Tội phạm giảm nhưng chưa yên tâm

Sau hơn một tháng cao điểm ra quân tiến công, trấn áp tội phạm, số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố đã giảm được 20%. Đây là tỷ lệ rất đáng kể, nhưng so với hàng trăm vụ vi phạm phát luật hình sự xảy ra trong thời gian qua, tình hình tội phạm ở thành phố vẫn còn rất phức tạp, người dân chưa thể yên tâm.

Đạt được kết quả nêu trên là do Công an thành phố đã tăng cường lực lượng, phương tiện, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ; tổ chức nhiều đội tuần tra liên tục trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm; kịp thời phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng khi chúng vừa thực hiện hành vi phạm tội; triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm... Khi lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, mở chiến dịch truy quét, trấn áp thì các băng, nhóm trộm cắp, cướp giật tạm thời co lại hoặc chuyển sang hoạt động trên các địa bàn khác. Tuy nhiên, khi gặp cơ hội bọn chúng nhanh chóng ra tay, thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. Thực tế cho thấy, để kiềm chế, đẩy lùi tội phạm, việc huy động lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra, kiểm soát trên đường phố, khu vực trọng điểm, địa bàn phức tạp và các biện pháp nghiệp vụ khác của lực lượng cảnh sát là rất cần thiết, nhưng chưa đủ, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Điều đó cho thấy, công tác phòng, chống tội phạm cần phải có các giải pháp đồng bộ, huy động được nhiều lực lượng cùng đông đảo người dân tham gia.

Khi tổng kết, đánh giá tình hình vi phạm pháp luật hằng năm, Công an thành phố, các quận, huyện thường thống kê số vụ phạm pháp hình sự; so sánh tỷ lệ so với cùng kỳ những năm trước; phân chia từng loại tội phạm; đánh giá mức độ nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng... mà chưa phân tích thấu đáo để tìm ra các nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hành vi phạm tội, nhất là tìm hiểu nguyên nhân phạm tội của các đối tượng tuổi đời còn trẻ, từ đó đề ra các biện pháp phòng ngừa một cách căn cơ, hiệu quả. Đa số tội phạm cướp, cướp giật là những đối tượng còn rất trẻ, gia đình buông lỏng quản lý giáo dục, không tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh, muốn có nhiều tiền để ăn chơi, mua sắm nhưng không chịu lao động. Có thể nói đây là một bộ phận thanh niên thiếu ý thức, trách nhiệm, lệch lạc nhân cách, rất cần được giáo dục, chấn chỉnh. Chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp nghiên cứu tìm các giải pháp phù hợp tiếp cận vận động, giáo dục các đối tượng này, hướng họ vào những hoạt động có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Phân loại tội phạm trong thời gian qua cho thấy, số vụ phạm tội cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó nhiều đối tượng từng có tiền án, tiền sự, bị phạt tù, nhưng khi chấp hành xong hình phạt trở về gia đình lại tái phạm. Trong số đối tượng phạm tội cướp giật, phần lớn vướng vào tệ nạn ma túy, tái nghiện nhiều lần. Điều đó cho thấy, để ngăn chặn, kéo giảm tình trạng trộm cắp, cướp giật cần phải có các biện pháp phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, quản lý người nghiện hiệu quả hơn; hạn chế phát sinh người nghiện mới. Tuy nhiên, thời gian qua, việc lập hồ sơ, đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý người nghiện ma túy tại cộng đồng cũng chưa thật sự hiệu quả…

Đấu tranh phòng, chống tội phạm đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, không nên chỉ tập trung, ra quân cao điểm trong một thời gian nhất định. Có như vậy mới ngăn chặn, đẩy lùi được tội phạm, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân.