Dưới tán rừng đước Miệt Thứ

Tôi trở lại Miệt Thứ, nơi có tuyến rừng phòng hộ bao bọc, dài hơn 61 km từ Mũi Rảnh xã Tây Yên, huyện An Biên đến rạch Tiểu Dừa xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang). Ở đây, rừng là tấm lá chắn quan trọng bảo vệ sản xuất, sinh mạng của người dân, và cũng là vùng sản xuất chủ yếu nuôi sống gần 900 hộ dân, với hàng nghìn nhân khẩu của 10 xã ven biển.

Mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng của ông Hai Nhàn (ấp Xẻo Quao A, xã Nam Thái A, huyện An Biên).
Mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng của ông Hai Nhàn (ấp Xẻo Quao A, xã Nam Thái A, huyện An Biên).

1. Từ TP Rạch Giá, mất khoảng hai giờ chạy xe máy, tôi đã đến tuyến rừng phòng hộ ven biển, điểm dừng chân thuộc ấp Xẻo Quao A, xã Nam Thái A, huyện An Biên, còn có tên khác là Thứ Tám Rưỡi. Nhắc đến địa danh này để thấy, tôi đang ở giữa vùng Miệt Thứ, nơi mà khi nhắc mọi người liên tưởng đến sự xa xôi, vắng vẻ, khắc nghiệt: "Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh". Nhưng là chuyện ngày xưa, chuyện hàng chục, hàng trăm năm trước. Theo cảm nhận của tôi, Miệt Thứ đang nỗ lực vươn lên và đã có bước chuyển mình ngoạn mục. Cầu Cái Bé, Cái Lớn nối đôi bờ hai con sông Cái hoàn thành mở ra bao điều mới. Bán đảo Cà Mau được thay tên bằng vùng U Minh Thượng. Các cây cầu treo: Thứ Ba, Thứ Tám, Thứ Mười Một... bắt ngang kênh xáng Xẻo Rô, nối miền biển với miệt chợ. Chợ Thứ Ba, Thứ Sáu, Thứ Bảy, Thứ Chín, Thứ Mười Một... nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền. Khu đô thị mới Thứ Bảy phát triển thành đô thị trung tâm. Cảng cá Xẻo Nhàu tàu bè ra vào tấp nập. Đặc sản cá đồng U Minh, khô cá sặc rằn, mắm cá lưỡi trâu, mật ong rừng... có khắp các chợ và xuất khẩu ra nước ngoài. Rừng tràm U Minh Thượng, những địa danh lịch sử, căn cứ kháng chiến... trở thành các khu du lịch nhiều người biết đến. Nông dân không thuần túy làm ra hạt lúa, mà nuôi trồng các loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Con sò huyết Miệt Thứ như một đặc sản mới, với vị thơm, ngọt, không lẫn bùn cát. Ở vùng đất này còn có những món ăn dân dã rất Miệt Thứ đã truyền tụng qua nhiều thế hệ: "Muốn ăn bông súng mắm kho/Thì về Miệt Thứ khỏi lo đói lòng".

Cách đây hơn 10 năm, các huyện vùng Miệt Thứ đã mạnh dạn thực hiện việc đưa cán bộ trẻ về làm lãnh đạo cơ sở. Hàng loạt đồng chí sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương nhận nhiệm vụ bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã. Những cán bộ này đã trưởng thành, nhiều người giữ các vị trí chủ chốt ở huyện. Như một sự nối tiếp, Chủ tịch UBND xã Nam Thái A là Phan Duy Thanh cũng mới hơn 30 tuổi. Anh khoe với chúng tôi: "Miệt Thứ giờ không còn khoảng cách giữa miệt biển và chợ nữa! Đường sá thông thoáng, nhà nào cũng có xe gắn máy, có vỏ máy, thoáng một cái đã đến chợ. Hàng hóa làm ra bạn hàng vào tận ruộng thu mua; cần mua sắm thứ gì thì ra chợ xã, chợ huyện. Trường học nhiều lắm! Cấp một, cấp hai mỗi xã mấy trường. An Biên và An Minh có năm trường cấp ba. Lưới điện quốc gia phủ kín. Năm 2000, hộ nghèo của Nam Thái A gần 18%, nhưng nay chỉ còn hơn 8%".

