Tổng mức bán lẻ hàng hóa của Hà Nội tăng hơn 25%

 Năm 2022, sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu…trên địa bàn Hà Nội đã có bước tăng trưởng đáng kể, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng 8,89% GRDP của toàn thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân của Sở Công thương Hà Nội có thành tích xuất sắc trong năm 2022.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân của Sở Công thương Hà Nội có thành tích xuất sắc trong năm 2022.

Năm 2022, Sở Công thương Hà Nội đã tích cực tham mưu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại… trên địa bàn thành phố.

Sở đã tổ chức 45 sự kiện kích cầu nội địa; phát triển thêm hơn 20 điểm bán sản phẩm OCOP; triển khai các nội dung Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" … Các sự kiện đã được tổ chức với nhiều hình thức, nội dung đa dạng phong phú.

Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt 8,03%, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch là tăng từ 7,3 đến 7,8% (năm 2021 tăng 5,37%), đóng góp 1,14 điểm % vào mức tăng 8,89% của GRDP. Khu vực dịch vụ năm 2022 có nhiều khởi sắc khi thành phố cùng doanh nghiệp triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải… trong trạng thái bình thường mới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 697,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so năm 2021, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch là tăng từ 9 đến 10%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa của Hà Nội tăng hơn 25% ảnh 1

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân của Sở Công thương Hà Nội có thành tích xuất sắc trong năm 2022.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Công thương, các đơn vị trong ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

Cụ thể, tiếp tục bám sát thực hiện tốt 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy và các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố giao cho Sở theo các lĩnh vực: công nghiệp, khuyến công, thương mại nội địa, thương mại điện tử, logistics, an toàn thực phẩm, xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế...

Tập trung rà soát, hoàn thành các Phương án phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp, điện, thương mại, logistics để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Có giải pháp cụ thể để phát triển công nghiệp; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư để có những dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất. Có giải pháp, lộ trình cụ thể để khởi công 34 cụm công nghiệp mới được thành lập trong giai đoạn 2018-2020; nâng cao hiệu quả của 70 cụm công nghiệp đang hoạt động …

Sở Công thương Hà Nội cần tập trung đẩy mạnh công tác Hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường, tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững. Thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai; tham mưu các giải pháp để tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn, ổn định cung cầu hàng hóa. Thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại hiện đại, phát triển và quản lý loại hình thương mại điện tử… để phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế.