Tìm cách phục hồi 300 cuốn phim hỏng ở Hãng phim truyện Việt Nam

NDO - Câu chuyện 300 cuốn phim lưu trữ bị hỏng ở Hãng phim truyện Việt Nam không chỉ là nỗi xót xa cho những người trong ngành, mà còn để lại sự tiếc nuối cho những người yêu điện ảnh, yêu di sản và mong muốn giữ gìn những dấu tích của lịch sử. Các nghệ sĩ, nhà làm phim đang cùng nhau tìm cách cứu vãn những gì còn cứu được.
0:00 / 0:00
0:00
Những cuốn phim được lưu trữ hàng chục năm qua bị hỏng do không bảo quản đúng điều kiện ở Hãng phim truyện Việt Nam. (Ảnh: NSND Nguyễn Thanh Vân)
Những cuốn phim được lưu trữ hàng chục năm qua bị hỏng do không bảo quản đúng điều kiện ở Hãng phim truyện Việt Nam. (Ảnh: NSND Nguyễn Thanh Vân)

Những di sản của lịch sử

300 bộ phim lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam là những thước phim ghi lại những thăng trầm của lịch sử đất nước, từ sau khi nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam hình thành, trải qua cuộc kháng chiến tranh giữ nước, cũng như những chặng đường đổi mới của xã hội Việt Nam qua nhiều thời kỳ.

Tìm cách phục hồi 300 cuốn phim hỏng ở Hãng phim truyện Việt Nam ảnh 1

Phim "Em bé Hà Nội" được quay trên hiện trường bom đạn thực tế. (Ảnh trong phim)

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân chia sẻ, có những thước phim vô cùng quý báu về mặt tư liệu, chưa nói đến nội dung, bởi chúng được trực tiếp ghi lại trong những bối cảnh thật của lịch sử. “Bộ phim “Em bé Hà Nội” được ghi hình ngay tại bối cảnh thật của bệnh viện Bạch Mai vừa bị đánh bom xong hồi tháng 12/1972. Các đạo diễn, diễn viên, ê-kíp làm phim đã làm việc trực tiếp tại hiện trường, cho nên những cảnh quay bị tàn phá đó chính là cảnh thật, không một sự phục dựng nào có thể thể hiện được. Đó là những giá trị vô giá, không làm lại được, không thay thế được” - đạo diễn khẳng định.

300 bộ phim được lưu giữ lâu nay ở Hãng không chỉ là những tác phẩm cụ thể có giá trị nghệ thuật, giá trị sử dụng, mà còn là những thước phim song hành cùng nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc, không chỉ qua kháng chiến chống Mỹ, mà còn cả những giai đoạn đổi thay của xã hội cũng như của chính điện ảnh. Trong số những cuốn phim này, nhiều bộ phim từng giành các giải thưởng cao tại các liên hoan phim quốc tế.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân khẳng định, với lịch sử điện ảnh hơn 60 năm, từ năm 1959, những thước phim đầu tiên chính là từ Hãng phim truyện Việt Nam: “Trong một giai đoạn dài, ít nhất là hết chiến tranh, những bộ phim từ Hãng đã có những đóng góp cực kỳ lớn, song hành với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thậm chí cả xây dựng đất nước. Không chỉ đóng góp tuyên truyền, các bộ phim này còn có giá trị về thẩm mỹ, nghệ thuật. Bằng chứng là nhiều phim từng giành giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế lớn”.

Có thể kể đến phim “Chị Tư Hậu” của đạo diễn, NSND Phạm Kỳ Nam giành giải Bạc ở Liên hoan phim quốc tế Moskva năm 1963, một trong 5 liên hoan phim hạng A của thế giới, và cũng là liên hoan phim lâu đời thứ nhì thế giới. Phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” của đạo diễn, NSND Hải Ninh giành được giải của Hội đồng hòa bình Thế giới và giải Nữ diễn viên xuất sắc cho NSND Trà Giang cũng tại Liên hoan phim quốc tế Moskva nhưng vào năm 1973.

Phim “Con chim vành khuyên” của đạo diễn Nguyễn Văn Thông kiêm tác giả kịch bản giành giải Đặc biệt (hạng mục phim ngắn) tại Liên hoan phim quốc tế Kalovary năm 1962.

Hay “Thành phố lúc rạng đông” của đạo diễn Nguyễn Hải Ninh được giải Bồ câu vàng đặc biệt tại Liên hoan phim Leipzick. Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân nhấn mạnh, trong lịch sử Liên hoan phim này, chỉ có hai phim giành giải Bồ câu vàng đặc biệt, tức là điểm tuyệt đối. Một là “Chủ nghĩa phát xít thông thường” của Mikhail và giải cho “Thành phố lúc rạng đông” của đạo diễn Nguyễn Hải Ninh.

Tìm cách phục hồi 300 cuốn phim hỏng ở Hãng phim truyện Việt Nam ảnh 2

"Bao giờ cho đến tháng Mười" là một trong 18 phim hay nhất thế kỷ 20 của châu Á.

Không chỉ các bộ phim thời chiến, nhiều phim của Hãng khác được thực hiện khi đất nước đã hòa bình, có những thay đổi về kinh tế, xã hội…, cũng đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và được ghi nhận bằng những giải thưởng. Có thể kể đến “Sống trong sợ hãi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng giành Giải thưởng lớn của Ban giám khảo tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 51 năm 2006 và Giải thưởng tài năng mới châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải cùng năm. “Bao giờ cho đến tháng 10” được kênh truyền hình CNN đánh giá là một trong 18 phim hay nhất của thế kỷ 20 của châu Á. “Đó là những giá trị không phủ nhận được mà các bộ phim để lại” - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói.

Chặng đường gian nan để phục hồi

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết, các bản phim positive lưu trữ ở Hãng, nếu cần in lại phải mất hàng nghìn USD, chưa kể phải sang Thái Lan làm lại, bởi vì trong giai đoạn cuối của Hãng phim, hầu hết phim sản xuất ra đều được làm hậu kỳ ở Thái.

Trước khi nói đó là một di sản, những cuốn phim đã là một tài sản có giá trị quy ra tiền.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân

Những ngày đầu mới thành lập, Hãng phim truyện Việt Nam đảm nhiệm cả hai chức năng sản xuất và phát hành phim. NSND Nguyễn Thanh Vân kể: “Những năm đầu mới thành lập, chưa có nơi lưu trữ phim riêng là Viện Phim Việt Nam, phim sản xuất ra đều được lưu trữ tại Hãng. Hãng có kho phim riêng, cho đến trước khi cổ phần hóa, thì kho phim cũng có một bộ phận chăm sóc, bảo dưỡng phim riêng. Phòng bảo dưỡng này không chỉ làm lạnh mà còn phải sử dụng bột chống ẩm, tua phim định kỳ để chống dính. Trong 20 năm, từ khi thành lập nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam năm 1959, cho đến năm 1979 thành lập Viện Phim Việt Nam”.

Các bộ phim do Hãng phim truyện Việt Nam phát hành trong thời gian đó đều là bản hoàn thiện cuối cùng, như chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Khi làm phim, từ bản negative sẽ ra các bản đầu 1, bản đầu 2, bản đầu 3, đầu 4, đầu 5. Bản 1, 2 như những bản nháp, đến bản cuối cùng mới sử dụng được cho chiếu rạp hay trình chiếu tại các liên hoan phim trong nước cũng như quốc tế. Bản cuối cùng này cũng là bản được các quay phim, đạo diễn, trung tâm kỹ thuật định hình, tức là phải qua rất nhiều khâu, rất tốn kém mới ra được bản cuối cùng. Và bản cuối dành chiếu rạp, đi liên hoan phim thường được lưu lại ở kho của Hãng phim.

“Chính tôi cũng đã có những phim như thế này, tức là khi nộp lưu chiểu, do không có nhiều kinh phí, cho nên ngoài bản negative, chúng tôi nộp các bản đầu 1, đầu 2, chưa thật hoàn thiện, cho đúng thủ tục, và quan trọng nhất là giữ được bản negative. Cho nên gọi các bản phim positive đang lưu trữ tại Hãng là bản sao là hoàn toàn sai, làm nhẹ giá trị của bản phim đó. Các bản này đều là bản phim gốc, được thực hiện với rất nhiều công sức, và bản sao là bản scan lại từ các bản phim gốc này. Các bản negative muốn hoàn thiện cũng rất tốn kém, có khi phải sang Thái Lan, trong khi chúng ta đã có bản possitive ở đây, với rất nhiều công sức để hoàn thiện” – đạo diễn nói.

Những người muốn nghiên cứu, kết nối với lịch sử điện ảnh đều phải tìm hiểu từ phim nhựa. Linh hồn của điện ảnh chính là những thước phim. Giết chết kho phim đó là cắt toàn bộ rễ, mất hoàn toàn sự kết nối.Một cái cây cắt rễ đi thì làm sao sống được.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân

Việc phục hồi những bản phim đã hỏng đến nay vô cùng khó và tốn kém, như sợi chỉ mành treo chuông. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết, để in lại một bản phim possitive như đã có ở Hãng, các công ty làm hậu kỳ ở Thái Lan định giá khoảng 1.000 USD, nếu tính cả chi phí đi lại…, rơi vào khoảng 30 triệu đồng. “Cho nên trước khi nói nói đó là một di sản, những bộ phim này thực sự là một tài sản. Các bản phim nhựa này có tuổi thọ lên tới 100 năm, nhưng đã bị bức tử. Có những phim mới sản xuất được khoảng 20 năm, một số phim đã giữ được 40-50 năm. Đó là sự thiếu trân trọng đối với quá khứ, với con người” - đạo diễn nói.