Đổi thay của các xã ven biển và người dân xuất phát từ ruộng, từ rừng và từ mặt nước biển, cùng với các chính sách tốt, mang tính đột phá. Nếu như trước đây, nông dân độc canh cây lúa, năng suất thấp thì gần hai thập niên qua vùng đất này đã áp dụng quy trình luân canh: Một vụ tôm, một vụ lúa. Gần đây xen canh: trồng lúa, trồng rừng kết hợp nuôi tôm, cua, sò... thu nhập 50 triệu, 70 triệu, thậm chí 100 triệu đồng/ha/năm. Những năm qua, nhất là từ khi Nhà nước có chủ trương giao khoán đất rừng cho dân quản lý, làm bảy - ba (bảy rừng, ba nuôi trồng), người dân rất phấn khởi và đồng tình, bởi chủ trương này các bên cùng có lợi. Ban quản lý rừng không còn sợ mất rừng, chính quyền nhẹ phần an ninh trật tự liên quan đến phá rừng. Nhiều chương trình dân sinh được triển khai, cuộc sống người dân khá hơn, bộ mặt nông thôn đổi thay.

Dưới tán rừng đước Miệt Thứ ảnh 1

Cầu Cái Bé, Cái Lớn nối đôi bờ hai con sông Cái.

2. Chủ tịch xã Phan Duy Thanh làm người dẫn đường, đưa tôi đến nhà nông dân Trương Văn Nhàn (còn gọi Hai Nhàn, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản số 1, ấp Xẻo Quao A), tình cờ gặp anh Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng An Biên - An Minh đi vận động người dân trồng rừng. Theo anh Linh, tuyến rừng phòng hộ ven biển An Biên - An Minh có diện tích 4.092 ha, gồm có hai đai: chính và phụ. Đai rừng phụ, chủ yếu là cây đước có diện tích gần 3.000 ha, đã giao khoán cho 866 hộ dân, trong số này chỉ còn vài hộ nghèo do đất nhận khoán chưa đủ rừng nên không được đào vuông nuôi. "Trong năm nay, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% cây con để các hộ trồng đủ rừng, khi đó sẽ được khai thác 30% diện tích. Trước đây, việc giữ gìn tấm lá chắn gian nan, dân chặt đước đốt than, đào ao nuôi thủy sản. Nay giao khoán cho dân, quy định hộ đủ diện tích rừng mới được tác động đến diện tích còn lại, được tỉa thưa rừng, nên mọi người tích cực bảo vệ và trồng rừng. Ông Hai Nhàn là một điển hình trong việc chấp hành tốt chủ trương, cũng là một trong nhiều hộ vươn lên khá giả từ cách làm này", anh Linh cho biết thêm.

Ông Hai Nhàn sinh ra ở miệt biển và gắn gần cả đời với bãi bồi, cây đước. Canh tác 6,5 ha rừng hàng chục năm, nhưng cuộc sống gia đình luôn khó khăn, chật vật, vì sản xuất vướng những quy định bảo vệ và phát triển vành đai rừng phòng hộ. Có một dạo người dân bỏ xứ đi làm ăn xa nhiều lắm. Hoàn cảnh ông Hai cũng khó, cũng nghèo nhưng ông vẫn bám đất, bám rừng. Rồi thiên nhiên hào phóng ban tặng lộc biển, cái thời mà nhiều người vẫn gọi "làm chơi ăn thiệt". Chờ con nước tốt, mở cống đưa nước vào vuông, vào ruộng, sau vài tháng vở tôm bán tiêu xài không hết. Bước phát triển mới của gia đình ông Hai và người dân vùng này bắt đầu từ năm 2005 khi thực hiện "Chủ trương bảy - ba: bảy rừng, ba nuôi trồng". Với phần 30% diện tích rừng được tác động, cũng như những nông dân khác, ông Hai thả cua, tôm, sò... thu lãi mỗi năm hơn trăm triệu đồng. Ông Hai là một trong số ít người năm rồi được Ban Quản lý rừng cho tỉa thưa cây đước bán hưởng trọn gần 50 triệu đồng. "Thu nhập chưa cao, vì không đủ vốn, nhưng khá hơn trước đây, có dư rồi", ông Hai Nhàn cười.

