Đọc những tin tức như thế, xót xa vô cùng. Ở các địa phương, trẻ tắm sông, tắm suối như là một thú vui hằng ngày. Nếu được hướng dẫn rèn kỹ năng bơi thành thạo thì niềm vui hè của trẻ sẽ trọn vẹn hơn.
Ở khu vực Đông Nam Bộ, dù được xem là vùng có sự phát triển năng động, trẻ có nhiều điều kiện để tiếp cận việc học bơi sớm nhưng thực tế không thuận lợi như vậy.
Đến nay, các đơn vị chức năng, ngành giáo dục vẫn chưa có con số chính thức nào về tỷ lệ trẻ chưa biết bơi. Tại Việt Nam, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ từ 5-14 tuổi. Trong giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ tử vong do đuối nước, cao nhất ASEAN và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Thống kê này khiến nhiều người hoảng hốt và đau lòng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương có đến 1,9 triệu trẻ em, tuy những thông tin về trẻ đuối nước không xuất hiện nhiều nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trẻ em không cần học bơi. Biết bơi là một trong những kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất của con người. Việc trẻ biết bơi từ nhỏ sẽ giúp các em trang bị hành trang tự tin để trải nghiệm cuộc sống.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm chương trình phổ cập bơi cho học sinh (từ năm 2010). Tuy nhiên, trong điều kiện xây dựng hồ bơi tại trường học, địa điểm công cộng còn hạn chế, đến nay tỷ lệ trẻ em biết bơi vẫn chỉ ở mức khiêm tốn: chưa đạt 50%.
Một số địa phương chú trọng công tác phổ cập bơi đã triển khai các chương trình dạy bơi miễn phí cho trẻ. Nhiều hồ bơi tổ chức các khóa học bơi mùa hè.
Song như đã nêu, tỷ lệ trẻ em tham gia vẫn ở mức khiêm tốn. Mới đây, khi bước vào hè, nhiều người hẳn rất thích thú khi đọc tin “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên, cựu vận động viên nổi tiếng của đội tuyển bơi quốc gia trực tiếp hướng dẫn các kỹ thuật bơi cho hàng trăm trẻ em ở huyện Bình Chánh. Những hoạt động mang tính thực tiễn và có tính lan tỏa cao như vậy, cần được các cơ quan chức năng, các nguồn lực xã hội quan tâm, thực hiện nhiều hơn nữa.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác, trước những nguy cơ trẻ bị đuối nước, nhận thức của phụ huynh, cộng đồng đã có những thay đổi. Nhiều trường học mở lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh, nhiều địa phương khởi công xây dựng bể bơi và đưa các trung tâm dạy bơi vào hoạt động… là những tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực phổ cập bơi cho trẻ.
Tuy nhiên, ở các địa phương vùng nông thôn của Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, tỷ lệ trẻ em chưa được tiếp cận kỹ năng bơi thông qua việc hỗ trợ của giáo viên vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc trẻ luôn đối mặt với những nguy cơ đuối nước trong cuộc sống hằng ngày.
Trong khi các nguồn lực của chính quyền địa phương chưa được như kỳ vọng, việc phổ cập bơi cho trẻ cần sự chung tay từ cộng đồng, các mô hình xã hội hóa để nâng cao tỷ lệ trẻ biết bơi, giảm thiểu con số tử vong thương tâm. Khi được tiếp cận các kỹ thuật bơi bài bản, trẻ không chỉ tự cứu mình mà còn có thể đủ tự tin, tỉnh táo để thực hiện các biện pháp hỗ trợ khi phát hiện những trường hợp khác bị đuối nước.
Do đó, song song với việc phát triển các mô hình dạy bơi, cần tăng cường mở các lớp hướng dẫn sơ cấp cứu người bị đuối nước để ứng cứu kịp thời, đúng kỹ thuật. Ngoài ra, để các em được hưởng thụ một mùa hè đầy vui tươi, ý nghĩa thực sự, gia đình, các cơ quan chức năng cũng cần tổ chức các hoạt động truyền thông để giáo dục trẻ tuyệt đối không chơi đùa gần hồ, sông, suối, khu vực nguy hiểm dễ xảy ra đuối nước; không được chủ quan khi xuống nước; chỉ được phép bơi lội khi có sự giám sát của người lớn và phương tiện cứu hộ.