Hỗ trợ việc làm cho người lao động

Sau khi đọc kỹ bảng tuyển dụng lao động tại phiên giao dịch việc làm huyện Ðông Anh vừa diễn ra mới đây, chị Trần Thị Thu, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí công nhân may tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động tìm việc làm tại phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Ðông Anh, Hà Nội. (Ảnh THU PHƯƠNG)
Người lao động tìm việc làm tại phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Ðông Anh, Hà Nội. (Ảnh THU PHƯƠNG)

Trước đây, chị là công nhân may nhưng đã nghỉ việc từ cuối năm 2022 do công ty giảm đơn hàng. Từ đó đến nay, chị Thu làm đủ các việc bán thời gian từ phụ hàng ăn, giao hàng, trông trẻ... để mưu sinh.

Nữ công nhân này vẫn luôn mong muốn có việc làm ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ khi về hưu. "Nếu như vài tháng trước tôi gặp khó khăn khi nộp hồ sơ vì liên quan đến độ tuổi, trình độ... thì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp mở rộng độ tuổi tuyển dụng lên đến 40, không yêu cầu tốt nghiệp cấp trung học phổ thông, có thêm kinh nghiệm may là một lợi thế. Do đó, tôi đã tìm được cơ hội công việc", chị Thu chia sẻ.

Cũng như chị Thu, nhiều công nhân, lao động từng thất nghiệp cho biết, sau thời gian tìm kiếm việc làm đầy khó khăn, ở thời điểm này, họ cảm thấy dễ dàng tiếp cận cơ hội công việc hơn thông qua nhiều kênh thông tin việc làm, nhất là tại các sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm diễn ra liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Biết được thông tin Ngày hội giao dịch việc làm quận Tây Hồ, anh Trần Huy, sinh sống tại quận Hoàn Kiếm có mặt từ rất sớm với mong muốn tìm được việc làm phù hợp. Sau khi tìm hiểu một số công việc đang được các doanh nghiệp tuyển dụng tại Ngày hội, anh Huy quyết định đăng ký ứng tuyển vào vị trí nhân viên kỹ thuật của Công ty cổ phần Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam.

Bày tỏ niềm hứng khởi khi đã tìm được nhà tuyển dụng, vị trí công việc phù hợp cho bản thân, anh Huy chia sẻ: "Tôi đã tìm được việc làm phù hợp trình độ và kỹ năng của mình. Ngày hội là cầu nối hữu ích giữa doanh nghiệp và người lao động, qua đó người lao động biết được thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp".

Ngày hội giao dịch việc làm đã thu hút sự tham gia của rất đông sinh viên trên địa bàn Thủ đô. Nhiều sinh viên đã tìm được việc làm phù hợp, được trau dồi, học hỏi, trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động của thị trường lao động. Em Phạm Văn Linh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: "Ðến với Ngày hội, chúng em mong muốn được gặp gỡ các nhà tuyển dụng, rèn thêm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trả lời phỏng vấn khi đi xin việc làm và tìm được công việc làm thêm phù hợp với ngành học".

Cuối năm, nhu cầu tuyển dụng đang tăng cao ở nhóm thương mại-dịch vụ, tiếp đến là nhóm công nghiệp chế biến-chế tạo. Các lĩnh vực ngành nghề hoạt động khác như xây dựng, tài chính-ngân hàng, văn phòng cũng sẽ tăng tuyển dụng. Riêng lĩnh vực công nghệ thông tin thời gian qua có nhu cầu tuyển dụng lớn và vẫn tiếp tục xu hướng này... Có một thực tế ở ngày hội là nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng số lượng lao động đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chưa cao.

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, vào dịp cuối năm, có nhiều dịp lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán... các doanh nghiệp sẽ tăng cường sản xuất, kinh doanh, chính vì thế thị trường lao động cũng sẽ sôi động hơn, trong đó thương mại-dịch vụ là lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao nhất.

Do đó, bên cạnh các phiên giao dịch việc làm định kỳ từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, đồng bộ trên nhiều sàn giao dịch, trung tâm đã lên kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch chuyên đề, lồng ghép khác cả trực tiếp và trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động và hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm vào dịp cuối năm. Trong tháng 11 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 23 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 700 đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng, với hơn 12.800 chỉ tiêu.