Tưng bừng Lễ hội Khai bút đầu Xuân tại Hải Phòng

Trong dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc ở huyện Kiến Thụy và Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở huyện Vĩnh Bảo, hàng nghìn học sinh và người dân thành phố Hải Phòng đã tham dự Lễ hội Khai bút đầu Xuân mới.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Hải Phòng khai bút tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc. (Ảnh HỒNG NHUNG)
Học sinh Hải Phòng khai bút tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc. (Ảnh HỒNG NHUNG)

Lễ hội là hoạt động văn hóa tượng trưng cho sự khởi đầu tốt đẹp của năm mới, nhằm giáo dục, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc và tri ân công đức của Đức Mạc Thái Tổ và Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm... Lễ Khai bút tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã khai bút thực hiện chủ đề năm 2024 của Hải Phòng: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị-Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu-Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và chuyển đổi số”; các em học sinh khai bút với chủ đề “Ước mơ, mong muốn của bản thân về cuộc sống quanh mỗi chúng ta”.

Lễ Khai bút tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khởi đầu bằng chữ “Học” tượng trưng cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo tiếp tục phát triển, tiếp nối sự thành công trong năm mới.

Bắc Ninh phấn đấu, năm 2024 có thêm 50 sản phẩm OCOP được công nhận

Tại Bắc Ninh, chương trình OCOP đã thu hút sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp địa phương. Năm 2024, Bắc Ninh phấn đấu sẽ công nhận chuẩn hóa được ít nhất 50 sản phẩm OCOP trở lên, trong đó có ít nhất một sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Đồng thời, tỉnh phấn đấu có thêm năm hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 50 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP. Theo đó, có ít nhất 150 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất năm sản phẩm đạt 5 sao.

Năm 2023, Bắc Ninh có 102 sản phẩm của 40 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 93 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó 34 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 59 sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Lượng khách quốc tế đến Ninh Bình tăng cao trong dịp Tết

Trong bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 29 đến mồng 5 Tết), tỉnh Ninh Bình đón 596.000 lượt khách, tăng 50,1% so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (đón 397.058 lượt); trong đó, có hơn 115.000 lượt khách quốc tế, gấp 3,9 lần so với năm 2023 (29.500 lượt). Doanh thu đạt hơn 850 tỷ đồng, tăng 54,5% so với dịp Tết 2023.

Một số khu, điểm du lịch đón đông du khách là: Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc, Tràng An; chùa Bái Đính; khu phố cổ Hoa Lư; vườn chim Thung Nham. Đáng chú ý, dịp Tết năm nay, các điểm du lịch về đêm như chùa Bái Đính, phố cổ Hoa Lư, vườn chim Thung Nham, quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế... thu hút đông đảo du khách.

Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch được các cấp, ngành bảo đảm; không có tình trạng chen lấn, ép khách, xin tiền bo... Hình ảnh du lịch Ninh Bình được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công suất phòng bình quân dịp Tết đạt từ 80-85%, nhiều cơ sở lưu trú đạt công suất phòng 100% trong các tối mồng 3, mồng 4, mồng 5 Tết. Các đơn vị kinh doanh du lịch chấp hành nghiêm quy định về kinh doanh du lịch, thực hiện nghiêm việc niêm yết, bán theo giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ.

Năm 2024, Quảng Ninh có thêm 62 sản phẩm du lịch mới

Năm 2024, Quảng Ninh sẽ đưa vào khai thác 62 sản phẩm du lịch, góp phần gia tăng trải nghiệm và tăng khả năng chi tiêu của du khách, đưa du lịch Quảng Ninh trở thành điểm đến “Kỳ quan 4 mùa” của cả nước với mục tiêu đón 17 triệu lượt khách trong năm 2024.

Tưng bừng Lễ hội Khai bút đầu Xuân tại Hải Phòng ảnh 1

Sản phẩm du lịch mạo hiểm lặn biển ở Cô Tô ngày càng thu hút du khách.

Theo đó, khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long là 11 sản phẩm với các dịch vụ tàu tham quan, lưu trú có hành trình từ vịnh Hạ Long đến vịnh Bái Tử Long, tổ chức các dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước; sản phẩm du lịch văn hóa; trải nghiệm nuôi cấy, chế tác ngọc trai... Thành phố Hạ Long đưa ra chín sản phẩm: Phố đi bộ phong cách Hàn Quốc; tổ hợp vui chơi, giải trí ngọn Hải Đăng; phà du lịch Bãi Cháy; phiên chợ “Ký ức xưa”; du lịch cộng đồng tại các xã vùng cao. Huyện Vân Đồn dự kiến có 14 sản phẩm du lịch về chăm sóc sức khỏe, thể thao ngoài trời, bãi biển, tiệc cưới, du lịch MICE... Huyện đảo Cô Tô dự kiến có bảy sản phẩm khai thác tối đa lợi thế biển đảo, các khu vui chơi giải trí, du lịch chữa lành…

Các sản phẩm du lịch mới đa dạng, độc đáo, có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với phát huy giá trị thiên nhiên, con người, văn hóa và các tài nguyên du lịch nổi bật của Quảng Ninh, phù hợp với nhu cầu của du khách từ các thị trường khác nhau.