Hải Phòng thi hành kỷ luật 42 đảng viên

Trong quý I/2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã tập trung chỉ đạo cấp ủy các cấp triển khai kiểm tra 123 tổ chức đảng và 85 đảng viên, trong đó có 32 cấp ủy viên; giám sát 93 tổ chức đảng và 108 đảng viên, trong đó có 69 cấp ủy viên theo chương trình kiểm tra, giám sát năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00

Theo đó, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 42 đảng viên, trong đó có 2 cấp ủy viên với các hình thức: khiển trách 40 đảng viên, cảnh cáo 1 đảng viên và khai trừ khỏi đảng 1 người.

Riêng Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã kiểm tra 4 tổ chức đảng và 4 cấp ủy viên; xem xét, thi hành kỷ luật đối với 3 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý do vi phạm điều khiển phương tiện giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn.

Cùng với đó, Ủy ban kiểm tra các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã lập đoàn kiểm tra đối với 2 đảng viên trong tổng số 107 đơn thư phản ánh về đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tiếp nhận và xử lý 80 lượt đơn thư phản ánh về đảng viên.

Bắc Ninh công bố 47 dịch vụ công trực tuyến toàn trình

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa công bố danh mục 47 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (không sử dụng hồ sơ giấy) trên địa bàn, gồm 45 dịch vụ công cấp tỉnh của 13 đơn vị cấp sở và 2 dịch vụ công cấp huyện. Trong đó, Sở Giao thông vận tải là đơn vị có số dịch vụ công thực hiện trực tuyến nhiều nhất với 10 dịch vụ, tiếp đến là Ban Quản lý an toàn thực phẩm 8 dịch vụ, Sở Y tế có 6 dịch vụ, Sở Tư pháp 5 dịch vụ…

Đối với cấp huyện, 2 dịch vụ công được thực hiện trực tuyến đủ điều kiện không sử dụng hồ sơ giấy gồm: Cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc và cấp bản sao Trích lục hộ tịch.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nam cao nhất vùng Đồng bằng sông Hồng

Quý I/2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Nam ước đạt 10,98%. Đây là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 5 cả nước.

Thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục đạt kết quả tốt; trong quý I, số khách du lịch về tỉnh đạt gần 3 triệu lượt người (bằng 67,4% kế hoạch năm); tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 2.200 tỷ đồng (bằng 66,8% kế hoạch năm). Đời sống nhân dân ngày một nâng cao, an ninh-quốc phòng được giữ vững.

Hơn 6.300 hộ gia đình ở Quảng Ninh được vay vốn tín dụng

Hải Phòng thi hành kỷ luật 42 đảng viên ảnh 1

Nhiều hộ dân phát triển chăn nuôi gia cầm, vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay tín dụng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ cho 6.363 lượt hộ gia đình, người lao động trên địa bàn được vay vốn, trong đó có 130 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; 18 lượt người có công với cách mạng và người có thu nhập thấp được vay xây mới, sửa chữa nhà, mua nhà ở xã hội; 1.227 lượt hộ gia đình vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh; 4.897 lượt hộ dân vay vốn tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm; 24 hộ gia đình vay vốn tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù…

Tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng đạt 5.011,7 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương là 1.195,1 tỷ đồng, chiếm 24%. Tổng dư nợ của 18 chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 4.841,8 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn hỗ trợ này đã đầu tư đến 100% số thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương.

Chỉ số công nghiệp của Hưng Yên tăng hơn 6%

Theo Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tăng 6,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,47%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,40%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,11%.

Một số ngành kinh tế cấp 2 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng: sản xuất trang phục tăng 11,05%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa... tăng 7,53%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 21,64%; sản xuất kim loại tăng 8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 21,64%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38,62%;...

Hải Dương xác định 27 công trình đê điều xung yếu cần bảo vệ

Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương vừa xác định 27 trọng điểm công trình đê điều xung yếu cần xây dựng phương án bảo vệ năm 2024. Các địa phương có nhiều công trình trọng điểm cần bảo vệ gồm: huyện Thanh Hà có 7 trọng điểm, huyện Kim Thành 6 trọng điểm, thị xã Kinh Môn 4 trọng điểm, huyện Tứ Kỳ 3 trọng điểm…

Các trọng điểm chủ yếu là cống cũ, xây dựng từ lâu, xuống cấp nghiêm trọng; kè, bờ lở bị sạt, sụt có nguy cơ gây mất an toàn công trình đê điều.

Thái Bình dừng thực hiện một dự án giao thông theo hình thức PPP

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình vừa quyết định không tiếp tục thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng Xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) nhằm tránh gây thiệt hại cho Nhà nước và nhà đầu tư.

Tuyến đường có chiều dài hơn 21,2 km, với quy mô đường cấp II đồng bằng, tổng vốn đầu tư hơn 2.586 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước gần 786 tỷ đồng, vốn huy động nhà đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng; thời gian thực hiện năm 2020-2023; thời gian thu phí 22 năm 11 tháng.

Tuy nhiên, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm so với hợp đồng đã ký; đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn cung ứng vật tư, thiếu nhân lực phục vụ thi công; vật liệu cát xây dựng khan hiếm đã làm dự án bị chậm tiến độ. Tỉnh Thái Bình đang nghiên cứu, xây dựng phương án tiếp tục thực hiện tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn theo hình thức phù hợp, đúng quy định của pháp luật.