CNN vinh danh phim châu Á

CNN vinh danh phim châu Á

Điện ảnh châu Á với bốn tỷ dân ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ  đã chiếm tới hơn một nửa số lượng phim trên toàn thế giới.

Bollywood, nền công nghiệp điện ảnh của Ấn Độ, mỗi năm sản xuất tới 1.000 phim, nhiều gần gấp đôi Hollywood. Không chỉ chiếm số lượng lớn về phim ảnh, châu Á cũng là nơi sản sinh nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên tài năng…

Có thể kể đến hai bộ phim châu Á có tiếng vang lớn đối với điện ảnh thế giới. Đó là “Ngọa hổ tàng long” của đạo diễn Trung Quốc Lý An và "Ju-on: The Grudge" (Lời nguyền), bộ phim kinh dị hàng đầu của đạo diễn Nhật Bản Takashi Shimizu. Những đạo diễn như Lý An, Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu, Vương Gia Vệ của Trung Quốc, hay Mehboob Khan, đã trở thành thế hệ đạo diễn tài danh với tên tuổi vang xa khắp thế giới.

Với những tên tuổi trên, điện ảnh Trung Quốc cũng có nhiều phim lọt vào danh sách nhất.

Danh sách các phim hay nhất mọi thời đại:

- 'In the Mood for Love' (Tâm trạng khi yêu, đạo diễn Vương Gia Vệ, năm 2000, phim Hồng Công Trung Quốc).

Khi thực hiện bộ phim này, đạo diễn Vương Gia Vệ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi bộ phim kinh dị tâm thần "Vertigo" của đạo diễn Hitchcock. Bộ phim lãng mạn với diễn xuất của hai ngôi sao điện ảnh Hồng Công Lương Triều Vĩ và Trương Mạn Ngọc đã đem về giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Lương Triều Vĩ.

- “Mother India” (“Bharat Mata” - Mẹ Ấn Độ, đạo diễn Mehboob Khan, năm 1957, phim Ấn Độ,)

Đây là phim bom tấn đầu tiên của Ấn Độ, và được coi là “Cuốn theo chiều gió” của Ấn. Huyền thoại Nargis thủ vai một phụ nữ chèo chống nuôi con một mình sau khi tai nạn biến chồng bà thành người tàn tật. Sau này, bà trở thành người giúp đỡ dân làng đấu tranh lấy lại những khu vực đất đai bị chiếm. Năm 1957, “Mother India” được đưa vào danh sách đề cử Oscar cho phim nước ngoài hay nhất, đây cũng là đề cử Oscar đầu tiên của Ấn Độ.

- “The Host” (Quái vật sông Hàn, Bong Joon-ho, năm 2006, phim Hàn Quốc)

“The Host” đã tạo nên một thứ quái vật ghê gớm nhất mà điện ảnh từng làm, phim hấp dẫn đến mức 20% người dân Hàn Quốc từng xem qua phim này. Bộ phim dựa trên sự kiện có thật về việc một người lính Mỹ từng nhận lệnh xả formaldehy vào hệ thống cống dẫn ra sông Hàn. Sáu năm sau một con mực ống khổng lồ xuất hiện và tấn công con người, tất nhiên chi tiết này là giả tưởng.

- 'Syndromes and a Century' (Hội chứng và một thế kỷ, phim Thái-lan, đạo diễn Apichatpong Weerasethakul, năm 2006) .

Những câu chuyện, những cuộc đời, những ký ức tại một bệnh viện được đạo diễn Weerasethakul kể lại bằng hình ảnh. Đây là một trong bảy phim được Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan phim New Crowned Hope giới thiệu. Tạp chí điện ảnh Pháp "Les Cahiers du Cinéma" bình chọn “Syndromes and a Century” là một trong mười phim xuất sắc nhất năm 2007.

- “Whale Rider” (Người cưỡi cá voi, đạo diễn Niki Caro, phim New Zealand, năm 2002).

Bộ phim kể về Pai, cô gái sinh ra trong một bộ lạc nam quyền, và tin rằng mình chính là tộc trưởng theo sự sắp đặt của số phận. Với vai diễn “Pai” trong “Whale Rider”, diễn viên nhí 12 tuổi Keisha Castle-Hughes được đề cử giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. 

- “Người tốt ở Tam Hiệp” (đạo diễn Giả Chương Kha, năm 2006, phim Trung Quốc).

Bộ phim của đạo diễn họ Giả dựa trên những bi kịch của người dân sống tại đập Tam Hiệp trên dòng Dương Tử. Nhân vật chính là một người thợ mỏ trở về quê hương tìm lại vợ con, nhưng căn nhà của anh đã chìm sâu dưới ba tầng nước. Phim đưa ra những mâu thuẫn giữa sự phát triển với những giá trị văn hóa đang bị lãng quên. “Người tốt ở Tam Hiệp” đã giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice 2006.

- “Nhà tắm công cộng” (đạo diễn Trương Dương, năm 1999, phim Trung Quốc)

Bộ phim hài hước nhưng cũng đầy cảm động về một doanh nhân ở Thâm Quyến trở về nhà ở Bắc Kinh, nơi cha mình đang điều hành một nhà tắm công cộng. Anh bị giằng xé giữa những kỷ niệm của tuổi thơ và cuộc sống sôi động của thành phố phía nam, cùng người vợ chưa từng về thăm gia đình anh. Khi cha ốm, anh chợt nhận ra mình phải làm gì… Nhà tắm công cộng” giành giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Seatle 1999.

- 'Shall we dansu?' (“Chúng ta khiêu vũ nhé”, đạo diễn Masayuki Suo, phim Nhật Bản, năm1998)

Phim kể về một kế toán viên thành đạt trong sự nghiệp nhưng không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống riêng. Một lần anh nhìn thấy một phụ nữ xinh đẹp qua cửa sổ câu lạc bộ khiêu vũ, và từ đó anh quyết định tiếp cận nàng, nhưng cuối cùng lại tìm thấy niềm đam mê đích thực ở những vũ điệu. Năm 2004, Hollywood đã dựng lại phim này với diễn xuất của hai ngôi sao Jennifer Lopez và Richard Gere.

- 'The Ballad of Narayama' (“Sự lãng mạn ở Narayama”, đạo diễn Keisuke Kinoshita,phim Nhật Bản, năm1958) .

Phim kể về thời kỳ khan hiếm lương thực hồi thế kỷ 19 tại một ngôi làng hẻo lánh. Nhiều người già tuổi ngoài 70 ở đây đã phải tìm đến ngọn núi băng giá Narayama để chết, nhằm bớt cho gia đình một miệng ăn. Phim giành giải Cành cọ vàng tại Cannes 1984.

“Vô gian đạo” (đạo diễn Lưu Vĩ Cường và Mạch Thiệu Huy, phim Hồng Công Trung Quốc, năm 2002)

Bộ phim hình sự về một sĩ quan cảnh sát sống hai mặt, làm tay trong cho một băng đảng ở Hồng Công. “Vô gian đạo” trở thành bộ phim được khán giả Hồng Công yêu thích nhất vào thời gian này. Năm 2007, phiên bản Hollywood của “Vô gian đạo” với tên gọi “The Departed” đã giành giải Oscar cho phim hay nhất.

“Mandala” ( đạo diễn Kwon-Taek Im, phim Hàn Quốc, năm 1981)

Phim mô tả cuộc sống của hai nhà sư tại Hàn Quốc, với cái nhìn về sự tự nhiên của chủ nghĩa cá nhân, đức tin và giác ngộ. Đây cũng là tác phẩm làm nên tên tuổi của đạo diễn Im Kwon-Taek.

“Phải sống”’ (đạo diễn Trương Nghệ Mưu, phim Trung Quốc, năm 1994)

Bộ phim kể về những người từng rất giàu có, nhưng sự thay đổi bất ngờ của cuộc đời đã khiến họ phải nếm trải cuộc sống nghèo khổ của nông dân. Phim gắn liền với tên tuổi của đạo diễn tài ba họ Trương.

- “Bao giờ cho đến tháng Mười” (đạo diễn Đặng Nhật Minh, phim Việt Nam, năm 1984)

Bi kịch của cuộc chiến tranh còn kéo dài trong thời bình, qua cuộc sống của một người phụ nữ có chồng là bộ đội hy sinh trong chiến đấu. Phim được phát hành trên thế giới với cái tên tiếng Anh "The Love Doesn't Come Back" (Tình yêu không trở lại).

- 'Himala' ( đạo diễn Ishmael Bernal, phim Philippines, năm 1982).

Phim kể về một cô gái trẻ cho rằng mình đã nhìn thấy Đức mẹ đồng trinh và quyết định đi tìm. Phim đưa ra cái nhìn về những điều kiện văn hóa xã hội khắc nghiệt của những người thuộc thế giới thứ ba.

- “Hiệp nữ” (đạo diễn King Hu, phim Hồng Công – Đài Loan, năm 1969.

Bộ phim kiếm hiệp có ảnh hưởng sâu sắc tới “Ngọa hổ tàng long” của Lý An sau này, mở ra thời kỳ hoàng kim của phim kiếm hiệp Hồng Công. Đây cũng là phim đầu tiên của Trung Quốc giành giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes.

- 'Ikiru' (đạo diễn Akira Kurosawa, phim Nhật Bản, năm 1952) ,.

Khi phát hiện ra mình bị ung thư, Kanji Watanabe mới thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc sống, bằng những gì mình từng trải qua. Takashi Shimura trong vai Watanabe đã giành giải thưởng Nam diễn viên nước ngoài xuất sắc nhất BAFTA năm 1960.

- 'Utu' (đạo diễn Geoff Murphy, phim New Zealand, năm 1983) .

Dựa trên những sự kiện của cuộc chiến tranh Te Kooti những năm 1870, phim kể về một thổ dân Maori tên là Te Wheke phục vụ cho quân đội Anh. Khi trở về nhà, ngôi làng nơi anh sống, cùng gia đình anh đều bị quân đội Anh tàn phá…

- 'Gabbeh' (“Tấm thảm”, đạo diễn Mohsen Makhmalbaf, phim Iran, năm 1996) .

Một cặp vợ chồng già đang lau chùi tấm thảm của mình thì một cô gái xuất hiện và kể câu chuyện thú vị qua tấm thảm. Phim được đánh giá là “ đẹp” và từng giành nhiều giải thưởng.

TUYẾT LOAN
(CNN)