Vốn đầu tư nước ngoài tại Bắc Ninh tiếp tục tăng

Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại địa phương tiếp tục đà tăng trong hai tháng đầu năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00

Cụ thể, toàn tỉnh có thêm 78 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký (tăng 49 dự án, tăng 169% so với cùng kỳ). Nổi bật là dự án của Singapore đầu tư vào ngành sản xuất linh kiện điện tử với số vốn là 74,1 triệu USD và dự án của Samoa đầu tư vào ngành sản xuất các sản phẩm bằng kim loại với số vốn 36,2 triệu USD. Số vốn đăng ký mới của các dự án đạt 199,1 triệu USD (tăng 67,5 triệu USD, tức tăng 51,3%).

Tỉnh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 9 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng; cấp điều chỉnh cho 19 dự án đầu tư. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp 1.560 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 261.062 tỷ đồng.

Công bố mở Bến cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng

Cục Hàng hải Việt Nam vừa có Quyết định 226/QÐ-CHHVN công bố mở Bến cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT), thuộc Khu Bến cảng Lạch Huyện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng, để tiếp nhận tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài ra, vào hoạt động bốc dỡ hàng hóa và thực hiện các dịch vụ hàng hải khác có liên quan.

Bến cảng có tổng chiều dài 750m tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 DWT đầy tải và 145.000 DWT giảm tải với mớn nước phù hợp. Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng có trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải tại khu vực bến cảng, cầu cảng nêu trên và được thu các khoản phí theo quy định pháp luật.

Hà Nam thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Theo Quyết định 259/QÐ-UBND ngày 26/2, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam quyết định công nhận 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Ðến nay, tỉnh có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 57% tổng số xã đạt nông thôn mới trên toàn tỉnh. Trong đó, có 19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và 29 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Tỉnh chỉ đạo các xã được công nhận nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí để bảo đảm tính bền vững. Năm 2024, Hà Nam có 13 xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thái Bình sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2030, tỉnh Thái Bình có 28 xã thuộc các huyện: Ðông Hưng, Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải thuộc diện phải sắp xếp. Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan, các huyện có các xã thuộc diện sắp xếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.

Từ ngày 16-20/2/2024, Ủy ban nhân dân 28 xã này đã hoàn thành việc lập và niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, các điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, khu dân cư. Sau thời gian niêm yết danh sách cử tri tối thiểu 30 ngày, Ủy ban nhân dân các huyện sẽ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã tổ chức lấy ý kiến cử tri, thời gian hoàn thành trước ngày 25/3/2024. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân các huyện cũng căn cứ vào các hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh thực hiện rà soát, nắm thực trạng số lượng, chất lượng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở các xã thực hiện sắp xếp, trên cơ sở đó xây dựng phương án, lộ trình bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách.

Hải Dương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Hải Dương, tổng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024 của Hải Dương là 6.349,7 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm nay, kế hoạch vốn đã được các cấp triển khai, phân bổ cụ thể cho các dự án. Tuy nhiên, việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công gặp một số khó khăn, hạn chế. Ðến cuối tháng 2 toàn tỉnh mới giải ngân được hơn 366 tỷ đồng (đạt 5,8% kế hoạch) vốn giao. Ðể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan triển khai đồng bộ, đầy đủ các bước, quy trình; khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, tập trung giải quyết vấn đề liên quan đến quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu thi công. Các cơ quan, đơn vị chức năng bố trí cán bộ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu về số lượng, năng lực để thẩm định thủ tục, hồ sơ dự án được thuận lợi. Ðối với các dự án cấp huyện sử dụng nguồn vốn do tỉnh hỗ trợ và ngân sách cấp huyện phải bảo đảm triển khai đúng thời gian, tiến độ đề ra, không để tạo ra điểm nghẽn.