Ngày hè, chung tay dạy bơi cho trẻ

NDO - Gần đây, tại các tỉnh miền trung, trong đó có Quảng Bình xảy ra 1 số vụ đuối nước làm nhiều học sinh tử vong. Nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước thương tâm là do trẻ không biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng về an toàn trong môi trường nước. Vì vậy, việc phổ cập bơi, trang bị những kỹ năng cơ bản là biện pháp quan trọng nhằm phòng, chống đuối nước, bảo đảm an toàn cho trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Kỹ thuật viên của Công ty du lịch Chua me đất dạy bơi cho trẻ em ở thị trấn Phong Nha.
Kỹ thuật viên của Công ty du lịch Chua me đất dạy bơi cho trẻ em ở thị trấn Phong Nha.

Nguy cơ đuối nước rình rập

Vào những ngày nắng nóng này, đi dọc các con sông hoặc bãi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, không khó để bắt gặp hình ảnh các em nhỏ rủ nhau tắm, đùa giỡn dưới nước.

Giữa trưa nắng, nhiều nhóm trẻ em tắm sông nhưng không có người lớn đi cùng, cũng không có ai giám hộ. Năm học vừa kết thúc là thời điểm trẻ em được tự do vui đùa thì việc tự ý rủ nhau đi tắm sông, biển là chuyện bình thường nên dễ dẫn đến nguy cơ đuối nước.

Có thể nói, ở thành thị, các bậc phụ huynh đã ý thức hơn trong việc trang bị kỹ năng bơi cho trẻ khi chủ động đưa con em mình đi học bơi.

Ở vùng nông thôn, miền núi, do điều kiện sống còn khó khăn, bố mẹ đang lo mưu sinh nên việc cho con em học bơi chưa được quan tâm.

Phần lớn các em tự học bơi khi tiếp xúc với sông, suối, biển mỗi ngày. Vì vậy, đi đôi với việc sớm thuần thục kỹ năng bơi là những hiểm nguy rình rập khi không có người lớn đi cùng.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, phần lớn các vụ đuối nước xảy ra ở vùng nông thôn, miền núi và nạn nhân chủ yếu ở trong gia đình có bố, mẹ đi làm ăn xa.

Ngày hè, chung tay dạy bơi cho trẻ ảnh 1

Dạy bơi cho học sinh ở thành phố Đồng Hới.

Giữa tháng 5 này, dư luận ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình không khỏi xót xa khi nạn nhân bị đuối nước tử vong là bé gái học lớp 4 ở xã Hóa Thanh có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Ba mẹ đã ly hôn nên cháu ở với ông bà ngoại, nhưng hiện cả 2 ông bà mắc bệnh nặng đang điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Cháu ở nhà 1 mình rồi theo nhóm bạn đi tắm khe nên hậu quả đau lòng đã xảy ra.

Theo ngành chức năng, hiện, tỷ lệ trẻ em được học bơi, học kỹ năng an toàn dưới nước tại Quảng Bình vẫn còn thấp. Ngoài ra, thiếu giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm, như sông, biển, khe suối...

Mặt khác, hiện nay, môi trường sống ngay trong từng gia đình và cộng đồng dân cư chưa an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Đó là, các hố bom, giếng cạn, các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư; hố công trình không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm.

Dạy bơi cho trẻ khi có thể

Ở thành phố Đồng Hới, mới đầu hè, nhiều giáo viên thể chất đã lập nhóm rồi hợp đồng với các khách sạn, khu nghỉ dưỡng sử dụng bể dạy bơi cho trẻ với nhiều khung giờ linh hoạt.

Tại bể bơi khách sạn Hải Đăng, xã Bảo Ninh, Câu lạc bộ bơi lội Hải Đăng đã tổ chức lớp học bơi an toàn.

Anh Bùi Hải Tuấn, giáo viên dạy bơi chia sẻ: “Với mục tiêu giảm thiểu việc trẻ em bị đuối nước thương tâm, kể từ năm 2015 đến nay, Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ. Các em được trang bị những kiến thức, lý thuyết bơi và thực hành kỹ thuật bơi sải, bơi ngửa, bơi ếch và các kỹ năng phòng, tránh đuối nước; các phương pháp cứu đuối, sơ cấp cứu người bị nạn”.

Nếu việc dạy bơi ở thành phố Đồng Hới có nhiều thuận lợi thì ở vùng nông thôn, miền núi lại gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất. Sông, suối, hồ nước tự nhiên có nhiều nhưng không phải nơi nào cũng bảo đảm an toàn để tổ chức dạy bơi.

Trong khi đó, phần lớn bố mẹ của trẻ ở vùng nông thôn, miền núi đi làm ăn xa nên việc đưa đón, trông giữ con em đi học bơi là điều không thể. Trong bối cảnh đó, ở nhiều địa phương Quảng Bình đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo để dạy bơi cho học sinh.

Ngày hè, chung tay dạy bơi cho trẻ ảnh 2

Giáo viên thể chất ở Lệ Thủy dạy bơi cho học sinh trong bể bơi của nhà trường.

Vừa nghỉ hè, Trường tiểu học Mai Thủy, huyện Lệ Thủy tổ chức các lớp dạy bơi an toàn và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho hơn 100 học sinh. Giáo viên dạy bơi Hoàng Văn Diện cho biết, để dạy cho học sinh nắm vững kiến thức và bơi thuần thục, suốt cả các buổi học, giáo viên đều phải dầm mình trong nước để hướng dẫn kỹ từng động tác bơi, uốn nắn từng thao tác chưa đạt, động viên các em không nản để thực hành đạt yêu cầu.

Nhờ chú trọng công tác dạy bơi nên từ chỗ tỷ lệ học sinh biết bơi của trường chỉ đạt 5,9% trong năm học 2017-2018 thì nay tăng lên gần 90%.

Nhờ chú trọng công tác dạy bơi nên từ chỗ tỷ lệ học sinh biết bơi của trường chỉ đạt 5,9% trong năm học 2017-2018 thì nay tăng lên gần 90%.

Là một trong 2 trường học ở huyện Tuyên Hóa có bể bơi, hè này, Trường tiểu học Bắc Sơn, xã Thanh Hóa vừa mở khóa học bơi miễn phí cho hơn 400 học sinh trong xã và các vùng lân cận.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Ngọc, bể bơi của nhà trường được các nhà hảo tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ hơn 5 năm nay. Năm nào trường cũng tổ chức dạy bơi miễn phí nhằm tránh việc các em xuống khe, suối, ao tắm bị đuối nước, góp phần giảm thiểu tối đa các trường hợp tai nạn về nước ở vùng miền núi.

Hè 2023, Công ty du lịch Chua Me Đất phối hợp các địa phương ở 2 huyện Bố Trạch và Minh Hóa tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho khoảng 800 em từ 8-15 tuổi sống ven sông Son và sông Rào Nan. Khóa học gồm 15 buổi, được tổ chức ngay tại bờ sông Son và sông Nan.

Đến với lớp học, ngoài phần lý thuyết để giúp nâng cao nhận thức về môi trường nước, quy tắc an toàn trong khi tiếp xúc trong môi trường nước, các em được thực hành các kiểu bơi đa dạng và kỹ năng sống sót cá nhân. Kết thúc khóa học sẽ có một buổi kiểm tra kỹ năng bơi lội của các em.

Ngày hè, chung tay dạy bơi cho trẻ ảnh 3
Hội từ thiện Vinaconex và những người bạn (Hà Nội) tặng 6 bể bơi di động
cho các trường ở Quảng Bình.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Quảng Bình Lê Phú Sơn, bơi là môn thể thao hữu ích, tạo điều kiện cho trẻ rèn luyện sức khỏe, nâng cao kỹ năng sống. Tuy nhiên hoạt động dạy bơi cho học sinh ở trường học còn gặp nhiều khó khăn như thiếu bể bơi, một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc cho con mình đi học bơi, nhất là ở vùng nông thôn.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành, cộng đồng, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Điều quan trọng và phải thực hiện tốt là việc xã hội hóa trang bị bể bơi trong trường học nhằm bảo đảm cơ sở vật chất để triển khai hoạt động dạy bơi cho trẻ em.

Hằng năm, ngành phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước. Từ lễ phát động, phong trào tập luyện môn bơi đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại những hiệu ứng tích cực trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Quảng Bình hiện có 70 bể bơi ở các trường học, trong đó có 67 bể bơi đủ các điều kiện. Huyện Lệ Thủy là đơn vị có số bể bơi cao nhất (23 bể), tiếp tới là huyện Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới. Giữa tháng 5 này, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình phối hợp Hội từ thiện Vinaconex và những người bạn (Hà Nội) tổ chức trao tặng 6 bể bơi di động cho các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh.