Tuy nhiên, sau thời gian triển khai đến nay nhiều tỉnh, thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa đạt được kết quả. Tại tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam, trong hai năm qua, sở, ngành và các huyện miền núi xin điều chỉnh giảm nguồn vốn, chuyển kinh phí và thậm chí “trả vốn” vì không triển khai được công tác đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm.
Liên tục kiến nghị “trả vốn”, điều chỉnh nguồn hỗ trợ
Thực hiện chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS và MN, năm 2022-2023, huyện Sơn Hà và Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) được bố trí 31,2 tỷ đồng. Sau thời gian thực hiện, huyện Sơn Hà chưa tổ chức được lớp đào tạo nghề; còn huyện Trà Bồng đào tạo tám lớp với 160 học viên. Cả hai huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi chỉ đào tạo nghề và giải ngân 2,6 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị “trả lại” 28,6 tỷ đồng và liên tục xin điều chỉnh giảm nguồn vốn cho những năm tới.
Không chỉ ở các huyện miền núi, cơ quan chuyên môn thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động miền núi cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ năm 2022 đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi được bố trí gần năm tỷ đồng để đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới ba tháng cho người dân vùng đồng bào DTTS và MN. Dù có nhiều biện pháp, nhưng kết quả thực hiện thấp, chỉ đạt hơn 5% nguồn vốn được bố trí. Đến tháng 10/2023, đơn vị này chỉ thực hiện công tác đào tạo nghề với kinh phí 330 triệu đồng và xin giảm 3,9 tỷ đồng của kế hoạch thực hiện hai năm qua.
Tình trạng kinh phí nhiều nhưng thực hiện ít cũng xảy ra tại tỉnh Quảng Nam. Tổng nguồn vốn dành cho chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và MN tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2030 trong năm 2023 hơn 32 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2023, đơn vị, địa phương tỉnh Quảng Nam sẽ thực hiện hơn 10,2 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch vốn được giao. Với kinh phí 866 triệu đồng, đến tháng 9/2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam giải ngân 137 triệu đồng, dự kiến đến cuối năm thực hiện 620 triệu đồng và “trả lại” 248 triệu đồng.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở miền núi luôn được các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam quan tâm, tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, địa phương. Với kinh phí hơn 30 tỷ đồng, 10 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới ba tháng cho 980 lao động. Năm 2023, các huyện dự kiến đào tạo 2.500 lao động miền núi, với chi phí hơn 8,8 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch. Huyện Nam Trà My phối hợp năm xã vùng sâu để tư vấn, tuyển sinh hơn 200 lao động có nhu cầu học nghề; đặt hàng đào tạo sáu lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp gồm: sản xuất hàng mây tre đan, kỹ thuật trồng cây dưới tán rừng và thu hoạch, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi. Nguồn vốn ưu tiên cho địa phương trong hai năm qua là 3,4 tỷ đồng, nhưng chỉ tổ chức đào tạo kinh phí 422 triệu đồng, gần ba tỷ đồng vẫn chưa thực hiện được.
Nguyên nhân công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở vùng đồng bào DTTS và MN khó thực hiện, tình trạng “trả vốn”, xin giảm vốn hỗ trợ là do nhiều địa phương khảo sát nhu cầu không thực tế; nhu cầu học nghề ít; nghề đăng ký không tập trung, khó khăn trong việc đặt hàng đào tạo.
Đồng chí Từ Thanh Kiều, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Sơn Hà cho biết: Từ năm 2022 đến nay, phòng chưa tổ chức được các lớp đào tạo nghề. Đơn vị không có chuyên môn mở lớp, trung tâm đào tạo nghề đã giải thể nên gặp nhiều khó khăn. Chỉ tiêu đào tạo nghề cho hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và vùng đồng bào DTTS và MN là 400 lao động, tương đương một cơ sở đào tạo nghề, số lượng quá lớn không thể đảm đương.
Bên cạnh đó, các huyện miền núi thực hiện cùng lúc công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và MN. Cả hai chương trình có nguồn vốn lớn, đều liên quan đến đào tạo nghề, cho nên nhiều địa phương không thể thực hiện song song.
Một thực tế hiện nay tại các huyện miền núi của tỉnh, thành phố khu vực miền trung là nhiều trường nghề đã giải thể, không còn nơi đào tạo nghề cho lao động địa phương. Do không có cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên nhiều huyện miền núi phải liên kết các trường dạy nghề với chi phí đào tạo cao, trong khi đó định mức dạy nghề của chương trình thấp cho nên khó thực hiện. Thiếu trường dạy các ngành nghề chuyên lĩnh vực nông-lâm nghiệp, trồng trọt chăn nuôi, thú y, cho nên phần lớn nguồn kinh phí này chỉ thực hiện nội dung hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, dưới ba tháng và một số hoạt động truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm.
Đồng chí Mạc Như Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang cho biết: Công tác đào tạo nghề khó đạt chỉ tiêu theo kế hoạch. Nguyên nhân là do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không muốn lên huyện Tây Giang liên kết đào tạo nghề vì quãng đường khá xa, định mức kinh phí đào tạo theo quyết định của UBND tỉnh còn thấp.
Nghề đan lát truyền thống của đồng bào Ca Dong, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. |
Tháo gỡ khó khăn từ thực tế
Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp lao động ở các huyện miền núi được đào tạo, trang bị kỹ năng nghề. Từ đó, phát triển kinh tế với mô hình, cách thức làm ăn phù hợp, hiệu quả; nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS và MN.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam quá trình thực hiện vấn đề này còn nhiều vướng mắc, khó khăn nên chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Cần có sự chủ động, quyết liệt của các địa phương và tháo gỡ khó khăn từ thực tế để chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả cao hơn.
Trong hai năm qua, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi được phân bổ hơn 1,4 tỷ đồng để đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Huyện Sơn Tây khuyến khích, gắn kết giữa học nghề với hỗ trợ sản xuất. Sau khi các xã lập danh sách hộ gia đình cần hỗ trợ cây, con giống, địa phương vận động bà con đăng ký học nghề chăn nuôi, trồng trọt trước khi nhận hỗ trợ. Giải pháp này giúp huyện Sơn Tây đào tạo nghề hơn 200 học viên, đạt hơn 80% kế hoạch năm.
Đồng chí Bạch Ngọc Thêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây cho biết: Huyện hợp đồng với trường nghề ngoài tỉnh và tổ chức dạy theo đợt. Tuy nhiên, có một số ngành nghề cần nhưng chưa có trong danh mục. Đề nghị tỉnh bổ sung thêm ngành dạy, mở thêm nhiều phiên giao dịch việc làm để người dân có cơ hội tiếp cận công việc và giải ngân các dự án.
Nhiều địa phương cho rằng, chính sách hỗ trợ, đào tạo trình độ sơ cấp, dưới ba tháng quá thấp; với mức hỗ trợ tiền ăn 30 nghìn đồng mỗi ngày học, 200 nghìn đồng chi phí đi lại chưa thu hút người học nghề. Bên cạnh đó, các trung tâm đào tạo, trường dạy nghề của các huyện miền núi tại tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam đã giải thể, không còn hoạt động vì vậy cần nâng mức hỗ trợ; chuyển nguồn vốn tập trung để sở, ngành tỉnh thực hiện theo nhu cầu thực tế của các địa phương.
Theo đồng chí Nguyễn Tấn Đối, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi: Hiện nay các trung tâm giáo dục nghề nghiệp tại các huyện đã giải thể dẫn đến khó khăn khi đào tạo nghề cho người dân ở miền núi. Nguồn kinh phí về đào tạo nghề cấp cho sở, huyện cùng thực hiện nên việc triển khai đặt hàng đào tạo nghề đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó khăn.
Cùng với việc kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, các đơn vị, địa phương cần chủ động thực hiện chương trình mục tiêu theo điều kiện thực tế; vận dụng linh hoạt, liên kết các tiểu dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia để đạt hiệu quả cao hơn.
Đồng chí Đặng Duy Ba, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Nam Trà My cho biết: Huyện tiếp tục tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực của người dân về công tác đào tạo nghề, vận động người lao động đăng ký tham gia học nghề, chuyển đổi việc làm sang lĩnh vực phi nông nghiệp. Đơn vị phấn đấu tổ chức từ 20-30 lớp để đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới ba tháng và hỗ trợ cho hơn 1.000 lao động tiếp cận với các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ■