Tìm giải pháp đẩy mạnh hoạt động kinh tế xanh

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố đã phối hợp các tổ chức, đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động để đồng hành các doanh nghiệp trên con đường “xanh hóa”, sản xuất và kinh doanh những sản phẩm thân thiện với môi trường như hỗ trợ về vốn, kết nối việc tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước lẫn quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tìm mua những sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chí xanh tại một siêu thị Co.opmart ở thành phố.
Người dân tìm mua những sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chí xanh tại một siêu thị Co.opmart ở thành phố.

Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia thành phố), các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những “rào cản xanh” đặt ra bởi các thị trường quốc tế.

Dù vậy, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và lợi thế cạnh tranh khi sản xuất các sản phẩm xanh. Quá trình chuyển đổi xanh (là yêu cầu thiết yếu) trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức (về tài chính, công nghệ, thể chế, liên kết và hợp tác giữa các bên), đòi hỏi phải có sự nỗ lực và quyết tâm của các bên, nhất là vai trò của Nhà nước.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn về hiện trạng áp dụng kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp thuộc năm nhóm ngành (nhựa, dệt may, thép, chế biến thực phẩm, bia, rượu và nước giải khát) cho thấy 87,8% số doanh nghiệp có các giải pháp tối ưu hóa đầu vào, 55,6% số doanh nghiệp có giải pháp tái tạo hệ sinh thái và giảm ô nhiễm môi trường, 70,3% doanh nghiệp có giải pháp kéo dài vòng đời sản phẩm.

Hai yếu tố được doanh nghiệp đánh giá quan trọng nhất là tài chính (vốn, lợi ích, chi phí) và nhận thức, niềm tin của khách hàng. Những yếu tố này còn được nhìn nhận cao hơn cả các yếu tố chính sách, kỹ thuật, thị trường, cơ sở hạ tầng.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Võ Văn Hoan chia sẻ: Hiện nay, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vững đã trở thành xu thế tất yếu của thế giới. Những năm gần đây, khi đến với thành phố, các đoàn khách và nhà đầu tư nước ngoài luôn đặt những câu hỏi về năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh...

Còn những nhà đầu tư đã hoạt động từ trước cũng đặt vấn đề về sử dụng năng lượng tái tạo, muốn đổi mới để “xanh” hơn, bởi nếu không đáp ứng được các tiêu chí xanh thì sản phẩm của họ sản xuất ra không thể xuất khẩu vào các thị trường châu Âu và các nước phát triển khác. Hàng hóa sản xuất ra mà không được thị trường thế giới chấp nhận thì doanh nghiệp không thể tồn tại và phát triển; nền kinh tế cũng không thể hội nhập quốc tế, tăng trưởng được.

Vì vậy, không cần phải chờ đợi đến năm 2050 (giảm phát thải về bằng 0, theo cam kết của Chính phủ), mà ngay từ bây giờ, chúng ta đã đối mặt nguy cơ tụt hậu, sụt giảm trong thu hút đầu tư nước ngoài nếu như không chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Do đó, chuyển đổi sang kinh tế xanh trở thành vấn đề rất cấp bách, không còn là khẩu hiệu tuyên truyền, vận động mà đã trở thành hướng đi tất yếu, sống còn không chỉ với doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế quốc gia cũng như đời sống xã hội.

Để có thể hướng đến kinh tế xanh vừa phù hợp nội lực của doanh nghiệp Việt Nam, vừa đáp ứng tiêu chuẩn xanh mà các thị trường quốc tế đang áp dụng, PGS, TS Nguyễn Hồng Quân cho rằng: Cần hình thành được các yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, như các quỹ đầu tư tài trợ, mô hình hợp tác-kết nối các bên, sự hỗ trợ quốc tế, công nghệ, nhân lực...

Bên cạnh đó, cần mô hình thí điểm, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp đầu ngành; cùng sự phối hợp chặt chẽ của Nhà nước, nhà khoa học, tổ chức quốc tế. Thành phố cần có đề án kinh tế xanh cụ thể và áp dụng đề án này theo hướng mở, có lộ trình từng bước và thực chất, hiệu quả, khả thi, không cầu toàn.

Theo đồng chí Võ Văn Hoan, thương mại xanh hiện nay là khái niệm rộng, mang tính hệ thống, hoàn thiện ở tất cả các khâu, từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và quay trở lại sản xuất. Để có được sản phẩm xanh thì cần một hệ sinh thái hoàn chỉnh, từ nguyên liệu xanh, tài chính xanh, năng lượng xanh; nhất là khung chính sách, hành lang pháp lý nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế xanh.