Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về công thương năm 2020; triển khai kế hoạch năm 2021 vào chiều 12-1, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19, ngành công thương Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đạt những kết quả đáng ghi nhận.
So với năm 2019, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,39%; nhóm ngành dịch vụ tăng 3,29%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 3.060,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9%; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn năm 2020 ước đạt 16 tỷ USD tăng 1,8%... Tính chung giá trị tăng thêm sản xuất công nghiệp và hoạt động bán buôn, bán lẻ đóng góp khoảng 1,5 điểm phần trăm vào mức tăng 3,98% GRDP của TP Hà Nội, chiếm khoảng 38%.
Trong bối cảnh ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, ngành công thương Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, đóng góp vào thành tích chung của thành phố trong thực hiện tốt mục tiêu “kép”, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Chương trình khuyến mại tập trung, kế hoạch kích cầu tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ; khai trương các điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn…
Sở đề ra các giải pháp hỗ trợ giảm lượng hàng tồn kho, thúc đẩy tăng chỉ tiêu xuất khẩu; Tổ chức các sự kiện mới như Made in Việt Nam; Ngày không dùng tiền mặt; Hà Nội đêm không ngủ; thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới với Amazon, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp qua sàn TMĐT, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế hình thức mua sắm truyền thống (trực tiếp) trong phòng chống dịch Covid -19....
Năm 2021, ngành công thương Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9% so với năm trước (cao gấp hơn 1,8 lần năm 2020); kim ngạch xuất khẩu tăng 5% (cao gấp gần 2,8 lần năm 2020); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7-8% (gấp gần 3 lần năm 2020); tỷ lệ cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đạt 95%.
Đồng thời, phấn đấu khởi công xây dựng 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, trong đó hoàn thành ít nhất 20 cụm công nghiệp; phát triển thêm ba trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, 26 chợ và cải tạo 77 chợ; từ 30 đến 40 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Công thương và toàn ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt việc xây dựng Kế hoạch, thực hiện hiệu quả năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” của thành phố Hà Nội gắn với các chương trình công tác trọng tâm, 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy và các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội giao cho ngành.
Trong đó, thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu phát triển, mở rộng thị trường, chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyên công trên địa bàn; chủ động rà soát các quy hoạch ngành công thương gắn với quy hoạch xây dựng chung Thủ đô, quy hoạch vùng huyện…, cùng thành phố tập trung thực hiện tốt mục tiêu “kép”, vừa đảm bảo phòng chống đại dịch Covid- 19 vừa phát triển kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững.