80 học sinh, đại diện cho hơn 14.600 trẻ em trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tham gia diễn đàn và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng và thiết thực với chính quyền tỉnh Cao Bằng.
Tham gia ý kiến tại diễn đàn, em Đường Ngân Hoài Bằng, ở huyện Quảng Hòa bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, có giải pháp quyết liệt và hiệu quả, khắc phục, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường. Quan tâm chăm lo, hỗ trợ, động viên học sinh khuyết tật, các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Em Lương Hoài Anh ở huyện Hòa An nêu thực trạng về một số vụ việc các bạn bị tai nạn đuối nước. Đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường quản lý, xử lý một số bãi tắm, điểm du lịch tự phát trên sông, suối, thiếu biển cảnh báo nguy hiểm và các giải pháp an toàn.
Các ý kiến trình bày tại diễn đàn cũng mong muốn các cấp, các ngành có những chương trình, kế hoạch, giải pháp, quan tâm tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo dục truyền thống cách mạng cho trẻ em; tăng cường phát động, tổ chức các hoạt động tình nguyện, đền ơn đáp nghĩa, tạo hoạt động thiết thực, ý nghĩa cho trẻ em.
Báo cáo trình bày tại diễn đàn cho biết, từ năm 2022 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ quần áo ấm cho 600 trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa. Hơn 2.500 trẻ em là học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú tại địa phương được thụ hưởng chương trình “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam”.
Có 100 trẻ em được nhận xe đạp từ Chương trình Quỹ xe đạp chở ước mơ; có hơn 24 nghìn trẻ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, tặng quà trị giá hơn 11 tỷ đồng. Các cấp, ngành, địa phương quan tâm chăm lo, tạo điều kiện tốt cho trẻ em học tập, rèn luyện và phát triển.
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng phát biểu ý kiến tại Diễn đàn. |
Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là các đơn vị trực tiếp quản lý, giáo dục trẻ em tiếp tục quan tâm lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của trẻ em. Từ đó, đề ra các chương trình, kế hoạch, biện pháp chăm lo, giáo dục trẻ em.
Đồng thời, cần phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích nhằm tạo sân chơi thú vị và nâng cao kỹ năng, kiến thức cho trẻ em. Các ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là tai nạn giao thông và đuối nước.
Bên cạnh đó cần trợ giúp kịp thời, có hiệu quả các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực trong gia đình, có nguy cơ bị xâm hại và bị vi phạm quyền trẻ em. Tiếp tục quan tâm, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và xã hội hóa, chăm lo cho trẻ em và trẻ em ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn nói riêng.