Người lao động ở Hãng Phim truyện Việt Nam bị ngừng mua bảo hiểm

NDO -

NDĐT – Ngày 11-5, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam có thông báo về việc ngừng đóng bảo hiểm cho người lao động kể từ ngày 1-5-2018. Quyết định này đã gây bức xúc cho các nghệ sĩ, nhà làm phim, cán bộ nhân viên của Hãng phim và khiến cho mâu thuẫn giữa lãnh đạo công ty và người lao động càng trở nên sâu thêm.

Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh: DUY LINH
Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh: DUY LINH

Cụ thể, thông báo của Chủ tịch HĐQT cho biết, Công ty sẽ không đóng các loại bảo hiểm như BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trong tháng có số ngày làm việc và hưởng tiền lương ít hơn 14 ngày. Điều đáng nói là, thông báo được ký ngày 11-5 nhưng thời gian thực hiện lại từ 1-5 đối với người lao động.

Trong khi đó, các nghệ sĩ cho biết, hiện tại ở Hãng phim các hoạt động sản xuất phim đều dừng lại (dự án phim điện ảnh " Người yêu ơi " không có động thái bấm máy sản xuất dù đã được Cục Điện ảnh duyệt để sản xuất) hoặc không có kế hoạch sản xuất phim được triển khai (dự án phim Youtube do nhân viên Hãng phim đưa lên vẫn chưa được duyệt kinh phí dù dự án này rất khả thi và có định hướng rõ ràng cho việc sản xuất cũng như mục tiêu hướng tới đối tượng theo dõi trên mạng xã hội). Như vậy đồng nghĩa với việc nghệ sĩ và các thành phần khác không có phim để làm, và dù có muốn thì công ty cũng không tạo được điều kiện cho họ được làm đúng công việc của mình là làm phim.

Vì "không có việc để làm", người lao động sẽ không được công ty đóng các loại bảo hiểm trên. Nếu muốn được đóng các loại bảo hiểm trên thì nghệ sĩ và các thành phần khác sẽ phải thực hiện việc quẹt vân tay chấm công hàng ngày theo giờ hành chính để có ít nhất 14 ngày làm việc và hưởng lương.

Người lao động ở Hãng Phim truyện Việt Nam bị ngừng mua bảo hiểm ảnh 1

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam (trước khi cổ phần hóa) bức xúc cho biết: “Họ dựa trên việc đi làm tại Hãng 14 ngày/tháng, đặt máy vân tay để kiểm tra sự có mặt của người lao động, để đánh giá hiệu quả công việc là hoàn toàn không phù hợp với đặc thù công việc của những người làm phim. Chúng tôi là những người lao động nghệ thuật, các nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà biên kịch có thể làm việc không theo giờ giấc, không có địa điểm cố định, có những lúc làm việc thâu đêm suốt sáng, khi đó ai chấm công cho chúng tôi?. Việc chấm công bằng vân tay không những không khuyến khích người lao động mà còn làm ảnh hưởng đến nhiệt huyết, làm tổn thất về nhân lực và không đem lại lợi ích gì cho tương lai của Hãng phim”.

Theo đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, việc căn cứ vào 14 ngày làm việc để cắt bảo hiểm của người lao động sẽ làm ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến đời sống của cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ, thậm chí anh cho rằng đây là cách làm “triệt đường sống của nghệ sĩ”.

Đạo diễn cũng cho biết, thực tế là hiện tại Hãng phim truyện Việt Nam vẫn đang trong quá trình cổ phần hóa và đển tháng 6-2018 mới hoàn thành quá trình này. Vì thế Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso vẫn chỉ đang tạm thời chứ chưa phải hoàn toàn nắm quyền tại Hãng phim. Mọi quyết định đưa ra lúc này đều phải hết sức cân nhắc, chứ không phải đưa ra một quyết định ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người lao động như vậy.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng chia sẻ, các nghệ sĩ mong muốn Chính phủ cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm công bố kết quả thanh tra việc cổ phần hóa Hãng phim. Anh cho rằng, không ai có thể chắc chắn khẳng định được sau khi có kết quả thanh tra, Vivaso sẽ chính thức là chủ hãng phim, Hãng phim có cổ phần hóa hay không, hay đi theo một hướng khác. “Nếu thời gian chờ đợi kết quả thanh tra này kéo dài quá lâu, người lao động khó có thể chờ đợi được, vì họ còn phải kiếm sống để tồn tại” – anh nói.

Trước đó, ngày 14-5, tại cuộc họp thông báo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ phải xử lý dứt điểm một số vụ việc nổi cộm của ngành, trong đó có việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam trong năm 2018.

Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) được cổ phần hóa vào tháng 4-2016, với 20% vốn điều lệ thuộc Nhà nước, 65% thuộc về Vivaso.

VFS quản lý nhiều khu đất vàng có giá trị rất lớn như khu đất tại xã Uy Nỗ, Đông Anh; số 46, ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, số 4 Thụy Khuê hay số 6, Thái Văn Lung, TP. Hồ Chí Minh…nhưng giá trị của Hãng phim được định giá bằng 0 đồng.