Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Cần cẩn trọng và chặt chẽ

NDO -

NDĐT –Những ngày qua, dư luận đã dấy lên những lo ngại chung quanh việc Hãng phim truyện Việt Nam có “chủ” mới là Tổng công ty vận tải thủy. Điều này không phải là vô lý khi Hãng có bề dày lịch sử trên dưới 60 năm, từng là con chim đầu đàn của ngành điện ảnh Việt Nam, còn “ông chủ mới” lại hoàn toàn không liên quan gì đến bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Chính vì thế việc cổ phần hóa và “sang tên đổi chủ”đòi hỏi phải vô cùng cẩn trọng và chặt chẽ để tránh những lợi dụng, sai phạm có thể xảy ra sau này.

Hãng phim truyện Việt Nam (ảnh Internet)
Hãng phim truyện Việt Nam (ảnh Internet)

Trước những băn khoăn của nghệ sĩ, những người liên quan đến Hãng phim truyện Việt Nam và công chúng, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã đích thân khẳng định: “Toàn bộ quy trình cổ phần hóa, rao bán cổ phần, chuyển nhượng của Hãng phim truyện Việt Nam đều phải tuân thủ theo đúng quy định của luật pháp hiện hành”. Cụ thể, một ban chỉ đạo tiến hành cổ phần hóa Hãng phim với sự tham gia của của đại diện các ban ngành đã được thành lập, và quá trình định giá Hãng phim do một công ty tư vấn định giá tài sản trong danh sách Bộ Tài chính ban hành thực hiện. Đơn vị tư vấn này chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về quá trình định giá doanh nghiệp.

Thứ trưởng cho biết, trước đây, khi cổ phần hóa một số đơn vị, đất đai cũng được tính cả vào giá trị doanh nghiệp, do đó giá của đơn vị đó bị đội lên quá cao, và không một doanh nghiệp nào mua cả. Sau đó, vào năm 2011, Nhà nước đã đưa ra Nghị định 59 không tính tiền đất vào doanh nghiệp, mà đất đai là của Nhà nước, doanh nghiệp thuê lại và chịu trách nhiệm trả các khoản chi phí. Chính vì thế nên tổng giá trị của Hãng phim truyện Việt Nam chỉ có 19 tỷ đồng, bao gồm thiết bị máy móc, nhà xưởng vốn đã lạc hậu, cũ nát nhiều năm nay.

Về vấn đề đất đai liên quan đến Hãng phim truyện Việt Nam, ông Trần Hoàng, Vụ phó Vụ Tài chính, ban chỉ đạo tiến hành cổ phần hóa Hãng phim cho biết, Hãng có bốn lô đất ở số 4 Thụy Khuê, ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, Uy Nỗ (Đông Anh) và số 6 Thái Văn Lung (TP Hồ Chí Minh). Khi Tổng công ty vận tải thủy tiếp nhận Hãng phim, họ cũng vẫn phải tiếp tục trả tiền thuê đất, nhưng với một mức giá khác.

Đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam cho biết, danh tiếng gần 60 năm của Hãng phim truyện Việt Nam được định giá là 0 đồng bởi vì theo quy định của Nhà nước, những thương hiệu làm ăn không có lợi nhuận sẽ bị định giá giá trị thương hiệu là 0. Ông cũng cho biết thêm, tính đến nay, Hãng phim truyện Việt Nam nợ tới 90 tỷ đồng, nếu không cổ phần hóa, thì theo luật, chỉ còn con đường phá sản, thương hiệu cũng tiêu tan. Hãng không có vốn sản xuất phim, nhân viên đi làm thuê khắp nơi, thỉnh thoảng Nhà nước đặt hàng để anh em có tiền (trong sáu năm có ba phim truyện do Nhà nước đặt hàng). Máy móc, thiết bị, kỹ thuật đều lạc hậu, làm hậu kỳ, âm thanh… đều phải ra nước ngoài làm, rất tốtn kém. Nếu tính về sức cạnh tranh thì Hãng hoàn toàn không thể cạnh tranh nổi trên thị trường.

Đạo diễn Vương Đức chia sẻ: “Chúng tôi đã từng mong mỏi có những nhà đầu tư, những mạnh thường quân yêu điện ảnh sẽ quan tâm tới Hãng và mua cổ phần. Tuy nhiên, có những người đến hỏi rồi lại đi. Cuối cùng chỉ còn duy nhất Tổng công ty vận tải thủy quan tâm và làm hồ sơ hợp lệ”.

Một trong những nỗi lo lắng của các những người trong ngành và công chúng là liệu sau khi tiếp quản, với số vốn chỉ chiếm 20%, Nhà nước liệu có còn tiếng nói đối với Hãng phim, sẽ mang cái tên mới là Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, theo cam kết, sẽ có ba người đại diện cho Nhà nước tham gia lãnh đạo của công ty, gồm HĐQT, Ban Giám đốc (có thể là Phó Giám đốc) và Ban kiểm soát, cho dù số vốn của Nhà nước chỉ chiếm 20%.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, đối với nhà đầu tư chiến lược ngoài các tiêu chí theo NĐ 59/CP là không được chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm đầu; cam kết với đơn vị bằng văn bản về việc gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo; thực hiện đầy đủ chính sách với người lao động... thì bộ đã bổ sung thêm 7 tiêu chí mà theo đơn vị tư vấn thì đây là những cam kết không có thời hạn. Cụ thể là: 90% doanh thu phải từ sản xuất phim; trả các khoản nợ trước đó của Hãng; đầu tư cơ sở sản xuất phim; tuân thủ phương án sử dụng đất đã được duyệt; sử dụng toàn bộ số lao động hiện có; sử dụng tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu cho việc sản xuất phim. Nếu nhà đầu tư không làm đúng cam kết, sẽ xử lý theo chế tài.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những bước đi đầu tiên sau quá trình cổ phần hóa. Việc Hãng phim truyện Việt Nam sẽ tiếp tục như thế nào, có giữ được vị thế đầu đàn hay không cũng khiến nhiều người lo lắng.

Đạo diễn Vương Đức cho hay: “Chúng tôi sẽ phải học rất nhiều thứ, những gì chúng tôi thua kém các hãng phim tư nhân thì đều phải học”.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Hãng bày tỏ: “Khi việc Nhà nước đặt hàng làm phim không còn, đương nhiên chúng tôi sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với tất cả các hãng phim khác trên thị trường. Tôi rất lo ngại, bởi một hãng có bề dày truyền thống như vậy nhưng không có nhà sản xuất, không có nhà phát hành. Các hãng phim lớn khác đều có phần đầu vào và đầu ra, trong khi Hãng phim truyện Việt Nam mới chỉ có phần giữa. Không có nhân lực cho các khâu phát hành và sản xuất. Hãng giống như một người khổng lồ mới đang lẫm chẫm bước đi giữa thị trường này”.

Những lo lắng này không phải vô căn cứ, bởi theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, các hãng tư nhân cũng đã phải mất hàng chục năm để tồn tại được, họ cũng đã phải tổn thất rất nhiều, và sống còn họ cũng phải xây dựng các cụm rạp của mình. Hãng phim truyện Việt Nam không có thị phần, không có đầu ra, phải qua các cụm rạp khác vô cùng khó khăn, thậm chí phải dùng cả mánh khóe, trong khi hãng cũng không có cả mánh khóe. Đạo diễn nhấn mạnh: “Tôi không biết bao nhiêu năm thì Hãng mới có thể hòa nhập được với thị trường này”.