Tiếp tục nâng cao đời sống người có công

Trong năm 2023, công tác chăm sóc người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện hiệu quả. Chính sách trợ cấp thường xuyên được thực hiện với hơn 1,1 triệu người với kinh phí khoảng 29.000 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu người có công dự họp mặt kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đại biểu người có công dự họp mặt kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 của ngành lao động-thương binh và xã hội cho thấy, công tác chăm sóc người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện hiệu quả.

Đây là thông tin từ Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 diễn ra sáng 26/12 tại Hà Nội.

Cụ thể, trong năm 2023, hoạt động chăm sóc người có công tiếp tục triển khai hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; triển khai Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1007/QĐ-TTg ngày 30/8/2023 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiếp tục nâng cao đời sống người có công ảnh 1
Quang cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan đã tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên cho hơn 1,1 triệu đối tượng với kinh phí thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho 2.332 người với tổng kinh phí 100 tỷ đồng.

Công tác chi trả chính sách trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích đã được triển khai tại 54 tỉnh, thành phố. Hằng tháng, hệ thống bưu điện phục vụ chi trả hơn 950.000 đối tượng, bảo đảm mạng lưới điểm chi trả thuận tiện, an toàn, bao phủ đến tận xã, phường.

Các cơ quan liên quan đã tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên cho hơn 1,1 triệu đối tượng với kinh phí thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho 2.332 người với tổng kinh phí 100 tỷ đồng.

Với các trường hợp người có công ốm đau bệnh nặng, không thể đi lại và không có người thân lĩnh thay, nhân viên bưu điện phục vụ chi trả miễn phí tận nhà người hưởng.

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội được đẩy mạnh chăm lo đời sống người có công và thân nhân người có công tiếp tục được cải thiện, nâng cao hơn.

Công tác thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đến đúng đối tượng. Trong đó, các địa phương đã tặng quà Tết cho hơn 1,5 triệu đối tượng với kinh phí hơn 460,6 tỷ đồng; tặng quà dịp 27/7 cho gần 1,4 triệu đối tượng với kinh phí trên 427 tỷ đồng.

Đặc biệt, ngày 22/7/2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Cùng với đó, cơ quan chức năng đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới 187 bằng Tổ quốc ghi công; cấp lại 11.123 bằng Tổ quốc ghi công; cấp trích lục 200 hồ sơ liệt sĩ; tiếp nhận 3.475 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 160 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ để giám định ADN.

Công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng cũng ngày càng được thực hiện tốt hơn.

Tính đến ngày 20/11/2023, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 600 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới khoảng 4.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa khoảng 3.500 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 580 tỷ đồng; tặng 10.500 sổ tiết kiệm với kinh phí hơn 27 tỷ đồng. Cả nước có 2.950 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Ngân sách trung ương chi 600 tỷ đồng nâng cấp, tu bổ, sửa chữa mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ cho các địa phương bảo đảm bền vững lâu dài, phát huy tính giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Đến 20/11/2023, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 600 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới khoảng 4.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa khoảng 3.500 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 580 tỷ đồng; tặng 10.500 sổ tiết kiệm với kinh phí hơn 27 tỷ đồng.

Nỗ lực chuyển đổi số toàn diện trên lĩnh vực người có công

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, bước vào năm 2024, sẽ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên lĩnh vực người có công và xã hội để hoàn thiện hệ thống cơ sở an sinh xã hội trên tất cả lĩnh vực.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội trong năm 2024 là hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội.

Cụ thể, ngành lao động-thương binh và xã hội sẽ tập trung xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa những chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích tiếp tục được hoàn thiện. Việc đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đặc thù của đối tượng hưởng, đáp ứng yêu cầu bao phủ điểm rút tiền mặt từ tài khoản đến tận cấp xã, phường, bảo đảm thuận tiện, an toàn cho đối tượng hưởng; phục vụ chi trả tận nhà đối với các trường hợp đặc biệt không thể đi lại được và không có người thân lĩnh thay.

Một nội dung quan trọng nữa là tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về người có công. Triển khai quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tu sửa, nâng cấp mộ liệt sĩ, các công trình nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm bảo đảm khang trang, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, điều dưỡng người có công với cách mạng sẽ được chú trọng hơn. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.