Tin vắn

Hải Phòng đứng thứ ba cả nước về đổi mới sáng tạo
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và đời sống tới các doanh nghiệp, người dân tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng.
Giới thiệu ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và đời sống tới các doanh nghiệp, người dân tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng.

Thành phố Hải Phòng vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá xếp hạng thứ ba cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII-Provincial Innovation Index) năm 2023 và đứng thứ hai vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo đó, PII của Hải Phòng đạt 52,32 điểm, sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, điểm đầu vào đổi mới sáng tạo đạt 56,45 điểm và điểm đầu ra đổi mới sáng tạo đạt 48,20 điểm. Đáng chú ý, thành phố dẫn đầu về chính sách thúc đẩy khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đứng thứ hai cả nước về thể chế. Hải Phòng đang tập trung nâng cao chất lượng nhân lực nghiên cứu và phát triển; xây dựng thương hiệu; phát triển cụm công nghiệp công nghệ cao và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp.

Hà Nam thực hiện 76 mô hình cánh đồng mẫu

Vụ xuân năm 2024 là năm thứ 10 các địa phương trong tỉnh Hà Nam tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng mẫu, với 76 mô hình, tổng diện tích hơn 2.067 ha. So với vụ xuân năm 2023, số lượng cánh đồng mẫu năm nay tăng lên bốn mô hình, tổng diện tích của các cánh đồng mẫu tăng thêm gần 100 ha.

Cánh đồng mẫu đã được các địa phương quy hoạch gọn vùng, liền thửa, có hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa, tưới tiêu phục vụ sản xuất 3 vụ/năm hợp lý theo hướng: vụ xuân muộn-vụ mùa sớm, mùa trung-vụ đông hàng hóa. Nông dân được tổ chức liên kết theo phương thức hợp tác, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất, hạn chế rủi ro, giảm chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hầu hết các mô hình đều có quy mô từ 30 ha trở lên.

Thành lập Câu lạc bộ Nông dân xuất sắc tỉnh Thái Bình

Hội Nông dân tỉnh Thái Bình vừa tổ chức ra mắt Câu lạc bộ Nông dân xuất sắc với 34 thành viên. Đây là những hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có thu nhập hằng năm từ 200 triệu đồng trở lên. Câu lạc bộ hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tự nguyện, tự quản, hợp tác, tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành và sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần.

Đây là diễn đàn cho hội viên, nông dân trao đổi, học hỏi và tiếp thu những tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới; những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong thực tiễn hoạt động, thông qua đây thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Huyện miền núi Bình Liêu đạt chuẩn nông thôn mới

Đến hết năm 2023, huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) đạt chuẩn tất cả 19 tiêu chí, 36 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tất cả 6 xã của huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có hai xã Hoành Mô và Húc Động đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thị trấn Bình Liêu đáp ứng đủ điều kiện đô thị văn minh.

Ngày 6/2/2024, huyện Bình Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 148/QĐ-TTg công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Bình Liêu cũng là huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trong toàn quốc đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Tại lễ công bố huyện Bình Liêu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, điệu hát Soóng Cọ của cộng đồng người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cũng trong dịp này, huyện Bình Liêu đã khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu năm 2024.

Tin vắn ảnh 1

Phụ nữ Sán Chỉ ở xã Húc Động (huyện Bình Liêu) hát Soóng Cọ dưới chân thác Khe Vằn.

Bắc Ninh chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có tám vùng sản xuất rau quả, năm vùng sản xuất lúa an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích hơn 110 ha. Đáng chú ý, 40% số trang trại trên địa bàn thực hiện ứng dụng công nghệ cao; 25 trang trại tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; 17 trang trại sản xuất tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGAP. Nhiều cơ sở ứng dụng công nghệ tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất, quản lý đàn giống.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học trong một năm đầu; hỗ trợ tối đa 3 tỷ đồng/dự án đổi mới trang thiết bị, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/nhà lưới; hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, OCOP…

Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2025 có thêm từ 45-50 trang trại ứng dụng công nghệ cao, 30-35 trang trại liên kết theo chuỗi giá trị; đồng thời, tiếp tục chú trọng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp công nghệ cao.