Giai đoạn 2021-2025: Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 1-1,5% mỗi năm

NDO -

Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 1 đến 1,5% mỗi năm.

Cán bộ người Dao ở bản Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn, Yên Bái, cùng người dân sản xuất, phát triển kinh tế ở địa phương (Ảnh minh họa: Thanh Sơn).
Cán bộ người Dao ở bản Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn, Yên Bái, cùng người dân sản xuất, phát triển kinh tế ở địa phương (Ảnh minh họa: Thanh Sơn).

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững

Ngày 18/1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

Đối tượng thụ hưởng của Chương trình gồm 5 nhóm.

Với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025, ước tính tại thời điểm tháng 1/2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 10,83%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,77%.

Đầu tiên là nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Tiếp đó là nhóm người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và vùng nghèo, vùng khó khăn.

Cùng với đó, có các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Thêm vào đó, có các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp, hợp tác xã tại vùng nghèo, vùng khó khăn.

Cuối cùng là các tổ chức, cá nhân liên quan.

Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Thời gian thực hiện đến hết năm 2025.

Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hóa, xu hướng già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo trong việc tiếp cận các cơ hội học tập, đào tạo kỹ năng nghề, tìm kiếm việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Song hành với đó là hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Chương trình cũng đề ra một số mục tiêu cụ thể.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm.

30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Chương trình cũng nêu các kết quả và chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025.

Trước hết, phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.

100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi.

Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng hơn 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.

Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.

100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.

Dành tối thiểu 75.000 tỷ đồng thực hiện chương trình

botruongdaongocdung2-1642560929231.jpeg
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. 

Nguồn lực thực hiện Chương trình gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đóng góp của đối tượng hưởng lợi và các nguồn xã hội hóa khác. Tổng nguồn vốn thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. 

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng gồm:
+ Vốn ngân sách trung ương: 48.000 tỷ đồng (Vốn đầu tư phát triển: 20.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 28.000 tỷ đồng) (chiếm 64%)
+ Vốn ngân sách địa phương: 12.690 tỷ đồng (chiếm 16,92%)
+ Huy động hợp pháp khác: 14.310 tỷ đồng (chiếm 19,08%)

Chính phủ có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình bảo đảm hiệu quả.

Chương trình gồm 7 dự án và 9 tiểu dự án cụ thể.

Dự án thứ nhất hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo

Dự án này tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Cụ thể, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (dự kiến khoảng 70 huyện nghèo theo tiêu chí) và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (dự kiến 200 xã đặc biệt khó khăn theo tiêu chí). Hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025. Hỗ trợ đầu tư trọng tâm, trọng điểm một số công trình, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội nhằm tạo sự đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ hiệu quả phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân theo Đề án hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án thứ hai là đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Dự án thứ ba hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, gồm hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và cải thiện dinh dưỡng

Dự án thứ tư là phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững với 3 tiểu dự án: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Hỗ trợ việc làm bền vững.

Dự án thứ năm hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.

Dự án thứ sáu là truyền thông và giảm nghèo về thông tin, bao gồm giảm nghèo về thông tin và truyền thông về giảm nghèo đa chiều.

Dự án thứ bảy nhằm nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình, bao gồm nâng cao năng lực thực hiện Chương trình và giám sát, đánh giá.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình.

Cơ quan này chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan và địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình. Đồng thời, phối hợp các bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình.