Bắc Ninh đề ra 3 quyết tâm chính trị, 17 chỉ tiêu chủ yếu, 10 nhiệm vụ và giải pháp, nỗ lực khắc phục khó khăn, tồn tại, tranh thủ thời cơ để thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội trong năm 2024.
Tận dụng tối đa nguồn lực để lấy lại đà phát triển
Đồng chí Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đánh giá: Là tỉnh có cơ cấu kinh tế vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn, năm 2023 Bắc Ninh đã chịu tác động trực tiếp và bị sụt giảm sâu.
GRDP giảm 9,28% so với năm 2022; 8/17 chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2023 chưa hoàn thành kế hoạch. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung gặp nhiều khó khăn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư thấp, thu hút đầu tư trong nước giảm...
Mặc dù vậy, tỉnh đã rất nỗ lực để đạt được một số kết quả tích cực như hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển tốt, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 8,5%.
Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn vượt 9,5% so kế hoạch; thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp vượt 16,7% so kế hoạch, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 60,3% (vượt 15,3% so với kế hoạch, cao hơn 18,5% so với bình quân chung cả nước). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh được giữ vững; đời sống nhân dân ổn định, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn.
Các khách mời, đại biểu dự phiên khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh. |
Đây là những điểm sáng để Bắc Ninh tiếp tục phát huy đồng thời cũng là động lực để tỉnh nỗ lực hơn nữa, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa nguồn lực để lấy lại đà phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 đã đề ra- đồng chí Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh.
Trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều biến động, năm 2024, tỉnh Bắc Ninh dự báo tình hình trong nước và trên địa bàn còn nhiều khó khăn hơn, thách thức rất lớn. Đặc biệt là khi kinh tế Bắc Ninh có độ mở lớn nhưng năng lực nội tại còn thấp; thị trường bất động sản, sản xuất công nghiệp điện tử; thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp FDI gặp khó khăn.
Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu cũng chỉ rõ một số yếu tố lợi thế so sánh của Bắc Ninh đang giảm dần vai trò; các vấn đề về ô nhiễm môi trường, chi phí mặt bằng, đầu tư kinh doanh gia tăng; nguồn thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất, thuế môi trường, giải phóng mặt bằng khó khăn là những thách thức đối với sự phát triển.
Xây dựng và phát triển toàn diện các giá trị văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc
Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, với truyền thống đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất, năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đề ra 3 quyết tâm chính trị, 17 chỉ tiêu chủ yếu, 10 nhiệm vụ và giải pháp, nỗ lực khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ để thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Theo đó, bước sang năm 2024, căn cứ vào Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, kết quả thực hiện các mục tiêu năm 2023, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 5-6% so với ước thực hiện năm 2023; thu nhập bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng, tăng 22,8%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 75,830 triệu USD, tăng 3% so với ước thực hiện năm 2023. Thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp đạt 1.100 triệu USD, giảm 21,4% so với ước thực hiện 2023.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 31.237 tỷ đồng, tăng 11,7% so với ước thực hiện năm 2023. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 70 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 79%...
Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết tại kỳ họp. |
Để đạt được các mục tiêu trên, Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực cạnh tranh của làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp, xây dựng chương trình, chính sách chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, thúc đẩy các hoạt động tài chính ngân hàng đáp ứng nguồn vốn cho phát triển.
Song song với đó, tỉnh sẽ tập trung triển khai hiệu quả nội dung Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị và các quy hoạch phân khu. Cùng với đó huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; từng bước hoàn thiện theo đúng lộ trình các tiêu chí của đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương.
Với mục tiêu giữ vững vị trí trong nhóm 10 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người (HDI), tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng xây dựng và phát triển toàn diện các giá trị văn hóa, con người Bắc Ninh-Kinh Bắc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, khu vực và đối tượng dân cư.
Đáng chú ý, Bắc Ninh sẽ tập trung kiện toàn, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, tạo động lực để cán bộ, công chức khát khao làm việc, hành động quyết liệt, đáp ứng yêu cầu phát triển. Mặt khác, tỉnh tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm một số nội dung công việc khó, mới, tồn động, kéo dài, phức tạp ở các địa phương đơn vị.