Hiện tại, các nghệ sĩ, nhà làm phim của Hãng đã cùng nhau mời chuyên gia của Viện Phim Việt Nam sang đánh giá mức độ hư hại của 300 bộ phim lưu trữ trong kho, từ đó đưa ra các phương án phục hồi thích hợp. Theo đánh giá của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, phim đen trắng còn có khả năng phục hồi, nhưng phải làm càng sớm càng tốt. Các nghệ sĩ, nhà làm phim đã tính đến chuyện kêu gọi xã hội hóa, thậm chí trước mắt anh em cùng nhau bỏ tiền ra để phục hồi những gì có thể cứu, giữ lại kho phim, nhất là các tác phẩm có giá trị, cũng là những di sản mà thế hệ đi trước để lại.

Trong số 300 phim lưu giữ tại kho, một số phim đã từng được số hóa từ thời kỳ trước khi cổ phần hóa, tuy nhiên do công nghệ lạc hậu, và cũng chỉ phục vụ cho nhu cầu chiếu trên mạng internet đơn giản, cho nên chất lượng không cao. Theo như đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, là có những phim chỉ ghi lại từ màn hình, không thể gọi là số hóa.

Tìm cách phục hồi 300 cuốn phim hỏng ở Hãng phim truyện Việt Nam ảnh 3

Những cuốn phim hỏng hóc nặng nề. (Ảnh: NSND Nguyễn Thanh Vân)

Hiện tại, mặc dù xu hướng sử dụng công nghệ số đã rất phổ biến, nhưng phim nhựa vẫn có chỗ đứng trên thế giới. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết, phim nhựa vẫn được sản xuất, vẫn có những liên hoan phim có tới 50% phim dự thi là phim nhựa. Nhiều đạo diễn, đặc biệt là những người có tiếng tăm và hiểu biết về nghệ thuật lại ưa dùng phim nhựa hơn.

“Bạn đồng nghiệp của tôi ở Anh, Pháp hoặc Mỹ cho biết hiện nay nhiều nơi vẫn có các rạp chiếu phim nhựa. Tất nhiên họ không thể cạnh tranh được với các rạp chiếu phim bom tấn, nhưng vẫn duy trì truyền thống, đó là sự kết nối với các thế hệ để các thế hệ sau biết đến quá trình phát triển của phim ảnh. Năm 2016, Liên hoan phim Frankfurt năm 2016 đã thuê phim “Cuốn theo chiều gió” bằng bản nhựa để chiếu cho các đại biểu xem với một sự trân trọng vô cùng lớn. Các thí dụ đó để thấy Hãng phim truyện Việt Nam dưới bất kỳ một mô hình nào, một tập đoàn truyền thông hay hoặc thậm chí là một bảo tàng” – NSND Nguyễn Thanh Vân nói.

Điện ảnh là một dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại, được kết nối bằng những thước phim. Trân trọng với những thước phim mà các thế hệ trước để lại cũng là bày tỏ sự trân trọng với quá khứ, với lịch sử điện ảnh nói riêng và lịch sử nước nhà nói chung.

Mới đây nhất, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã quyết định kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018, và Kết luận thanh tra (bổ sung) số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 của TTCP về công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam.

Theo Quyết định 129/QĐ-TTCP, thời gian kiểm tra là 10 ngày làm việc thực tế. Tổ kiểm tra gồm 4 thành viên, do ông Ngô Khánh Luận - thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát Thẩm định và Xử lý sau thanh tra, TTCP làm Tổ trưởng.

Quyết định nêu rõ, Tổ kiểm tra sẽ kiểm tra việc thực hiện 2 kết luận thanh tra trên và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hãng Phim truyện Việt Nam và các đơn vị liên quan.

Kết luận thanh tra tại Hãng Phim truyện Việt Nam đã ban hành được gần 6 năm.

Tuy nhiên, nhiều nội dung theo kết luận thanh tra và các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ chưa được thực hiện. Do đó, ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo TTCP tiến hành kiểm tra ngay việc thực hiện kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam.

Trên cơ sở đó, TTCP thành lập tổ kiểm tra tiến hành kiểm tra ngay việc thực hiện kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam và thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về các nội dung liên quan.

Phó Tổng Thanh tra yêu cầu các đơn vị được kiểm tra tập trung báo cáo đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các kiến nghị của TTCP tại kết luận thanh tra, nêu rõ những việc đã thực hiện được, những việc chưa thực hiện được theo kiến nghị của TTCP, nguyên nhân vì sao chưa làm, giải quyết dứt điểm các tồn tại, khuyết điểm được chỉ ra... Đồng thời, nêu rõ những khó khăn vướng mắc, đề xuất biện pháp giải quyết.

Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị liên quan cung cấp thông tin đúng thẩm quyền cho Tổ kiểm tra.