Ông Hai "tháp tùng" chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Khoe, còn gọi là Út Khoe, một "đại gia nông dân". Căn nhà đúc của ông Út nằm sát cửa biển. Ngồi nhâm nhi ly bia với cá nâu nấu canh chua, kho lạt trước hàng ba lúc nước ròng, nhìn cá thòi lòi lướt dưới bãi sình, gió thổi lào xào lá đước, nghe nông dân kể chuyện làm giàu, thật đã! Tuổi gần 70, nhưng thân hình ông Út cao to rắn rỏi, giọng nói sang sảng. Ông Út nhận khoán 12 ha đất rừng, kinh tế vững chắc nên khi làm bảy - ba, ông Út đầu tư mạnh tay hơn mọi người, vậy là lãi cao hơn. Năm nào ông Út cũng thu nhập cả tỷ đồng.

Ông Út bảo: "Mùa mưa bão có lúc cũng ớn, nhưng sống cả đời rồi còn lạ gì chuyện gió mưa". Chỉ tay ra phía rừng đước, ông Út nói tiếp: "Có tấm lá chắn đước này, căn nhà muốn sập cũng khó đấy!". Ông Út khoe đã mua đất xây biệt thự ở thành phố nhưng thích sống ở miệt này, nơi này, cái mặn của gió biển đã quen với da thịt. Hơn nữa, công việc chính của ông là rừng đước, là bãi bồi, là cua, sò, tôm. Cũng từ những thứ đó, ông Út tạo dựng cơ nghiệp, cưới vợ gả chồng, cho đất giúp tiền tám đứa con phát triển kinh tế. Ông vừa có thêm niềm vui mới, "má sấp nhỏ bệnh mất cũng khá lâu, tôi bước bước nữa cho có bầu bạn lúc về già", ông bảo thế.

Ông Hai Nhàn tiếp lời: "Út Khoe phất nhanh từ cái thời "làm chơi, ăn thiệt". Chộp thời cơ, út Khoe, Hai Dồi và một số "đại gia nông dân" khác thuê hàng trăm héc-ta mặt biển, đầu tư tiền, công sức nuôi sò huyết. Cả một vùng chạy dài hàng chục cây số, ra hàng nghìn mét toàn sò huyết. Cũng từ đó vùng biển An Biên, An Minh trở thành "vương quốc" sò huyết ở Kiên Giang". Ông Út ngắt lời ông Hai: "Nói đi phải nghĩ lại, nếu không có công cụ là đất rừng, bãi bồi, mặt nước biển, không có chủ trương tốt của Nhà nước thì tôi và người nông dân vùng này không thoát khỏi cái nghèo chứ nói gì giàu".

Anh Linh góp chuyện, có quen anh bạn tên Nguyễn Hoàng Lương ở ấp Xẻo Lá 2, xã Tân Thạnh, huyện An Minh được nhận khoán hơn 6 héc-ta rừng. Năm 2012, anh Lương được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng và hướng dẫn kỹ thuật nuôi sò huyết. Vụ đó, anh Lương thu hoạch sò đạt năng suất bình quân bốn tấn/ha. Từ đó đến nay, mỗi năm gia đình anh Lương thu nhập hơn 400 triệu đồng. Không chỉ rũ bỏ được cái nghèo, cái khó, anh Lương còn xây được nhà cửa khang trang, mua xe máy, vỏ máy và nhiều vật dụng đắt tiền. "Nuôi thủy sản dưới tán rừng là mô hình nuôi tự nhiên, không sử dụng thức ăn nên chi phí thấp. Các hộ dân nhận khoán đất chỉ cần trồng đủ diện tích rừng theo quy định sẽ được tận dụng hết 30% tổng diện tích đất để đào vuông nuôi. Ngành nông nghiệp đang tính đến chuyện xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sò huyết Miệt Thứ để sản phẩm có đầu ra bền vững, tăng thu nhập cho người dân", anh Linh nói.

3. Chúng tôi cùng xuống vỏ lãi chạy vào rừng đước, như đi vào khu du lịch sinh thái. Hai bên cây đước cao, thẳng, rễ đước túa ra bám chặt vào đất, lá xanh lộng gió. Bên dưới là nhiều loại thủy sản ngon, bổ, giá trị cao. Ông Út dỡ lú, lựa hai con cua biển to nhất, tự tay buộc cua tặng tôi mang về làm quà. Trên đường về Rạch Giá, tôi nhẩm lại từng câu trong bài hát "Em về Miệt Thứ" của nhạc sĩ Hà Phương, để thêm khẳng định sự phát triển vượt bậc của vùng Miệt Thứ hôm nay.