền thống của người dân tại chợ Thom (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre). (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Hiện cây dừa được trồng trên 90 quốc gia vùng nhiệt đới với tổng diện tích 12,256 triệu ha. Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về diện tích trồng dừa sau Philippines, Indonesia, Ấn Độ và Sri Lanka.

Thu về tỷ đô từ cây dừa

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dừa gồm sản phẩm từ dừa và sản phẩm liên quan đến dừa của cả nước đạt 1,065 tỷ USD. Trong đó, tỉnh Bến Tre hiện có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, như: Cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dầu dừa…

Trồng dừa phát thải carbon thấp, hướng đến bền vững ảnh 4

Nghề sơ chế dừa nguyên liệu tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đã xuất khẩu sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tiếp tục được các doanh nghiệp giữ vững và mở rộng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết: “Trong quá trình phát triển, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát huy lợi thế về tiềm năng của cây dừa, một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện về xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế”.

Trồng dừa phát thải carbon thấp, hướng đến bền vững ảnh 5

Dây chuyền sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa phục vụ xuất khẩu tại Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến sản xuất các dòng sản phẩm tinh dầu dừa phục vụ phân khúc thị trường cao cấp. Các sản phẩm kẹo dừa và sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất tự động khép kín thay cho cách làm thủ công truyền thống. Gỗ dừa cũng được khai thác, xuất khẩu và trở thành nhóm sản phẩm có giá trị kinh tế cao…

Trong quá trình phát triển, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát huy lợi thế về tiềm năng của cây dừa, một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện về xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế.

Trần Ngọc Tam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre

Phát triển mô hình canh tác dừa bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

Ngành dừa Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển hết kể từ khi Chính phủ chính thức đưa cây dừa trở thành cây công nghiệp chủ lực quốc gia vào năm 2024 và nằm trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực tại Việt Nam đến năm 2030.

Trồng dừa phát thải carbon thấp, hướng đến bền vững ảnh 6

Các sản phẩm từ dừa thân thiện với môi trường được thị trường ưa chuộng. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Theo các nhà khoa học, không chỉ có khả năng chống chịu tốt, cây dừa còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn đất đai và duy trì độ phì nhiêu của đất. Rễ cây dừa ăn sâu và rộng, giúp tăng cường khả năng giữ nước và ngăn chặn xói mòn đất, góp phần bảo vệ môi trường sống của nhiều loài sinh vật khác. Sản phẩm từ dừa, đặc biệt là các sản phẩm có khả năng thay thế các vật liệu từ nhiên liệu hóa thạch như nhựa, cũng đóng góp vào việc giảm thiểu phát thải carbon. Các sản phẩm từ xơ dừa và gáo dừa có thể được sử dụng làm vật liệu xây dựng, sản phẩm cách nhiệt, hoặc thậm chí là các sản phẩm sinh học có thể phân hủy, thay thể các vật liệu không thân thiện với môi trường.

Các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định, dừa là 1 trong 10 loài cây thích ứng biến đổi khí hậu tốt nhất, là 1 trong 5 loài cây thích nghi được tình trạng sa mạc hóa.

Trồng dừa phát thải carbon thấp, hướng đến bền vững ảnh 7

Sơ chế, đóng gói dừa tươi xuất khẩu tại huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre). (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng cho rằng: “Một số tỉnh có diện tích sản xuất dừa tập trung cần quan tâm, đưa cây dừa vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp để có định hướng và hỗ trợ phát triển mạnh mẽ hơn. Đồng thời, có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, ... để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến các sản phẩm từ cây dừa như bánh kẹo, sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ, chỉ xơ dừa, giá thể sạch cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, sản phẩm cho các ngành công nghiệp khác như than hoạt tính…”

Trồng dừa phát thải carbon thấp, hướng đến bền vững ảnh 8

Trồng dừa hữu cơ, hướng đến phát triển bền vững tại Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Mới đây, tại hội thảo phát triển bền vững ngành dừa hướng đến Net Zero, PGS-TS Trần Trung Tính, Hiệu trưởng Trường đại học Cần thơ cho rằng: Để phát huy tối đa tiềm năng của cây dừa, việc xây dựng và phát triển các mô hình canh tác bền vững, thân thiện với môi trường là vô cùng cần thiết. Các mô hình này không chỉ tập trung vào việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn hướng tới việc giảm thiểu tác động môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và duy trì sự cân bằng sinh thái. Việc tham gia vào các chương trình khoa học và công nghệ hướng tới mục tiêu Net Zero là một bước đi cần thiết để khẳng định vai trò tiên phong của cây dừa trong chiến lược phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung.

back to top