Tiền Giang: Nhiều tàu cá “nằm bờ”

NDO - Thông thường, sau Tết Nguyên đán 2023, hàng trăm tàu cá ở Tiền Giang vươn khơi, bám biển. Tuy nhiên, đến nay, rất nhiều tàu công suất lớn, đánh bắt ở các ngư trường truyền thống vẫn còn nằm bờ do chủ tàu không còn vốn và không tìm được bạn ghe…
0:00 / 0:00
0:00
Các tàu đánh bắt vẫn “nằm bờ” tại ấp Xóm Lăng, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông.
Các tàu đánh bắt vẫn “nằm bờ” tại ấp Xóm Lăng, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông.

Ngày 7/2, khu vực bến lên xuống hải sản thuộc ấp Xóm Lăng, thuộc xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) vắng lặng bất thường. Dọc theo khu neo đậu tàu, thuyền có hơn 40 tàu cá công suất lớn nằm nối đuôi nhau, không người trông coi. Đây là điều bất thường so với những năm trước đây.

Trao đổi vấn đề này, ông Văn Công Hưởng, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, chủ 10 tàu đánh bắt hải sản tại ngư trường Trường Sa và Nhà giàn DK1 cho biết: “Tất cả tàu của ông cũng như những người đầu tư nhiều tàu lớn ở khu vực này đều cho tàu “nằm bờ”.

Bởi, những năm gần đây, sản lượng hải sản đánh bắt được ngày càng ít đi. Nguồn lao động phục vụ cho việc đánh bắt ngày càng khan hiếm, chi phí vật tư phục vụ cho đánh bắt mỗi lúc một cao. Mỗi chuyến biển, chúng tôi phải chịu thua lỗ hàng trăm triệu đồng/tàu. Từ việc thua lỗ, các bạn ghe được chia ít hơn nên họ không còn mặn mà gắn bó với nghề biển nữa”.

Việc có quá nhiều tàu cá nằm bờ cũng khiến cho địa phương lo lắng. Ông Huỳnh Vũ Khanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông cho biết, đến nay, toàn xã có 15/59 tàu đánh bắt hải sản ra khơi. Các tàu ra khơi chủ yếu cũng đánh bắt gần bờ. Những chiếc tàu đánh bắt xa bờ buộc phải “nằm bờ” do ngư trường cạn kiệt, chi phí phục vụ cho chuyến đánh bắt cao, không có ngư phủ, ngư phủ ứng tiền trước với số lượng nhiều… Đánh bắt thua lỗ, chủ tàu không cho ghe ra khơi nữa. Vấn đề này, xã cũng đã kiến nghị về huyện, tỉnh nhưng chưa được giải quyết.

Tại thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, nơi nhiều tàu cá bậc nhất tỉnh Tiền Giang cũng có nhiều tàu cá chưa vươn khơi bám biển. Dọc theo khu neo đậu tránh, trú bão thuộc thị trấn Vàm Láng, hàng chục tàu cá công suất lớn neo đậu san sát nhau. Hầu hết các tàu đều không có người trông coi.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Vàm Láng Nguyễn Minh Huân cho biết, đến thời điểm này, địa phương có 197/386 tàu đánh bắt xa bờ chưa ra khơi.

Trong số 189 chiếc thì có 50 phương tiện đang bị các ngân hàng kê biên hóa giá, 30 phương tiện đang thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, các phương tiện còn lại chờ những chiếc đã ra khơi đánh bắt hiệu quả đến mức nào thì mới tính đến việc vươn khơi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Tiền Giang có 624/1.037 tàu đánh bắt thủy hải sản rời bến. Hiện, 413 tàu đang nằm bờ, trong đó, 63 tàu đang được các ngân hàng kê biên, 80 tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, 270 tàu ngưng hoạt động do sửa chữa, chờ bán.

Qua rà soát thông tin tàu cá của Chi cục Thủy sản và danh sách tàu cá xuất, nhập bến từ các đồn, trạm biên phòng, tỉnh Tiền Giang hiện có 1.037 tàu từ 15m trở lên. Trong đó, tàu từ 24m trở lên có 150 tàu/91.626kW, với 1.651 thuyền viên; tàu từ 15m đến dưới 24m có 887 tàu/299.924kW, với 6.853 thuyền viên.

Ngay từ đầu năm, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang thực hiện chặt chẽ công tác giám sát các tàu xuất bến và tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi được thuận lợi, an toàn và hiệu quả.

Trong quá trình kiểm tra xuất bến, lực lượng này luôn nhắc nhở ngư dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao ý thức về việc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU, tuyệt đối không đưa tàu ra vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép; bật thiết bị giám sát hành trình 24/24, viết nhật ký đầy đủ trong quá trình khai thác, khi mất tín hiệu giám sát hành trình phải liên hệ về Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang để báo vị trí của tàu theo quy định.

Thời gian qua, nhiều tàu chưa ra khơi đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của ngư dân và kế hoạch khai thác thủy hải sản của địa phương.