Cùng ngư dân vươn khơi

Mỗi ngư dân theo thuyền ra khơi đều mong muốn chuyến về tôm cá đầy khoang, song nghề đi biển chưa bao giờ hết rủi ro… Mọi thứ đều trở nên mong manh hơn giữa ngàn khơi. Dẫu vậy, những con tàu vẫn lựa chọn xuất bến, mang theo lá cờ Tổ quốc tung bay trong nắng gió mặn mòi.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật cho ngư dân trên biển. Ảnh: NAM TRUNG
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật cho ngư dân trên biển. Ảnh: NAM TRUNG

Ðiểm tựa bám biển

Chỉ tay ra phía biển khơi, anh Nguyễn Tấn Hòa (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg 90671 TS bộc bạch: "Mỗi khi gặp sóng gió hay rủi ro gì, chúng tôi nghĩ ngay đến trợ giúp từ đất liền và các lực lượng trên biển. Không thể vững tin nếu thiếu đi sự hỗ trợ đắc lực cho ngư dân giữa biển khơi rộng lớn".

Kế nghiệp gia đình nghề biển, anh Nguyễn Tấn Hòa có hơn 20 năm lênh đênh. Gắn chặt cuộc đời trên ngọn sóng, Hòa và anh em thuyền viên đồng thời tham gia cứu hộ rất nhiều tàu thuyền giữa khơi xa. Mấy năm trước, trong lần đánh bắt gần vùng đảo Song Tử Tây, Hòa nhận tín hiệu khẩn cấp từ tàu cá gặp nạn. Tàu cá của anh vừa chủ động tìm kiếm tàu bạn, vừa nhanh chóng liên lạc đất liền nhờ tiếp sức. Hơn nửa ngày sau, cùng trợ giúp của lực lượng hải quân, tàu cá của Hòa đã kéo tàu bạn bị chết máy vào bờ an toàn.

Với hơn 130km bờ biển, tỉnh Quảng Ngãi có lợi thế lớn trong phát triển kinh tế biển với chủ lực là khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Toàn tỉnh hiện có hơn 4.500 tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản vùng khơi và có nhiều đóng góp bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Từ nhiều năm qua, chương trình "Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân" của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tại Quảng Ngãi đã thắt chặt mối liên hệ thân thiết với ngư dân. Nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe cho ngư dân, hỗ trợ kiến thức biển, đảo, Luật Cảnh sát biển, phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, một triệu lá cờ cùng ngư dân vươn khơi bám biển, tặng radio cho tàu cá, chăm lo cho hậu phương ngư dân… được tổ chức, duy trì tại các huyện miền biển. Những hoạt động ý nghĩa ấy thật sự đã đồng hành, giúp ngư dân vững tin hơn khi ra khơi.

"Chúng tôi được khám sức khỏe, được tập huấn cứu nạn khi có sự cố xảy ra. Sự quan tâm đó an ủi, động viên chúng tôi rất nhiều vì mình tin luôn có nhiều người bên cạnh khi vươn khơi bám biển" - ngư dân Nguyễn Thanh, huyện đảo Lý Sơn bày tỏ.

Mệnh lệnh của trái tim

Với hơn 90.000 tàu cá và khoảng hơn bốn triệu lao động nghề cá, trong đó có khoảng một vạn lao động thường xuyên và dài ngày trên biển, ngành khai thác thủy sản ở nước ta đã có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nước nhà. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, không thể thiếu vai trò của các lực lượng chức năng trên biển.

Quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Quân chủng Hải quân đã chủ động phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển triển khai Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, đạt được nhiều kết quả nổi bật trong giai đoạn 2019-2022. "Lo cho dân như người thân của mình", "Giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim", cán bộ, chiến sĩ hải quân luôn sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi, trên khắp các vùng biển cả nước để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 thường xuyên giáo dục quán triệt bộ đội vị trí, tầm quan trọng công tác hỗ trợ, dân vận tại cơ sở. Các đơn vị phối hợp địa phương tổ chức hoạt động tuyên truyền về biển, đảo, Luật Biển Việt Nam 2012, Luật Cảnh sát biển năm 2018 và hoạt động chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU) cho hơn 6.200 ngư dân, bà con ven biển. Đồng thời, hỗ trợ 70 radio, 20 túi sơ cấp cứu y tế cho tàu cá ngư dân, cấp phát 24.000 lá cờ Tổ quốc cho tàu thuyền vươn khơi. Các chương trình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân", "Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo" củng cố, tăng cường mối đoàn kết quân-dân, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc.

Ông Bùi Hồng Vân-Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết: "Động viên, trợ lực cho ngư dân vươn khơi, kiên trì bám biển luôn là điều tiên quyết của Nghiệp đoàn. Nghiệp đoàn phối hợp với các đơn vị, lực lượng trên biển hỗ trợ cho anh em, tàu thuyền, bền bỉ gắn chặt để cùng vì cuộc sống ngư dân và giữ gìn chủ quyền vùng biển".

Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 chia sẻ, việc quan tâm, chăm sóc hậu phương của ngư dân cũng là cách động viên tinh thần thuyền viên. "Cán bộ, chiến sĩ chúng tôi thường xuyên chăm lo gia đình chính sách miền biển, hỗ trợ con em ngư dân khó khăn đến trường, tham gia các hoạt động cộng đồng. Nhờ vậy, sự gắn kết với ngư dân chặt chẽ hơn, giúp những người bạn đồng hành bám biển, giữ đảo" - Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 khẳng định.

Việc tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân - những "cột mốc sống" vươn khơi bám biển dài ngày là vấn đề quan trọng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống ngư dân, khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh quốc gia trên biển.

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam xác định rõ, ngư dân chính là lực lượng không thể thay thế trong thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển.