Hãng phim hàng đầu kêu cứu
Hãng phim truyện Việt Nam, tiền thân là Doanh nghiệp Quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngày 15/3/1953. Đến năm 1959, Hãng phim truyện Việt Nam chính thức ra đời, đặt trụ sở tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội.
Đây chính là nơi sản xuất bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam “Chung một dòng sông”, và sau đó là những tác phẩm xuất sắc như: “Chị Tư Hậu”, “Con chim vành khuyên”, “Nổi gió”, “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Đến hẹn lại lên”, “Sao tháng 8”, “Bao giờ cho đến tháng mười”, “Chị Dậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Đời cát”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Giải phóng Sài Gòn”...
Nằm ở mặt tiền phố Thụy Khuê, nhưng sự nhộn nhịp của Hãng phim dừng lại ngoài cổng, nơi có những quán ăn tấp nập. |
Năm 2015, Hãng được cổ phần hóa, với nhà đầu tư mới là Tổng công ty Vận tải thủy - VIVASO. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa kéo dài, mà theo đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, có nhiều sai phạm, cho đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Cũng là tấm biển ấy, năm 2019, khi anh chị em nghệ sĩ, nhà làm phim kêu cứu. (Ảnh: TUYẾT LOAN) |
Những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam đã được Thanh tra Chính phủ kết luận theo Văn bản số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018, như: Giá trị đất đai và quyền, ưu thế sử dụng đất đai được định giá bằng 0; chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của Hãng phim; quá trình thực hiện vi phạm Luật Đấu thầu, chỉ có một nhà đầu tư là cổ đông chiến lược (Tổng công ty Vận tải thủy - VIVASO), không có kinh nghiệm, năng lực liên quan đến sản xuất phim và văn hóa điện ảnh, không đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu thực tiễn của một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực điện ảnh.
Khi đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) xin rút vốn trước thời hạn.
Tuy nhiên, việc không có thời hạn cụ thể để nhà cổ đông chiến lược là VIVASO thoái vốn khỏi Hãng phim truyện Việt Nam theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đã làm ngưng trệ mọi hoạt động liên quan đến việc thực hiện các dự án làm phim của Hãng. Hãng không đủ tư cách pháp nhân (do VIVASO chưa thoái vốn) để thực hiện các dự án phim, đồng nghĩa với việc anh em nghệ sĩ không có việc làm, thất nghiệp. Từ đó đến nay, người lao động của Hãng phim bị cắt toàn bộ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Ngoài ra, việc định giá hàng nghìn mét vuông “đất vàng” mà Hãng phim truyện Việt Nam sử dụng trước cổ phần hóa, gồm 5.000m2 ở số 4 Thụy Khuê, gần 1.000m2 tại Hoàng Hoa Thám, hơn 6.000m2 tại Cổ Loa - Đông Anh, Hà Nội; nhà 4 tầng 74m2 tại Thái Văn Lung, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ ở mức 32 tỷ đồng, không đúng với thực tế, gây thất thoát tài sản Nhà nước rất lớn.
Hiện tại, thực trạng cơ sở vật chất của hãng phim ngày càng xuống cấp, các phòng làm việc, lồng tiếng, hội trường… đã hư hỏng nhiều năm. Hãng phim gần như bị bỏ hoang, mặc cho rêu phong, cây cối mọc dại um tùm, nhà cửa bong tróc, ẩm mốc, hư hỏng…
300 cuốn phim, trong đó có nhiều phim lịch sử, phim kinh điển đang được lưu giữ theo cách này. (Ảnh: Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân) |
Không chỉ vậy, nhiều di sản có giá trị về mặt lịch sử như đạo cụ, khoảng 300 cuốn phim kinh điển, trong đó có cả bộ phim đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam “Chung một dòng sông”, đều ở trong tình trạng hư hại nặng.
Tất cả đều trong tình trạng hư hỏng nặng nề. (Ảnh: Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân) |
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân than thở: “Tất cả các phim do Hãng sản xuất từ ngày đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (1959) đều nằm ở Kho lưu trữ phim của Hãng, với khoảng hơn 300 phim, bắt đầu từ phim "Chung một dòng sông". Những thước phim quý giá được trả bằng máu, mồ hôi và nước mắt của bao thế hệ, đồng hành với chiều dài của một phần lịch sử bi tráng của dân tộc đang trở thành những đống nhựa dính bệt, mất khả năng sử dụng. VIVASO đã không duy trì các chế độ bảo dưỡng thông lệ, máy lạnh kho phim đã hỏng hàng tháng trời".
Rễ cây mọc xuyên qua những bức tường, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. |
Từ năm 2017, các nghệ sĩ, nhà làm phim, cán bộ nhân viên Hãng phim đã nhiều lần kêu cứu chung quanh việc không có việc làm, bị cắt lương, cắt bảo hiểm… và quan trọng nhất là nguy cơ xóa sổ Hãng phim hàng đầu của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam, một hãng phim có ý nghĩa về mặt lịch sử và di sản.
Những tấm băng-rôn kêu cứu vì bị cắt lương, cắt bảo hiểm được chăng dọc tường Hãng phim hồi năm 2019. (Ảnh: TUYẾT LOAN) |
Năm 2019, các nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên, quay phim, kỹ thuật… của Hãng Phim truyện Việt Nam lại một lần nữa đồng loạt giăng băng-rôn chung quanh khu vực số 4 Thụy Khuê sau sự việc hàng loạt cán bộ nhân viên, nghệ sĩ… bị Ban giám đốc cắt lương và bảo hiểm xã hội.
Mới đây nhất, năm 2022, tập thể nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam tiếp tục viết đơn kêu cứu gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẩn thiết đề nghị chỉ đạo giải quyết dứt điểm sai phạm trong cổ phần hóa Hãng phim.
Mong mỏi một sự thay đổi
Trong lễ kỷ niệm 70 năm nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam tại Nhà hát Lớn ngày 15/3 vừa qua, lời kêu cứu đó bắt đầu được chú ý đến khi NSND Trà Giang lên tiếng về thực trạng của Hãng phim.
Ngay lập tức, ngày 17/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) đang bị hoang tàn, đổ nát. Đồng thời, tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23/3/2023.
Một cánh cửa được niêm phong từ năm 2019. |
Đồng thời, ngày 20/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có thông tin về việc thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ vào tháng 3, tháng 8 và tháng 9/2018.
Những tấm mút cách âm vứt bừa bãi trước cửa phòng hòa âm. |
Theo đó, Bộ cho biết, Bộ đã gửi Thanh tra Chính phủ các báo cáo quá trình thực hiện Kết luận Thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, trong đó báo cáo những vấn đề cụ thể, xin ý kiến Thanh tra Chính phủ và đề xuất Thanh tra Chính phủ chủ trì xem xét, rà soát, kiểm tra việc thực hiện thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho Nhà đầu tư chiến lược (Tổng Công ty vận tải thủy) để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận Thanh tra.
Trong thời gian qua, Bộ cũng đã nhận được nhiều đơn kiến nghị của tập thể cán bộ công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam. Căn cứ vào tình hình thực tế tại Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ sớm có ý kiến hướng dẫn về việc thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho Nhà đầu tư chiến lược để giải quyết tận gốc những vấn đề vướng mắc tại Công ty, sớm ổn định tình hình tại Công ty, có cơ sở bảo đảm quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Những căn phòng làm việc đóng cửa then cài, không còn ai lui tới. Tường, cửa và lối đi đều đã xuống cấp trầm trọng. |
Tại Công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 13/9/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu chi tiết những nội dung về quá trình triển khai thực hiện kết luận Thanh tra liên quan đến vụ việc kéo dài ở Hãng phim. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính về phương án hoàn trả tiền và nhận lại cổ phần của nhà đầu tư chiến lược; thực hiện đàm phán với nhà đầu tư về hình thức thực hiện cũng như xác định cụ thể số tiền phải hoàn trả cho nhà đầu tư chiến lược.
Về việc triển khai thực hiện các nội dung khác tại Kết luận Thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đã chỉ đạo nguyên Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam qua các thời kỳ, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ thực hiện kiểm điểm những hạn chế, sai sót đã xảy ra trong công tác quản lý Hãng phim truyện Việt Nam, những hạn chế thiếu sót trong việc chỉ đạo công tác cổ phần hóa.
Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ, trong thời gian vừa qua, mặc dù đã tích cực triển khai, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện cổ phần hóa ở Hãng phim theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Ngành nghề đầu tư của Hãng phim truyện không thuộc đối tượng theo danh mục ngành nghề nhà nước phải đầu tư để mua vốn tại các công ty cổ phần. Đồng thời, từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần cũng như quá trình hoạt động trước khi cổ phần hóa của Công ty không hiệu quả nên căn cứ theo quy định của Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước, hoạt động nhận lại cổ phần tại Hãng phim truyện không thuộc đối tượng nhà nước đầu tư. Việc thực hiện nhận lại cổ phần tại Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ Tài chính đã chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đề xuất lấy nguồn từ Quỹ Hỗ trợ sản xuất và Phát triển doanh nghiệp để hoàn trả lại cổ phần cho nhà đầu tư.
Cùng với đó là những tồn tại, vướng mắc về vấn đề đất đai của Hãng phim truyện Việt Nam đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để; khó khăn về xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần; hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam chưa đạt theo kế hoạch sản xuất kinh doanh được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông lần đầu...
Về những bức xúc từ dư luận về thực trạng kéo dài tại Hãng Phim truyện Việt Nam, đặc biệt là những xáo trộn, tâm tư của các nghệ sĩ điện ảnh, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ thường xuyên nắm bắt và giao các cơ quan chức năng giải đáp, trả lời các nghệ sĩ trong phạm vi thẩm quyền của mình.
Tháng 8/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục có công văn gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo nội dung trả lời phản ánh, kiến nghị của một số cán bộ, công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam liên quan đến việc thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, quá trình thoái vốn cũng như các nội dung liên quan đến thực hiện kết luận Thanh tra tại Hãng phim vẫn chưa hoàn tất, dẫn đến những bức xúc kéo dài trong dư luận, nhất là với các nghệ sĩ điện ảnh.
Với những động thái vào cuộc từ Chính phủ và cơ quan quản lý, mong rằng ước nguyện của các nghệ sĩ, nhà làm phim sẽ trở thành hiện thực, Hãng phim sẽ “sống lại”, hơn bao giờ hết, không chỉ vì đời sống hay thu nhập cho người lao động, mà còn vì đó là một di sản không thể có lại được, một di sản gắn liền với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và của nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhà làm phim…