Bến Tre: Giá dừa xuống thấp, nông dân gặp khó

NDO - Tỉnh Bến Tre là thủ phủ dừa của cả nước với diện tích hơn 77 nghìn ha, sản lượng khoảng 600 triệu quả/năm. Mấy tháng gần đây, giá dừa xuống thấp kỷ lục, khiến hàng chục nghìn nông hộ sống nhờ vào cây dừa lâm vào cảnh khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) thu hoạch dừa khô.
Nông dân huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) thu hoạch dừa khô.

Giá dừa khô xuống thấp

Mấy chục năm trồng dừa nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Văn Hiền (ngụ xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) bán dừa khô với giá thấp như hiện nay. Trước đây, giá dừa thấp nhất cũng khoảng 3.000 đồng/quả, giờ chỉ còn 1.000 đồng/quả, tuy nhiên bán cũng khó khăn.

Gia đình ông Hiền có 4.000m2 đất chuyên trồng dừa, bình quân mỗi tháng thu hoạch khoảng 500 quả. Cách đây mấy ngày, gia đình ông gọi thương lái bán với giá 20 nghìn đồng/chục (một chục 12 quả) nhưng chi phí thu hoạch, vận chuyển hết 8.000 đồng/chục nên bình quân chỉ bán được 1.000 đồng/quả dừa.

Ông Hiền cho biết: “Bây giờ bán một quả dừa mua không được một viên kẹo nên nông dân rất nản, thu hoạch từ trồng dừa không đủ tiền mua phân bón nên hầu hết đều bỏ mặc không chăm sóc. Gần đây, gia đình tôi trồng xen cây chanh trong vườn dừa với mong muốn thêm thu nhập bởi trồng dừa giờ đây rất khó khăn, không đủ sống”.

Một số vùng nước lợ, quả dừa nhỏ giá bán còn thấp hơn và hầu như thương lái không thu mua nên người dân để dừa lên mộng. Ông Huỳnh Minh Vị, trồng 8.000m2 dừa tại xã Bình Thới (huyện Bình Đại) cho biết: “Khu vực này dừa quả nhỏ nên thương lái mua với giá thấp hơn các vùng khác. Tuy nhiên, hai tháng nay vườn dừa của gia đình tôi gọi mấy lần mà thương lái không chịu mua nên rụng đầy ngoài vườn. Hiện tại, nếu vườn dừa sát trục đường giao thông, vận chuyển dễ dàng thì thương lái mua với giá 8.000 đồng/chục, còn vườn dừa sâu trong đồng hầu như thương lái không chịu mua”.

Thời gian gần đây, giá dừa xuống thấp do nguyên nhân không xuất khẩu được và sự cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu dừa. Trong đó, các sản phẩm cơm dừa, vỏ dừa, nước dừa... giá giảm mạnh và gần như không xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc đang thực hiện chính sách "Zero Covid", hạn chế nhập khẩu, kể cả tiểu ngạch.

Bến Tre: Giá dừa xuống thấp, nông dân gặp khó ảnh 1

Hiện tại, dừa khô tồn đọng trong vườn dừa rất lớn do giá xuống thấp.

Theo nhận định của Sở Công thương tỉnh Bến Tre, Thái Lan chiếm thị phần rất lớn ở thị trường Trung Quốc và không thể xuất khẩu qua Trung Quốc nên buộc Thái Lan phải hạ giá bán để đẩy mạnh tiêu thụ. Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sản phẩm dừa, đặc biệt là dừa trái lớn của Bến Tre, hiện đang siết chặt việc nhập khẩu các loại nông sản nên lượng dừa khô xuất khẩu sang thị trường này giảm gần 80%, còn sản phẩm chỉ xơ dừa hầu như không xuất khẩu được.

Hiện tại, chỉ những nông dân trồng dừa hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị thì vẫn tiêu thụ được với giá khá cao. Ông Trần Văn Luông, xã viên hợp tác xã dừa Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam) cho biết: “Tôi mới bán hơn 1.200 quả dừa cho hợp tác xã với giá 32 nghìn đồng/chục, cao hơn nhiều so những nông dân bên ngoài không tham gia vào chuỗi liên kết với doanh nghiệp. Với giá này trừ đi tiền công chăm sóc, bón phân thì nông dân vẫn sống được khi giá dừa xuống thấp”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết: “Trong thời điểm giá dừa xuống thấp như hiện nay thì những vườn dừa sản xuất hữu cơ, tham gia theo chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp vẫn tiêu thụ ổn định. Hiện toàn tỉnh có 27 hợp tác xã, 47 tổ hợp tác với 13.135ha dừa sản xuất theo chuẩn hữu cơ; trong đó, diện tích đạt chứng nhận gần 7.300ha. Hiện tại, tỉnh đang triển khai xây dựng thí điểm 5 vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung với diện tích 1.500ha và một vùng sản xuất dừa uống nước tập trung với diện tích 20ha, gắn phát triển chuỗi giá trị. Thực tế cho thấy, khi nông dân tham gia chuỗi hưởng lợi rất nhiều khi giảm chi phí sản xuất, đầu ra ổn định, giá bán cao hơn so với nông dân không tham gia vào chuỗi”.

Tìm giải pháp cứu giá dừa

Bến Tre: Giá dừa xuống thấp, nông dân gặp khó ảnh 2

Vùng sản xuất dừa hữu cơ, tham gia vào chuỗi liên kết với doanh nghiệp vẫn tiêu thụ được với giá ổn định.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: “Thời gian qua, giá dừa xuống thấp ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập của người trồng dừa. Sở Công thương tỉnh Bến Tre đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại qua thị trường các nước Liên minh châu Âu, khu vực Trung Đông và Đông Nam Á. Việc xúc tiến thương mại được thực hiện thông qua hình thức hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ giới thiệu, trưng bày sản phẩm; giao lưu và đối thoại trực tuyến với các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, trong đó có sản phẩm dừa của Bến Tre để đẩy mạnh tiêu thụ”.

Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre gửi công văn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường xuất khẩu như: Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, EU...; đề nghị các Tham tán thương mại tại các nước hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh tìm kiếm và kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhất là các nước trong Hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra, tỉnh Bến Tre kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp Bến Tre đưa sản phẩm dừa tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, Bến Tre tiếp tục thực hiện việc đàm phán với cơ quan thương mại Trung Quốc để đưa các sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó, có mặt hàng dừa trái vào danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán với Bộ Nông nghiệp Mỹ sớm cho phép trái dừa tươi Việt Nam được vào danh sách xuất khẩu vào nước này.

Theo số liệu báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất ngành dừa ước đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 4,05%, chiếm 10,32% so giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Hiện sản phẩm dừa Bến Tre có mặt tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, chủ yếu là Mỹ, Trung Đông, châu Phi, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia…

Là địa phương có diện tích dừa lớn nhất cả nước nên khi giá dừa xuống thấp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đại bộ phận nông dân trồng dừa và ngành công nghiệp chế biến dừa của tỉnh Bến Tre.