Cùng trà rong chơi

Tự nhận mình là người yêu trà, mê ấm và khiêm tốn gọi hành trình dưỡng nuôi đời trà mà bản thân gắn bó là cuộc rong chơi. Với tình yêu ấy, nghệ nhân trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn đã tìm đủ cách để gìn giữ nét đẹp của văn hóa trà Việt.

Nghệ nhân trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn mong muốn lan tỏa tình yêu trà đến người trẻ thông qua nhiều hoạt động kết nối, sẻ chia.
Nghệ nhân trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn mong muốn lan tỏa tình yêu trà đến người trẻ thông qua nhiều hoạt động kết nối, sẻ chia.

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, nghệ nhân trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: “Trước khi vào nam, tôi sống ở Hà Nội. Đầu thế kỷ 20, cụ tôi có mở quán chè chén ở 25 Nguyễn Du. Đến năm 1987, cụ tôi mất. Khoảng thời gian rất dài sau đó không ai làm nữa. Năm 1992, tôi vào thành phố Hồ Chí Minh và bắt đầu hành trình khám phá trà Việt tại khu vực miền nam. Sau đó ngược ra bắc, lên Hà Giang, Lào Cai… chỗ nào nghe nói có trà ngon, trà hiếm, tôi đều đến, tìm hiểu, mua về, thưởng thức và chia sẻ. Đâu ai ngờ mối duyên ấy đến tận bây giờ…”.

Rong chơi mà đằng đẵng mấy chục năm ròng? Rong chơi mà đau đáu khi lên vùng cao thấy cây trà đang bị khai thác không đúng giá trị, bà con đồng bào chưa thể sống dựa vào cái nghề lắm công phu này, rồi về xuôi tìm cách kết nối, dựng xây? Rong chơi mà mở cả hệ thống Song Hỷ trà gần 20 năm để khi có dịp lại cùng bạn trà hội tụ, kể những câu chuyện hay về loài cây lành, về nhân sinh ?... 

Không nhà máy, chẳng nông trại, cái mà người đàn ông 54 tuổi này có được chính là tình yêu bền chặt dành cho trà Việt. Ông nói, điều may mắn là ông giữ được nếp nhà, giữ được tình yêu với món thức uống chẳng đơn thuần chỉ để giải khát. Suốt nhiều năm liền, đôi chân ấy quen thuộc với những dãy núi ở Lũng Phìn, Tà Xùa và nhiều vùng trà ở miền núi phía bắc, sau lại xuôi vào nam, qua tận nước ngoài để tìm hiểu thêm và trả lời thắc mắc: “Tại sao trà Việt ngon vậy mà vẫn chưa được đánh giá xứng tầm?”. 

Năm 2015, nghe nói ở xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang có giống trà hiếm, trồng ở nơi cách trở, thuần tự nhiên và hương vị rất tuyệt vời, ông vội lên xe, bắt đầu hành trình tìm kiếm ngụm trà tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết ấy. Khi đó, ông đã được Chủ tịch UBND xã Lũng Phìn Ly Mí Pó đưa đến tận nhà dân để tìm hiểu, thưởng trà.

“Ban đầu, chủ nhà mời chúng tôi ấm trà mà theo lời họ nói đó là loại đang được mọi người nói đến. Tôi nhấp một ngụm, thấy chẳng phải vậy. Lòng chùng xuống, tôi lấy túi trà mình mang theo pha một ấm mời mọi người như lời cảm ơn, định uống xong sẽ tạm biệt. Uống chưa xong ấm trà, chủ nhà gọi con trai vào trong lấy ra túi trà khác, đãi khách. Chén trà mới vừa nhấp vào đã khiến tôi vui sướng trong lòng. Nó ngon tuyệt vời, ngon hơn cả những gì người ta khen. Cả túi trà được 1,8 kg, tôi xin mua và chia đều cho mấy anh em đi cùng. Từ đó, tôi biết thêm một vùng trà đặc sắc”, ông Tuấn nhớ lại.

Đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều giống trà từ mộc mạc đến quý hiếm, sản lượng cực ít, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn luôn trăn trở: “Làm sao để đồng bào sống nhẹ nhàng với nguồn thu từ trà ? Có vậy họ mới gắn bó, giữ gìn. Có vậy thì đời trà mới bền lâu”. Về xuôi, ông bắt đầu đẩy mạnh việc kết nối, đem bằng được những giống trà ngon giới thiệu với bạn bè, người thân, sau đó là khách ghé Song Hỷ trà. Danh trà ngon cứ thế được truyền tai, nhiều người tìm đến. 

Trà quý thường sản lượng rất hiếm, việc kiếm tìm cũng tốn rất nhiều thời gian. Vậy nên, mỗi khi có dịp đến các vườn trà trên non, khi ngồi thưởng món nước vàng nhạt, ấm nóng ấy với người trồng trà, ông luôn nói đến chuyện bảo tồn, phát triển. Cuối Xuân năm rồi, ông bắt đầu dự án đầu tiên trong hành trình bảo tồn trà cổ tại Hà Giang.

Ông Tuấn kể: “Lúc đó, tôi và các anh em tiến hành bảo tồn ba cây trà trong vườn của một trưởng thôn ngày xưa ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Tôi mong rằng, điểm bảo tồn này sẽ giúp người dân quý trà hơn và tìm cách giữ gìn và cũng mong việc làm này sẽ được lan tỏa bởi những du khách khi có dịp đến đây. Tôi có mong ước việc bảo tồn trà cổ, trà hiếm sẽ được nhân rộng. Trà Việt không thua gì các nước nổi tiếng, mình bảo tồn và lan tỏa, rồi mọi người sẽ biết”.

Mang trà từ trung du, miền núi về thành phố Hồ Chí Minh thôi chưa đủ, ông còn nghĩ cách tổ chức nhiều buổi thưởng trà với người nổi tiếng, người trong ngành nhằm thu hút khách cùng sở thích, nhất là bạn trẻ. Tại đây, mọi người cùng nhau nói về những đề tài thú vị chung quanh chén trà thơm lừng, nóng hổi. Cách pha trà của Song Hỷ quán cũng mới mẻ hơn, đặc biệt hơn vì ông chủ quán muốn thay đổi góc nhìn của người thưởng thức về trà Việt. Trà đâu phải cứ đắng chát và chỉ dành cho người trung niên. Trà được chọn kỹ, pha đúng mỗi loại thì sẽ thơm ngon, dễ uống, khó quên.

Mấy chục năm gắn bó với đời trà, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn đang “góp vốn” vào quá trình bảo tồn văn hóa trà bằng nhiều đầu sách hay. Với cách viết nhẹ nhàng, gần gụi, sách trà của ông chẳng kén độc giả dù cung cấp rất nhiều ý kiến chuyên ngành, có cả kỹ thuật chọn trà, pha trà, những điều tưởng chừng rất khô khan.

Trong “Thưởng trà-thật đẹp, thật vui”, cuốn sách ảnh vừa phát hành đầu năm nay, người đọc dễ dàng biết uống trà sao cho ngon, thương cây trà sao cho trọn, theo như cách mà tác giả đã và đang làm. “Nếu bạn chưa uống trà thì hãy uống trà để hiểu tại sao trà là thức uống được mọi người yêu thích thứ hai, sau nước. Nếu bạn đã uống trà rồi thì hãy đọc xem mình đã uống trà như thế nào, để tìm đến được chén trà hoàn hảo. Rồi bạn trẻ sẽ thấy pha một ấm trà ngon chẳng khó khăn gì đâu, chỉ cần mình yêu trà là đủ. Bên tách trà, nhiều điều thú vị sẽ được sẻ chia”, nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm...