Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh đạt 56,83%, đứng đầu cả nước; tỉnh cũng hoàn thành vượt chỉ tiêu về số thuê bao internet bình quân/100 dân. Ðáng chú ý, ứng dụng "Phản ánh kiến nghị" thành kênh tương tác tổng hợp giữa người dân và các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông biểu dương là ứng dụng tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.
Năm 2024, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai xây dựng, phát triển nền tảng chính quyền điện tử, chính quyền số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tiến tới, tỉnh xây dựng hạ tầng bưu chính viễn thông đồng bộ, hiện đại bảo đảm thông tin liên lạc an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu của xã hội; tăng cường xử lý, quản lý thông tin thuê bao di động nhằm giảm đến mức thấp nhất tình trạng sim rác trên địa bàn…
Thái Bình giữ ổn định thị trường dịp cuối năm
Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình vừa ban hành, triển khai kế hoạch về bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhằm bảo đảm cân đối cung-cầu, tránh xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, giữ cho giá cả thị trường ổn định, tạo thuận lợi để người dân chuẩn bị đón năm mới.
Theo đó, tỉnh yêu cầu thời gian thực hiện bình ổn trong ba tháng, bắt đầu từ ngày 11/1-10/4/2024. Các mặt hàng tham gia bình ổn thị trường gồm: Gạo và các sản phẩm được chế biến từ gạo; thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm được chế biến từ thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản và các sản phẩm được chế biến từ thủy, hải sản; dầu ăn, nước mắm, mì chính, đường ăn và xăng dầu. Các điểm bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh là nơi các thương nhân tham gia chương trình đăng ký đã được Sở Công thương lựa chọn, phê duyệt và tại hội chợ mừng Ðảng, mừng Xuân Thái Bình 2024 tổ chức tại thành phố Thái Bình.
Tỉnh Thái Bình lưu ý các điểm bán hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường phải thực hiện nghiêm túc, làm nòng cốt và phải có sức lan tỏa trong khu vực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm thứ hai liên tiếp, Hải Phòng thu ngân sách vượt 100.000 tỷ đồng
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, đến hết ngày 31/12/2023, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 103.619 tỷ đồng. Ðây cũng là năm thứ hai liên tiếp, Hải Phòng thu ngân sách vượt mốc 100.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng thu nội địa năm 2023 đạt 43.466 tỷ đồng, vượt 38,7% dự toán Trung ương giao, đạt 102,3% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và tăng 17,5% so với thực hiện của năm 2022. Riêng quý IV, Cục Thuế Hải Phòng đã thu ngân sách 21.653 tỷ đồng, tăng hơn hai lần so số thu quý IV năm 2022 và là quý có số thu cao nhất trong nhiều năm gần đây. Riêng tháng 12/2023 thu ngân sách nội địa đạt gần 12.300 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, hoạt động thu thuế xuất, nhập khẩu của Hải quan Hải Phòng đạt hơn 65.519 tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2024, thành phố Hải Phòng phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 106.761 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 45.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 60.000 tỷ đồng.
Chủ nhật Đỏ lần thứ 16 tại Hà Nam: Tiếp nhận 259 đơn vị máu
Hưởng ứng Lễ hội Xuân hồng năm 2024 với chủ đề "Hiến máu cứu người-Sinh mệnh của bạn và tôi"; Tỉnh đoàn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam, Báo Tiền phong, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương phối hợp tổ chức Chương trình Chủ nhật Ðỏ lần thứ 16.
Chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 300 tình nguyện viên là cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh; trong đó, chủ yếu thuộc Khối các cơ quan tỉnh và tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Kết thúc chương trình, Ban tổ chức đã tiếp nhận được 259 đơn vị máu, góp phần bổ sung nguồn máu phục vụ công tác cấp cứu, điều trị tại các cơ sở y tế dịp trước và trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Hải Dương có thêm 21 xã nông thôn mới nâng cao và 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu
Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương vừa quyết định công nhận 21 xã nông thôn mới nâng cao và 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Năm xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, gồm hai xã kiểu mẫu về văn hóa là Tân Hồng (huyện Bình Giang), An Lâm (huyện Nam Sách); ba xã kiểu mẫu về giáo dục là Nam Tân (huyện Nam Sách), Cẩm Ðông (huyện Cẩm Giàng) và Kim Anh (huyện Kim Thành). 21 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao gồm: Nhật Tân, Quang Minh, Thống Kênh, Thống Nhất, Toàn Thắng, Hồng Hưng, Phạm Trấn, Gia Khánh (huyện Gia Lộc); Cẩm Vũ, Cẩm Hưng, Lương Ðiền (huyện Cẩm Giàng); Thúc Kháng (huyện Bình Giang); Nam Trung, Ðồng Lạc, An Bình (huyện Nam Sách); Cộng Hòa, Bình Dân, Ðại Ðức, Tam Kỳ (huyện Kim Thành); Hồng Dụ, Văn Hội (huyện Ninh Giang). Ðến nay, Hải Dương có 64 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao, 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu.