Tôn vinh cống hiến nghệ nhân người dân tộc thiểu số

NDO - Nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Dự án 6), tỉnh Gia Lai vừa quyết định hỗ trợ kinh phí để trao truyền văn hóa truyền thống và đào tạo bồi dưỡng thế hệ kế cận cho bốn Nghệ nhân Ưu tú là người dân tộc người Ba Na và Jrai .
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih đã mang nhiều loại dân tộc thiểu số Tây Nguyên giới thiệu tại nhiều sân khấu âm nhạc dân gian trong nước và quốc tế. (Ảnh: Hoàng Ngọc)
Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih đã mang nhiều loại dân tộc thiểu số Tây Nguyên giới thiệu tại nhiều sân khấu âm nhạc dân gian trong nước và quốc tế. (Ảnh: Hoàng Ngọc)

Các nghệ nhân được hỗ trợ gồm: nghệ nhân chỉnh chiêng A Lip (làng Groi Wêt, xã Glar, huyện Đắk Đoa); nghệ nhân chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc Rơ Châm Tih (làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai); nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng Đinh Văn Hmưnh (làng Mơ Hra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang); nghệ nhân thực hành lễ hội truyền thống Rơ Ô Bhung (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa). Mỗi nghệ nhân được hỗ trợ 52 triệu đồng.

Đây là sự ghi nhận, tôn vinh sự đóng góp; đồng thời là sự động viên, khuyến khích đối với các nghệ nhân-những “báu vật nhân văn” có thêm nhiều hoạt động, sáng tạo và trao truyền di sản văn hóa cho các thế hệ kế cận.

Đã hàng chục năm nay, nghệ nhân A Lip tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên của huyện Đắk Đoa và một số địa phương lân cận như Chư Sê, Chư Păh. Ông còn được nhiều đơn vị trường học có đông học sinh người dân tộc thiểu số mời dạy cồng chiêng, giúp thế hệ trẻ có sự hiểu biết và tình yêu với văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân A Lip sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn K’ni, T’rưng, Krông pút, Goong. Ông là một trong số ít các nghệ nhân biết chế tác và sử dụng chiêng tre - loại nhạc cụ cổ truyền, xuất hiện từ rất sớm ở Tây Nguyên. Ông tự bỏ tiền mua 2 bộ chiêng, sở hữu bộ sưu tập các loại nhạc cụ truyền thống để thỏa niềm đam mê, đồng thời truyền dạy cho mọi người.

Bên cạnh đó, nghệ nhân A Lip hiện đang nhận nuôi và truyền dạy văn hóa cho một số trẻ mồ côi. Đối với cộng đồng, ông được bà con rất quý mến, cảm phục vì thường xuyên hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho những gia đình khó khăn trong làng. Vì vậy, việc hỗ trợ kinh phí cho nghệ nhân là sự động viên tinh thần rất lớn để ông tiếp tục cống hiến vì cộng đồng.

Với nghệ nhân Đinh Văn Hmưnh, hàng chục năm qua vẫn âm thầm truyền dạy cồng chiêng cho nhiều thanh thiếu nhi trong làng. Ông đứng ra thành lập các đội chiêng tập luyện và tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội. Nhờ vốn hiểu biết và tài ăn nói, ông tham gia tích cực vào hoạt động du lịch cộng đồng của làng, giới thiệu đến du khách những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của người Ba Na.

Chị Trần Thị Bích Ngọc, công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng (Kbang) cho biết: “Các đội cồng chiêng hiện nay của làng Mơ Hra Đáp đều nhờ công của già Hmưnh. Ông chăm chút, uốn nắn từng động tác cho các cháu nhỏ từ khi chưa biết gì đến khi trình diễn thành thạo, vậy nên các đội chiêng của Mơ Hra Đáp thường đạt giải cao trong các hội thi, liên hoan cồng chiêng. Ông còn là người biết chế tác và chơi đàn ting ning rất giỏi”.

Trong số những “báu vật nhân văn” ở Gia Lai, anh Rơ Châm Tih là nghệ nhân tham gia “xuất khẩu văn hóa” nhiều nhất. Chế tác và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa, anh đã nhiều lần được mời sang các nước để biểu diễn, giới thiệu âm nhạc dân tộc, bản sắc văn hóa Jrai ra thế giới. Nghệ nhân Rơ Châm Tih đã được mời đi biểu diễn giao lưu văn hóa, giới thiệu âm nhạc dân tộc tại Úc (3 lần), Phần Lan, Anh, Campuchia, Hàn Quốc.

Dưới sự chỉ dạy của nghệ nhân tài hoa Rơ Châm Tih, nhiều thế hệ học trò đã biết chế tác, biểu diễn thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống. Ngôi nhà sàn của nghệ nhân hiện đã trở thành lớp học âm nhạc và chế tác nhạc cụ của nhiều người có chung đam mê. Dù bất cứ là ai, kể cả những người nước ngoài yêu mến văn hóa Tây Nguyên tìm đến, đều được nghệ nhân Rơ Châm Tih hướng dẫn chỉ dạy với tất cả tâm huyết, tình yêu lẫn niềm tự hào của anh về văn hóa dân tộc.

Anh Rơ Châm Tih chia sẻ: “Tôi rất cảm kích trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Tôi sẽ dùng kinh phí được hỗ trợ để mua thêm một số dụng cụ như máy cắt để hỗ trợ làm các nhạc cụ truyền thống, giúp công việc dễ dàng, đỡ vất vả hơn, thu hút nhiều em đến học hơn. Lâu nay, nhiều em muốn học chế tác nhạc cụ nhưng thấy mình làm thủ công khó quá nên bỏ cuộc”.

Nghệ nhân lớn tuổi nhất được hỗ trợ kinh phí là già làng Rơ Ô Bhung. Ông là một trong số ít người còn nắm giữ tri thức dân gian để thực hành trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai, góp phần làm nên đời sống văn hóa đầy màu sắc, kỳ vĩ của cư dân vùng hạ du sông Ba.

Nếu trước đây, các Pơtao Apui (Vua Lửa) có quyền năng hô mưa gọi gió trong lễ cầu mưa thì bây giờ, vai trò ấy do nghệ nhân Bhung thực hiện. Ông còn biết chỉnh chiêng, thuộc và hát nhiều bài dân ca cổ, chơi thành thạo nhạc cụ dân tộc. Với tất cả những tri thức và vốn sống đó, ông đang trao truyền cho thế hệ trẻ Jrai qua các lớp truyền dạy chỉnh chiêng, đánh cồng chiêng, những bài nhạc chiêng và nghệ thuật trình diễn. Đó những yếu tố cấu thành không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: “Những đóng góp quan trọng của đội ngũ nghệ nhân giúp nguồn mạch văn hóa được gìn giữ, tiếp nối, trao truyền và không ngừng phát triển. Với nguồn kinh phí hỗ trợ lần này, các nghệ nhân có thêm động lực để tiếp tục đóng góp tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo trong việc truyền dạy vốn quý văn hóa cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ”.