Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần phù hợp nhu cầu xã hội

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đạt những kết quả đáng ghi nhận, với 89,61% số người học nghề có việc làm. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc tổ chức đào tạo nghề vẫn chưa phù hợp nhu cầu của người học, chưa gắn xu hướng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cũng như nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đây là những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Nghệ nhân huyện Thường Tín trình diễn làm sản phẩm sơn mài.
Nghệ nhân huyện Thường Tín trình diễn làm sản phẩm sơn mài.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, thời gian qua, công tác điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thành phố quan tâm, chỉ đạo.

 Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 76.203 người. Tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đạt 89,61%. Trong đó, tỷ lệ lao động được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng chiếm 10,71%; doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm chiếm 10,93%; tỷ lệ lao động sau học nghề tự tạo việc làm chiếm 77,64%. Đáng lưu ý, số lao động thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp chiếm 0,72%.

Một số địa phương áp dụng mô hình đào tạo thí điểm đã thu hút được nhiều lao động tham gia học nghề và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tiêu biểu như mô hình đào tạo may công nghiệp tại các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, cho mức thu nhập của người lao động bình quân từ 2,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng; mô hình nghề sản xuất mây, tre, giang đan tại huyện Chương Mỹ phối hợp đào tạo với doanh nghiệp cho thu nhập bình quân của người lao động 4 triệu đồng/tháng; mô hình đào tạo nghề trồng cây ăn quả, nấm ăn, nấm dược liệu tại các huyện: Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì… cho thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng...

Tuy nhiên, qua khảo sát công tác này tại các địa phương, HĐND thành phố Hà Nội nhận thấy, việc rà soát, đề xuất bổ sung danh mục các nghề đào tạo, chương trình đào tạo chưa được cập nhật thường xuyên, dẫn đến một số nghề mới, cần thiết, nhưng chưa có trong danh mục đào tạo, cho nên chưa thực hiện được. Thời gian đào tạo theo chương trình đào tạo sơ cấp được thành phố phê duyệt ba tháng tại một số địa phương chưa phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Chính sách tín dụng sau học nghề còn nhiều khó khăn, cho nên số lao động nông thôn sau học nghề có nhu cầu vay vốn, nhưng nguồn vốn vay chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho vay giải quyết việc làm cho người lao động. Vì thế, kết quả sau đào tạo nghề chưa được như mong muốn...

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ trì phối hợp các sở, ngành, đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu UBND thành phố điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh chính sách đối với người học nghề và các chính sách không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Các sở, ngành, đơn vị cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời danh mục nghề đào tạo cho phù hợp nhu cầu người lao động và thực tế của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố kiến nghị với Trung ương về thời gian đào tạo nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp cho phù hợp với thực tế; ban hành các cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...